Giám đốc Didi Travel: Doanh nghiệp lữ hành cần ưu tiên thúc đẩy đầu tư vào công nghệ số

Cập nhật: 31/05/2023

(VOV5) -Hi vọng, các doanh nghiệp lữ hành Việt sẽ nhận được nhiều hơn sự quan tâm của Chính phủ, có những cơ chế, chính sách khuyến khích hợp lý.

Dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến lĩnh vực du lịch nhưng cũng mở ra những xu hướng mới trong hoạt động của ngành. Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại cho du khách rất nhiều tiện lợi, thì đối với các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ càng cần phải thúc đẩy chuyển đổi số, tăng tính chuyên nghiệp trong công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm. Điều đó, sẽ giúp các doanh nghiệp khai thác hiệu quả hơn các giá trị gia tăng từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. Đó là một số chia sẻ của Anh Nguyễn Đăng Kiên, giám đốc Công ty Didi Travel với PV Đài TNVN trong một chuyến khảo sát du lịch (famtrip) vừa qua.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Mặc dù đang có nhiều hứa hẹn khởi sắc, song dường như các công ty lữ hành Việt vẫn đứng trước nhiều thách thức trong năm phục hồi du lịch này. Anh có thể chia sẻ những khó khăn mà DidiTravel đang phải đối mặt để có thể "restart" một cách thành công?
Giám đốc Didi Travel: Doanh nghiệp lữ hành cần ưu tiên thúc đẩy đầu tư vào công nghệ số - ảnh 1Nguyễn Đăng Kiên, Giám đốc công ty DiDi Travel
Ảnh nvcc

Anh Nguyễn Đăng Kiên: Quả thật, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho toàn ngành du lịch đóng băng. Rất nhiều người trong nghề đã chuyển sang làm việc khác. Đó là khó khăn đầu tiên trong vấn đề tuyển chọn lại nguồn nhân lực ở nơi chúng tôi. Thứ 2 là, thói quen xê dịch cũng nhu cầu của khách du lịch cũng đang thay đổi nhiều. Những công ty thường xuyên tổ chức cho cán bộ nhân viên đi nghỉ mát trong nước, hay nước ngoài cũng thay đổi., trước diễn ra thường xuyên, "đến hẹn lại lên" nhưng hiện giờ lượng khách hàng như vậy giảm đi đáng kể.

Giám đốc Didi Travel: Doanh nghiệp lữ hành cần ưu tiên thúc đẩy đầu tư vào công nghệ số - ảnh 2Thay vì trải nghiệm dịch vụ tiện ích xa xỉ, ngày càng nhiều du khách muốn có những trải nghiệm chân thật, mang nét văn hóa đặc trưng bản địa, gần gũi với thiên nhiên. Ảnh DiDI Travel

Thứ 2, là khách hàng là nhóm nhỏ cá nhân, gia đình.. xu hướng bây giờ của họ là tự tìm kiếm những điểm đến, thông tin qua mạng xã hội, trên internet. Sau đó, họ tự liên hệ trực tiếp với các nhà cung cấp, tự tổ chức chuyến đi riêng. Cho nên, các nhà tổ chức du lịch nếu như vẫn đi theo cách làm truyền thống sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể tiếp cận khách hàng, hoặc tính cạnh tranh sẽ trở lên vô cùng khốc liệt. Nếu như trước đây có tầm 100 khách hàng nay số lượng chỉ còn hơn 2,3 chục...bị thu hẹp rất nhiều, dẫn đến sự cạnh tranh cũng như áp lực trong ngành rất cao. Thực tế này cũng còn gây ra những khó khăn cho các đối tác của ngành du lịch. Họ cảm thấy mình dù đã rất cố gắng nhưng lợi nhuận hay những gì đem lại vẫn bị giảm sút rất nhiều so với trước đây.

Giám đốc Didi Travel: Doanh nghiệp lữ hành cần ưu tiên thúc đẩy đầu tư vào công nghệ số - ảnh 3Một dòng sản phẩm chuyên về khám phá, trải nghiệm văn hóa của DiDi Travel hấp dẫn du khách.

PV:Trước thực tế đó, theo anh mỗi doanh nghiệp lữ hành cần có những ưu tiên gì trong chiến lược kinh doanh của mình để có thể theo kịp sự phát triển của thị trường?

Anh Nguyễn Đăng Kiên: Điều này tùy theo chiến lược của từng doanh nghiệp. Riêng với công ty Didi Travel thì đầu tiên, chúng tôi phải tối giản hóa mọi chi phí và tái cơ cấu bộ máy về nhân sự. Để tối giản được vấn đề nhân sự ở từng mảng như điều hành, kinh doanh..bán hàng thì công ty bắt buộc phải áp dụng số hóa trong mọi hoạt động từ vấn đề quản lý, điều hành, ứng dụng phần mềm cho đến việc thích ứng với thói quen tiêu dùng mới của khách hàng.

Cần phải chuyển đổi phương tiện về truyền thông, bán hàn cũng như makerting...thay vì trước đây là tư vấn trực tiếp thì nay sẽ phải áp dụng các phầm mềm thư điện tử, ứng dụng công nghệ rồi mạng xã hội. Đó là những sự thay đổi rõ nét nhất trong chiến lược kinh doanh của công ty chúng tôi sau thời kỳ dịch Covid-19. Tôi nghĩ rằng, trong bối cảnh hiện nay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải tiếp cận với chuyển đổi số-một xu thế tất yếu qua đó giúp khai thác hiệu quả hơn các giá trị gia tăng từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.

Giám đốc Didi Travel: Doanh nghiệp lữ hành cần ưu tiên thúc đẩy đầu tư vào công nghệ số - ảnh 4Tour du lịch chuyên dành cho các bạn nhỏ, học hỏi thông qua trải nghiệm thực tế từ thiên nhiên. Ảnh DiDi Travel.

PV: Như vừa đề cập, ngoài cơ cấu lại hoạt động, làm chủ ứng dụng công nghệ thì công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm được coi là hoạt động then chốt để thu hút khách hàng. Ở một góc độ nào đó, theo anh hoạt động quảng bá du lịch Việt như ở các kỳ cuộc Hội chợ quốc tế cần lưu ý gì để đạt hiệu quả cao hơn?

Anh Nguyễn Đăng Kiên: Hội chợ du lịch quốc tế là sự kiện thu hút rất nhiều sự quan tâm của rất nhiều người từ khách du lịch, các chuyên gia, công ty - doanh nghiệp lữ hành và những người tìm kiếm đối tác về du lịch. Hiện nay một thực trạng tôi nhìn thấy là chiến lược của phần lớn công ty, trong tổng thể chung là chúng ta vẫn dùng chiến lược giá (giảm giá) để thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, vấn đề chúng ta phải hiểu là nếu chúng ta đưa ra chương trình giảm giá để mời gọi khách hàng thì một cách nào đó, vô hình chung mặc định đánh vào tâm lý khách hàng là muốn đi du lịch nhưng chỉ tìm giá rẻ. Và, ở mức giá rẻ thì các công ty rất khó tổ chức được một chương trình hay tour chất lượng. Điều này dẫn đến tình trạng chung là phần lớn du lịch Việt làm đều làm ở mức "hạn chế", khó có thể nêu bật được rằng sản phẩm của mình đặc sắc như thế nào. Theo tôi, chính sách về giá là quan trọng nhưng chưa hẳn là tối ưu.

Giám đốc Didi Travel: Doanh nghiệp lữ hành cần ưu tiên thúc đẩy đầu tư vào công nghệ số - ảnh 5Sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch mong muốn thắt chặt liên kết, hợp tác để cùng nhau phục hồi. Ảnh nvcc

Tham dự nhiều Hội chợ quốc tế, tôi thấy rằng, ngoài số ít doanh nghiệp lớn thì các gian hàng của Việt Nam mình thường nhỏ lẻ…tổ chức theo nhóm nhỏ hoặc đi cùng với tổng cục du lịch.vvv.. Ở nơi đó, Viêt Nam cũng tổ chức các show diễn giới thiệu bản sắc văn hóa, ẩm thực nhưng các chương trình mang tính nhẹ nhàng, tương đối đơn giản...thực sự chưa tạo được cảm giác thích thú, tò mò cho người xem kiểu như Wow! Ở đây mình thực sự chưa nhìn thấy ở đâu trên thế giới”. Nếu chúng ta làm được các show diễn chạm được vào cảm xúc người xem, chắc chắn sẽ tạo được một điểm nhấn ấn tượng thu hút du khách đến Việt Nam nhiều hơn.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên lấy những nét văn hóa bản sắc địa phương ở các vùng miền của Việt Nam để tạo những điểm nhấn tại Hội chợ quốc tế, thay vì những hình ảnh chung chung quen thuộc và chính sách về giá. Bởi, khách tham quan là những doanh nghiệp lữ hành quốc tế, khách du lịch từng đến Việt Nam 1 lần và có thể muốn trở lại khám phá tiếp.Thật sự, cảnh quan và bản sắc văn hóa của Việt Nam vô cùng phong phú, thú vị hơn nhiều quốc gia tôi từng biết. Công tác quảng bá du lịch của Việt Nam cần được triển khai thực hiện trong chiến lược dài hạn.

Tôi tin rằng, du lịch Việt sẽ khởi sắc tốt đẹp thời gian tới. Hi vọng, các doanh nghiệp du lịch Việt sẽ nhận được nhiều hơn sự quan tâm của chính phủ, Bộ ngành liên quan để có những cơ chế, chính sách khuyến khích hợp lý, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra ngoài thế giới cũng như trong cộng đồng người Việt Nam nhiều hơn và hiệu quả hơn./.

PV: Vâng xin cảm ơn Anh về cuộc trò chuyện.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Du lịch Việt, quảng bá hình ảnh Việt Nam, công ty lữ hành, phục hồi sau Covid-19

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập