VOV.VN - Các quan chức NATO cho biết sẽ không các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới nhưng liên minh sẽ thông báo một kế hoạch điều phối sự hỗ trợ cho nước này về dài hạn.
Kế hoạch mới của NATO
Các quan chức cho biết NATO sẽ cung cấp cho Ukraine một trụ sở mới để quản lý hỗ trợ quân sự tại Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh ở Washington. Đây được coi như một sự đảm bảo cho cam kết lâu dài của liên minh với an ninh Ukraine, vốn được coi là "cầu nối" cho tư cách thành viên cuối cùng của Kiev.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zleensky, cùng với một số quốc gia Trung Âu đã hy vọng Kiev sẽ được NATO đề nghị đàm phán về tư cách thành viên tại Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra từ ngày 9 - 11/7.
Tuy nhiên, thay vào đó, liên minh thông báo họ đã đồng ý thành lập một phái đoàn ở Đức để điều phối viện trợ các loại phương tiện cho Ukraine về lâu dài, các quan chức Mỹ và NATO cho hay.
Động thái này nhằm gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của các đồng minh, cả tới Kiev và Moscow, giữa bối cảnh Nga hy vọng phương Tây sẽ ngày càng mệt mỏi vì hỗ trợ cho Ukraine.
Do sứ mệnh này được thực hiện dưới sự bảo trợ của NATO nên nó được thiết kế để hoạt động ngay cả khi ông Donald Trump - người chỉ trích gay gắt liên minh và việc viện trợ cho Ukraine, đắc cử tổng thống vào tháng 11.
Chính quyền Tổng thống Biden và các quan chức NATO đưa ra ý tưởng này như một biện pháp nhằm mang đến một điều gì đó vững chắc cho Kiev tại hội nghị thượng đỉnh, ngay cả khi họ cho rằng thời điểm này không thích hợp để Ukraine tham gia.
Trên thực tế, điều này không chỉ vì Ukraine vẫn trong tình trạng xung đột, điều có thể khiến NATO trở thành lực lượng tham chiến mà còn bởi Tổng thống Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng Kiev phải thực hiện những cải cách quan trọng để giảm tham nhũng và cải thiện nền dân chủ cũng như pháp quyền.
Phương Tây hy vọng rằng cam kết này sẽ làm hài lòng ông Zelensky và dẫn đến một hội nghị suôn sẻ hơn hội nghị thượng đỉnh lần trước cách đây 1 năm tại Vilnius, Litva, nơi nhà lãnh đạo Ukraine không hài lòng khi nước này không được đưa ra một mốc thời gian chắc chắn cho các cuộc đàm phán trở thành thành viên.
Nhiệm vụ mới sẽ bao trùm hoạt động của các quốc gia trong liên minh nhằm cung cấp các khía cạnh viện trợ quân sự khác nhau cho Ukraine như phòng không, pháo, chiến đấu cơ F-16, vũ khí và huấn luyện.
Nó cũng điều phối việc đào tạo cho các quân nhân Ukraine tại các nước trong liên minh cũng như các thỏa thuận an ninh song phương dài hạn mà một số nước đã ký với Kiev, các quan chức Mỹ và NATO giấu tên tiết lộ, đồng thời khẳng định, các nước NATO đều nhất trí thành lập sứ mệnh này và kế hoạch sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh tới.
Trước đây, việc viện trợ cho Ukraine chủ yếu được cung cấp theo từng quốc gia mà ít quan tâm đến tính hiệu quả hay thậm chí là những nhu cầu cấp thiết nhất của Kiev. Các quan chức tóm tắt kế hoạch cho biết, việc tập hợp các gói viện trợ và đào tạo thiết yếu dưới một lực lượng chỉ huy là nhằm khiến việc cấp vũ khí nhất quán hơn.
Được gọi với cái tên Huấn luyện và Hỗ trợ An ninh của NATO cho Ukraine hay NSATU, sứ mệnh này sẽ hoạt động nhằm làm giảm sự trùng lặp và các vấn đề phức tạp của những loại vũ khí khác nhau được gửi đến Ukraine.
Chẳng hạn, các quan chức NATO cho biết gần đây, Pháp đã đề nghị cung cấp một số chiến đấu cơ Mirage song Ukraine đang gặp khó khăn trong việc đào tạo phi công và đưa F-16 vào hoạt động. Mirage - một loại chiến đấu cơ phức tạp tương tự, đòi hỏi quá trình huấn luyện, các bộ phận và bảo trì khác nhau, có thể gây căng thẳng cho năng lực của Ukraine.
VOV.VN - Năm 2024, Nga tiếp tục dồn sức cho cuộc xung đột vũ trang với Ukraine. Lực lượng an ninh và tình báo của Nga cũng nỗ lực bảo đảm an ninh nội địa từ sớm và từ xa. Tuy nhiên, sau lưng nước Nga vẫn xuất hiện một số điểm yếu được thể hiện qua loạt khủng bố chết người gần đây.
Đảm bảo sự hỗ trợ dài hạn cho Ukraine
Ivo Daalder, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, người đã được thông báo về kế hoạch này, cho biết, việc đặt sứ mệnh dưới sự bảo trợ của NATO sẽ bảo vệ nó khỏi bất kỳ thay đổi chính trị nào ở Washington.
Sứ mệnh mới cũng sẽ kết hợp với một nhóm hiện có của Mỹ tại Wiesbaden để xử lý các chuyến hàng vũ khí và đào tạo nhân sự.
Nó sẽ hoạt động song song với Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, hiện đang đặt dưới lãnh đạo của Mỹ và điều phối việc chuyển giao vũ khí của khoảng 50 quốc gia cho Ukraine.
Nhóm này không chính thức được gọi là "phái đoàn" vì sự phản đối từ Đức, vốn muốn tránh hàm ý rằng Đức và NATO đang chiến tranh với Nga, ông Daalder nói, mặc dù Nga coi cuộc xung đột ở Ukraine là một chiến dịch tự vệ nhằm chống lại NATO ngày càng mở rộng và thù địch.
"Đó là một nỗ lực chống lại ông Trump và là một nỗ lực có chủ ý nhằm đưa Ukraine và NATO xích lại gần nhau để hỗ trợ Kiev hiện nay cũng như trong tương lai", ông Daalder nhận định.
Chính quyền Tổng thống Biden chưa bình luận công khai về chi tiết của kế hoạch. Tuy nhiên, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết hội nghị thượng đỉnh sẽ cho thấy các đồng minh đang thực hiện "những bước cụ thể" nhằm đưa Ukraine đến gần hơn và đảm bảo nước này có một "cầu nối để trở thành thành viên cuối cùng". Tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm ngoái, liên minh này cũng từ chối đưa ra cho Ukraine một mốc thời gian cố định và lộ trình rõ ràng để trở thành thành viên hoặc cho phép quá trình đàm phán trở thành thành viên bắt đầu. Ông Zelensky không hài lòng nhưng lập trường chung của liên minh sẽ không thay đổi tại hội nghị lần này.
Việc NATO không sẵn sàng mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine hoặc đưa ra một khung thời gian cố định để thực hiện điều đó trái ngược với Liên minh châu Âu, hiện đã mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova hôm 25/6.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói một cách mơ hồ về kế hoạch cho sứ mệnh mới sau cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO ngày 14/6. Ông cho biết, kế hoạch sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington và sẽ đặt "sự ủng hộ của chúng tôi cho Ukraine trên một nền tảng vững chắc hơn trong nhiều năm tới".
Gọi sứ mệnh mới là một "hội nghị thượng đỉnh quan trọng có thể thực hiện được" và là một bước tiến xa hơn "trên con đường Ukraine trở thành thành viên NATO", ông nhấn mạnh, những nỗ lực này không khiến NATO trở thành một bên trong cuộc xung đột nhưng chúng sẽ tăng cường sự hỗ trợ của chúng tôi cho Ukraine để hỗ trợ quyền tự vệ của nước này".
VOV.VN - Ukraine vẫn nỗ lực gia nhập NATO nhưng tư cách thành viên trong liên minh này sẽ không đảm bảo Kiev được hỗ trợ nhiều hơn hiện nay, kể cả khi viện dẫn Điều 5.
Từ khóa: ukraine, ukraine gia nhập nato, tư cách thành viên nato, đàm phán gia nhập nato, kế hoạch của nato, đảm bảo cho ukraine, tổng thống ukraine, xung đột ở ukraine