Giải pháp nào giải quyết nhiều trụ sở “bỏ hoang” gây lãng phí ở Tiền Giang?
Cập nhật: 2 giờ trước
Tỷ lệ 20% xét tuyển sớm không có nhiều ý nghĩa với các trường đại học
Từ ngày 25/12, người dùng mạng xã hội cần lưu ý gì về xác thực tài khoản?
VOV.VN - Nhiều năm qua, tại tỉnh Tiền Giang, không ít công trình, trụ sở làm việc của các Sở, ngành không còn sử dụng nữa phải đóng cửa. Các phương án “xử lý” tài sản này chưa đạt hiệu quả cao, gây lãng phí tài sản của nhà nước. Chính quyền và các ngành chức năng tỉnh cần tiếp tục giải quyết tình trạng này, không để gây lãng phí tài sản công kéo dài.
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, có 33 trụ sở (cũ) không còn sử dụng giao cho Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan quản lý. Đặc biệt, từ năm 2020, khi tỉnh Tiền Giang xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng khu hành chính thì nhiều Sở, ngành vào đây làm việc. Nhiều trụ sở (cũ) ở vị trí mặt tiền đường tại nội ô thành phố Mỹ Tho, còn hạn sử dụng phải đóng cửa.
Từ năm 2020 - 2021, UBND tỉnh Tiền Giang đã giao cho Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan tham mưu đề xuất các giải pháp xử lý, trong đó kêu gọi đầu tư và tổ chức đấu giá bán các tài sản này để thu tiền nộp ngân sách nhà nước.
Đến nay, UBND tỉnh đã bố trí làm trụ sở cho các cơ quan đơn vị có nhu cầu là 8 tài sản, tổ chức bán đấu giá thành công 9 tài sản và chuyển đổi công năng 1 tài sản (Khu chung cư đường Lê Văn Duyệt, phường 1, TP. Mỹ Tho). Hiện nay, còn lại 15 tài sản đã tiếp tục thực hiện bán đấu giá nhưng chưa xử lý được với các lý do: đấu giá không thành, không có khách hàng tham gia đấu giá. Do đó, nhiều năm qua, các tài sản có giá trị này không có mục đích sử dụng, trong khi đó phải mất chi phí thuê bảo vệ, tổ chức làm vệ sinh, trùng tu định kỳ… gây lãng phí tài sản của nhà nước. Người dân ở thành phố Mỹ Tho rất xót xa khi mỗi ngày chứng kiến nhiều trụ sở xây dựng hoành tráng, nằm ở vị trí đắc địa nhưng không được sử dụng.
Ông Phạm Nguyên Khang, người dân thành phố Mỹ Tho tâm tư: " Hiện nay trên địa bàn thành phố Mỹ Tho tôi thấy có một số trụ sở cơ quan nhà bước đang bỏ không rất lãng phí. Theo tôi, nên cho thuê hoặc bán đấu giá để lấy nguồn tiền bổ sung vào công quỹ nhà nước. Nếu bỏ như vầy không ai chăm sóc, sửa chữa thì làm xấu đi bộ mặt của thành phố".
Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang cuối năm nay, nhiều đại biểu và cử tri ở địa phương cũng nêu ý kiến bức xúc về vấn đề này, yêu cầu UBND tỉnh phải có giải pháp hữu hiệu, không để tiếp tục xảy ra tình trạng lãng phí nhiều trụ sở cũ ở vị trí “đất vàng” bị bỏ hoang. Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, đang tiếp tục thực hiện 3 giải pháp để “xử lý” các tài sản này theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: “Giải pháp trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành quản lý chặt chẽ và tiếp tục thực hiện các thủ tục để đấu giá các tài sản này theo quy định. Thứ 2 là tiếp tục kêu gọi đầu tư để khai thác các bất động sản này. Thứ ba là UBND tỉnh sẽ chỉ đạo giao cho đơn vị sự nghiệp công lập liên danh liên kết để khai thác theo Luật quản lý đầu tư công mà đặc biệt là theo Nghị định 108/NĐ - CP năm 2024 của Chính phủ vừa mới ban hành”.
Không chỉ còn 15 trụ sở cũ của các cơ quan cấp tỉnh đã đóng cửa nhiều năm mà tại thành phố Mỹ Tho còn có căn nhà cao tầng ở số 55 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng đang đóng cửa im lìm khiến nhiều người dân bức xúc. Tại các huyện, thành phố trong tỉnh cũng có không ít tài sản (nhà và đất của nhà nước) phải đóng cửa do chưa có nhu cầu sử dụng, khai thác, cần sớm có giải pháp, hướng giải quyết phù hợp để không tiếp tục lãng phí tài sản công.
Từ khóa: tiền giang, trụ sở cũ bỏ hoang, công trình bỏ hoang, lãng phí tài sản công
Thể loại: Xã hội
Tác giả: nhật trường/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN