Giải pháp ngăn ngừa lạm dụng rượu trong đại dịch COVID-19

Cập nhật: 17/07/2021

VOV.VN - Có rất nhiều hậu quả xã hội do COVID-19 gây ra nhưng có một tác động mà ít ai ngờ tới, đó là tỷ lệ lạm dụng rượu và nghiện rượu phi mã trong thời gian này.

Vì sao COVID-19 làm gia tăng lạm dụng rượu?

Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến rất nhiều mặt của cuộc sống xã hội. Số người nhiễm bệnh, số người tử vong tăng lên hàng ngày trên phạm vi toàn thế giới. Kinh tế ảm đạm, mất thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, phong tỏa... khiến cuộc sống của mọi người thêm khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Lạm dụng rượu được định nghĩa là uống rượu đến mức gây hại, nhưng vẫn uống, bất chấp hậu quả. Tuy nhiên, người lạm dụng rượu chưa đạt đến mức độ nghiện rượu, nghĩa là họ chưa có hội chứng cai rượu khi ngừng uống rượu đột ngột.

Ví dụ, một người uống rượu nhiều, trong vài năm, họ vẫn tiếp tục uống rượu ngay cả khi đã có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, loét dạ dày, viêm gan...

Thật kỳ lạ khi chúng ta lại thấy lạm dụng rượu và COVID-19, một bên là tệ nạn xã hội, một bên là bệnh truyền nhiễm, lại có liên quan mật thiết với nhau.

Khi phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, người ta ít đi ra khỏi nhà. Không phải làm việc, không lái xe, không tụ tập đông người thì họ sẽ làm gì để giết thời gian ở nhà? Ngoài ba bữa ăn, xem tivi cả ngày cũng chán, họ lại quay ra... uống rượu.

Ngày này qua ngày khác, họ uống rượu đều đặn với số lượng ngày càng tăng dần. Hãy thử tưởng tượng hoàn cảnh của họ, không lái xe nên không sợ cảnh sát giao thông bắt gặp, không đến cơ quan nên không sợ sếp phạt vì tội uống rượu trong giờ làm việc. Không tụ tập đông người nên không ai biết mình đã uống rượu.

Như vậy chúng ta dễ dàng nhận thấy, mặc dù dịch COVID-19 không gây ra lạm dụng rượu và nghiện rượu, nhưng nó làm cho tình trạng lạm dụng rượu và nghiện rượu của con người ta trầm trọng hơn.

Như đã nói trên, cả người nghiện rượu và lạm dụng rượu đều đã có các tổn thương về bệnh cơ thể. Khi uống rượu nhiều thì các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan, loét dạ dày… ngày càng trầm trọng hơn. Họ sẽ không đi khám bệnh vì luôn cho rằng mình uống rượu có chừng mực, hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Hơn nữa, nếu họ có muốn đi khám bệnh thì cũng khó vì trong đại dịch các bệnh viện cũng hạn chế khám và chữa các bệnh thông thường.

 Làm gì để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng rượu?

 Vậy chúng ta phải làm sao để ngăn ngừa tình trạng uống rượu khi bị cách ly, phong tỏa và giãn cách xã hội? Các biện pháp tâm lí như khuyên giải có lẽ sẽ ít kết quả.

Biện pháp hữu hiệu nhất là cấm bán rượu, bia trong vùng phong tỏa, cách ly! Vì cấm bán đồ uống có cồn thì chẳng ai có thể mua rượu bia mà uống được. Cấm bán rượu bia có khả thi không? Chúng ta cấm bán hàng ăn, cắt tóc, cà phê... những dịch vụ không thiết yếu được thì tại sao lại không cấm bán rượu bia được? Suy cho cùng thì rượu bia đâu có phải là hàng hóa thiết yếu! Cửa hàng nào vi phạm sẽ bị buộc đóng cửa trong thời gian cách ly xã hội.

Có biện pháp nào thay thế cho việc cấm bán rượu, bia không? Có, nhưng không hữu dụng. Ví dụ như khuyên các bà vợ quản lý chặt chi tiêu của các ông chồng. Biện pháp này không khả thi. Hơn nữa, những người lạm dụng và nghiện rượu xưa nay coi trời bằng vung thì bà vợ nào dám cấm các ông ấy uống rượu?

Xử phạt người uống rượu quá nhiều? Xưa nay chưa có luật nào cấm người ta uống rượu ở nhà, mà chả biết thế nào là uống nhiều hay ít vì các “bợm rượu” có bao giờ khai thật về số lượng rượu uống của mình.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra cho xã hội quá nhiều vấn đề phải giải quyết, giờ đây chúng ta lại có thêm một mối bận tâm mới trong quãng thời gian đầy khó khăn này./.

Từ khóa: rượu bia, tác hại của rượu bia, lạm dụng bia rượu trong đại dịch covid-19

Thể loại: Y tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập