Giám định tư pháp đối với các vụ xâm hại trẻ em còn nhiều phức tạp
Cập nhật: 10/01/2020
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Công tác giám định các vụ xâm hại phụ nữ, trẻ em rất phức tạp, không thể thực hiện trong thời gian ngắn nên thời hạn tối đa 7 ngày là phù hợp.
Tiếp tục phiên họp 41, sáng 10/1, UBTV Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư phápvà các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp. Ảnh: Quốc hội |
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ, theo đó, chỉ sửa đổi, bổ sung kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách để tháo gỡ vướng mắc, bất cập tronggiám định tư pháptheo vụ việc nhằm phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng mà không mở rộng sửa đổi sang các nội dung khác của Luật.
Hiện vẫn còn một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Tại phiên họp này, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; Về bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”; Về trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức giám định; Trưng cầu giám định tư pháp...
Đối với vấn đề giám định tư pháp, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, theo điều 22 của Luật hiện hành, quyền của người yêu cầu giám định tư pháp có nêu: "Người yêu cầu giám định tư pháp có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định.
Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 7 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn này thì người yêu cầu giám định tư pháp mới được tự mình đi yêu cầu giám định tư pháp".
Đối với những vụ việc xâm hại trẻ em, giám định tư pháp vẫn là vấn đề nhức nhối, nếu thời hạn giám định là 7 ngày thì quá dài, bởi thực tế, có nhiều vụ việc bị mất dấu vết chứng cứ do để chậm thời gian giám định.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị: “Nếu trong trường hợp người bị hại làm đơn tố cáo và sau đó phải chờ quyết định trưng cầu giám định của cơ quan điều tra trong vòng 7 ngày. Đây là những vụ việc đặc thù và chứng cứ không còn hiện hữu nữa. Kỳ họp trước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tôi đã nêu một số ví dụ đau lòng. Lần này tôi cũng tha thiết đề nghị các đồng chí quan tâm là thời hạn 7 ngày như thế là quá dài. Đối với các vụ việc xâm hại trẻ em thì có cần quy định một cách cụ thể hơn hay không”.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phát biểu tại phiên họp. |
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công An Lê Quý Vương cho biết, việc giám định tuân thủ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, trách nhiệm của cơ quan điều tra. Thời hạn giám định tối đa là 7 ngày, có trường hợp chỉ trong một ngày đã được thực hiện. Công tác giám định đối với vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em rất phức tạp, không thể thực hiện trong thời gian ngắn.
“Trong chỉ huy điều tra các vụ án, có những vụ chúng tôi phải lệnh cho các đồng chí trả lời trước bao nhiêu giờ. Ví dụ như các vụ liên quan đến án mạng, giết người là ngay lập tức, như vụ ở Quảng Ninh, vụ giết 4 bà cháu, phải chạy xe Cảnh sát giao thông về Viện Khoa học hình sự làm suốt đêm và đến sáng hôm sau phải có kết quả để biết hướng điều tra. Tôi cho rằng tối đa 7 ngày là phù hợp, không trái với Luật. Các cơ quan điều tra cố gắng làm như vậy và trách nhiệm cơ quan điều tra cũng muốn làm như vậy, càng nhanh càng tốt”, Thứ trưởng Lê Quý Vương nói.
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Bùi Mạnh Cường phát biểu tại phiên họp. |
Đối với việc yêu cầu bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng Kỹ thuật hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Đại biểu Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng, đây là việc làm cần thiết để đảm bảo tính khách quan trong quá trình điều tra. Đồng thời, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng trong việc giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.
“Trên thực tế, 3 cơ quan điều tra chuyên trách thì hiện nay, Luật giám định tư pháp đang giao cho cơ quan điều tra của Bộ Công an và Cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng thực hiện việc giám định. Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không được giao nhiệm vụ này, đó là việc chúng tôi thấy chưa phù hợp với Luật. Thứ hai là chúng tôi có phòng Kỹ thuật hình sự đang thực hiện nhiệm vụ của mình và chúng tôi cần đề nghị là bổ sung thêm nhiệm vụ này vào đó”, Đại biểu Bùi Mạnh Cường nói.
Một số ý kiến đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi nhằm quy định cụ thể để phân định thẩm quyền giám định pháp y tử thi giữa ngành Y tế và ngành Công an; mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp ở một số lĩnh vực có nhu cầu lớn như: giám định ADN, giám định tài liệu, giám định số khung, số máy xe cơ giới…
Luật. Đối với các ý kiến còn khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, tiếp thu, tiếp tục hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội./.
Từ khóa: xâm hại trẻ em, giám định tư pháp
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN