Giải thưởng VHNT năm 2022 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam: Tôn vinh những giá trị truyền thống
Cập nhật: 06/01/2023
(VOV5) -Đây cũng là dịp Hội đồng Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam “chọn mặt gửi vàng”, giới thiệu và khẳng định nhiều tác phẩm chất lượng với đông đảo công chúng.
Lễ trao Giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2022 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam vừa diễn ra tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, số 58 phố Quán Sứ, Hà Nội. Giải thưởng thường niên tiếp tục đem đến niềm vui cho những văn nghệ sĩ khi ghi nhận nỗ lực lao động sáng tạo trên nhiều phương diện: văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh.
Đến hẹn lại lên, Lễ trao Giải thưởng VHNT của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã trở thành điểm nhấn hằng năm cho những người sáng tạo nghệ thuật. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội đồng giải thưởng của các Hội VHNT đã có sự sàng lọc, thẩm định nghiêm túc tác phẩm ngay từ cơ sở nên chất lượng tác phẩm dự xét giải ngày càng được nâng cao: “Điều đầu tiên phải khẳng định năm nay chất lượng của các tác phẩm ở các thể loại đã được nâng lên một bước so với những năm trước.
Trao giải cho các tác phẩm xuất sắc của các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương. |
Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2022 đã trao những tác phẩm xuất sắc trong năm của các Hội VHNT các tỉnh thành và trong đó, có 9 giải thưởng dành cho 9 Hội chuyên ngành nghệ thuật trung ương từ những tác phẩm xuất sắc của năm được gửi lên Liên hiệp. Những tác phẩm này đã được xuất bản, tham gia triển lãm hoặc được công bố, trình diễn, được công chúng mến mộ và báo chí đề cập, bình luận nhiều.
Giải thưởng đã phản ánh khuynh hướng sáng của các tác giả là hội viên của các Hội VHNT các tỉnh, thành phố: đó là vẫn đi theo khuynh hướng truyền thống, có tìm tòi, đổi mới nhưng nội dung, chủ đề vẫn bám sát chủ đề về đời sống và truyền thống đạo lý của dân tộc.
Đặc biệt, nhiều tác phẩm đi vào đề tài thời sự của đất nước như vấn đề bảo vệ chủ quyền Vinh danh các tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau như văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh nên không ngạc nhiên khi Lễ trao giải quy tụ nhiều gương mặt văn nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực, lứa tuổi khác nhau. Niềm vui khi tác phẩm của mình được nhận giải thưởng còn cộng hưởng với niềm vui gặp gỡ, niềm vui khi công sức lao động sáng tạo của mình được ghi nhận.
Nhạc sĩ Đình Nghĩ, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tác giả được trao giải Xuất sắc cho ca khúc “Ơi con sông mặt trời”, bộc bạch: “Khi viết bài hát này, thật ra tôi cũng không nghĩ có giải thưởng lớn như thế. Điều đó hết sức xúc động và cũng là niềm vui rất lớn. Bài hát này tôi viết cho quê hương Đà Lạt, Lâm Đồng. “Ơi con sông mặt trời” mang tính huyền thoại bởi như chúng ta đã biết, ở Đà Lạt, Lâm Đồng, từng ngọn cây, từng chồi cỏ, kể cả những áng mây… tất cả đều là những câu chuyện cổ tích. Và tôi đã dùng làn điệu dân gian của các dân tộc Chin, Mạ, K’ho, phát triển âm nhạc thành thể loại pop ballad. Bài hát được trộn lẫn giữa dân gian và hiện đại, rất phù hợp với giới trẻ và kể cả là phù hợp với công chúng hiện nay.”
Trao giải A cho các tác giả |
Trong số các tác phẩm nhận giải, có thể thấy đề tài truyền thống như viết về quê hương, đất nước, người lính, bảo vệ biên giới và hải đảo… chiếm vai trò chủ đạo. Ca khúc “Ơi con sông mặt trời” của nhạc sĩ Đình Nghĩ lấy cảm hứng từ mảnh đất Đà Lạt, Lâm Đồng, quê hương ông. Vở diễn “Đất liền và biển cả” của TS, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương theo đuổi đề tài biển đảo…
Còn bộ ảnh “Ngọt ngào mật ong hoa nhãn” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Khắc Hào cũng được thực hiện trên mảnh đất Hưng Yên mà ông gắn bó: “Bộ ảnh này tôi chụp đầu năm 2022. Tôi muốn tôn vinh một sản vật truyền thống và rất có giá trị của người Hưng Yên, kể cả giá trị kinh tế. Và nó nói lên một giá trị tinh thần rất là sâu sắc. Đó là “Ngọt ngào mật ong hoa nhãn”. Tôi muốn kể câu chuyện bằng ảnh về những người dân Hưng Yên nuôi ong và sản xuất mật ong hoa nhãn. Đây là một trong những nghề truyền thống lâu đời của Hưng Yên. Tôi chụp những bức ảnh để kể lại câu chuyện, từ những bông hoa nhãn của vùng nhãn Hưng Yên Phố Hiến, mùa xuân như thế nào, những con ong đi lấy mật ra làm sao, rồi người dân nuôi ong như thế nào. Đặc biệt là những đõ ong ở trên những triền đê của sông Hồng như thế nào. Có thể nói đó như là ngôn ngữ của thi ca.”
Ở mảng văn học, như thường lệ, số lượng các tác phẩm dự xét giải và đoạt giải cao đều cao hơn các chuyên ngành khác. Đây cũng là lĩnh vực được đánh giá là có “bước tiến dài trong lao động sáng tạo nghệ thuật”. Ngay ở một đề tài rất quen thuộc như tình yêu, các tác giả cũng cho thấy nhiều sự tìm tòi về bút pháp.
Tác giả Phong Nguyên, Giải A cho tập truyện ngắn “Cõi yêu” chia sẻ: “Tập truyện ngắn này thực ra chỉ có ba truyện thôi: truyện “Cõi yêu”, truyện “Hồng gai” và truyện “Không thể khiên cưỡng”. Số lượng trang cũng ít, vào khoảng 160 trang. Ở trong truyện ngắn “Cõi yêu” thì mình có viết về một tình yêu của một đôi bạn trẻ. Họ phải trải qua rất nhiều sóng gió. Và những sóng gió này thì không đến từ bên ngoài mà chính là sóng gió từ những nội tâm ở bên trong để hướng đến một tình yêu mà như mình nghĩ là nếu gặp được người mà chúng ta yêu bằng cả lý trí và tâm hồn, cả sự cuốn hút về giới thì đó là một tình yêu đẹp nhất. Đấy là cách mà mình xây dựng một nhân vật hội tụ tất cả những điều mà mình muốn là người phụ nữ có thể tìm được trong cuộc sống.”
Một điều đáng chú ý là giải thưởng năm nay vinh danh nhiều tác giả trẻ. Không khó để tìm thấy các tác giả thuộc thế hệ 8x, 9x trong các gương mặt nhận giải. Tiêu biểu có thể nhắc đến Vũ Thị Huyền Trang, Viên Nguyệt Ái (Phú Thọ), Nguyễn Nhật Huy (Thái Nguyên), Hoàng Diệp Hằng (Lạng Sơn)… Điều này cho thấy sự quan tâm của các Hội VHNT tỉnh, thành phố đối với việc bồi dưỡng các tác giả trẻ.
Tác giả Phong Nguyên (Lạng Sơn) và tác giả Trần Thúy Lành (Hải Dương) cho biết: “Khi được kết nạp vào Hội, được trò chuyện các anh em với nhau thì mình cảm thấy là mình không lạc lõng. Mình cảm thấy có một động lực sáng tác rất là lớn. Từng bước từng bước, Hội đã giúp cho mình có được sự tự tin hơn. Ví dụ như là hỗ trợ để mình có thể in được tác phẩm, hoàn thành được tác phẩm hoặc đăng những câu chuyện mà mình viết.
Theo mình thì đó là sự đồng cảm rất là lớn. Với giải thưởng lần này thì đó cũng là sự tạo điều kiện của Hội khi mà Hội đã gửi tập truyện ngắn của mình đi và đến ngày được báo nhận giải thì mình rất là vui. Mình nhớ có một câu của một người bạn mình, đó là: “Nếu muốn đi nhanh thì đi một mình, còn nếu muốn đi xa thì đi cùng nhiều người”. Tôi rất vui. Khi tìm được một tập thể, một nhóm mà chúng ta có thể đồng cảm với nhau, có thể chia sẻ và cùng nhau bước thì Hội VHNT Lạng Sơn đã tạo được điều kiện ấy cho mình”.
“Chúng tôi cảm thấy rất may mắn. Như tôi và chị Vũ Thị Thanh Hòa hay là một số chị em khác trong Hội VHNT, đặc biệt là trong Ban Văn xuôi của chúng tôi có một số cây bút rất là trẻ như chị Nguyễn Hải Yến, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chị Nguyễn Thu Hằng cũng là một người viết có bề dày thành tích qua các tập truyện xuất bản và qua các giải thưởng. Chúng tôi cảm thấy rất may mắn là được các thế hệ đi trước, các cây bút đi trước của Hải Dương tiếp lửa, truyền thêm rất nhiều động lực, đồng thời cũng học hỏi được từ các cô các chú các anh chị của Hội Văn học nghệ thuậtHải Dương kinh nghiệm để phát triển hơn trong con đường sáng tác."
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Giải thưởng, văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam: tôn vinh, giá trị truyền thống
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5