Giải pháp mạnh khắc phục “điểm nghẽn” giải ngân chính sách hỗ trợ
Cập nhật: 26/10/2022
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Chính phủ cần có các giải pháp mạnh, hiệu quả hơn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai giải ngân các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp sau dịch COVID-19.
Không nên quá hài lòng và chủ quan
Tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về kinh tế xã hội, ngân sách năm 2022 và kế hoạch 2023 cho thấy, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá tình hình thế giới khó khăn, biến động rất nhanh, phức tạp nên với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng.
Nhiều ý kiến đánh giá tăng trưởng GDP 9 tháng ước đạt 8,83%, cả năm ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đặt ra là 6- 6,5% là kết quả nổi bật, là những thành tựu được thế giới đánh giá cao. Tuy vậy, tăng trưởng cao nhưng nếu so với năm 2019 thì mức này chỉ tăng 5%, và đây là thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng của cả nhiệm kỳ 2021-2025.
Đại biểu lưu ý, quan trọng nhất là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, và sau một thời gian dài khó khăn vì dịch, kinh tế đã đạt được kết quả khích lệ, nhưng không nên quá hài lòng và chủ quan.
Về điều hành về giá, nhất là giá xăng dầu, các đại biểu nhận xét còn lúng túng. Việc này tạo ra tâm lý không ổn định cho người dân và doanh nghiệp.
Có ý kiến phản ánh, cộng đồng doanh nghiệp chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cú sốc kép về dịch bệnh và khủng hoảng địa chính trị, phải đối mặt với những khó khăn về tài chính, vốn, chi phí đầu vào và sản xuất tăng cao, sản xuất hàng hóa giảm do thắt chặt chi tiêu trong 9 tháng đầu năm 2022.
Vì thế, họ đề nghị chương trình phục hồi kinh tế tới đây cần lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, đưa ra các giải pháp gần hơn với các đối tượng được hỗ trợ; tìm ra các đối tượng có khả năng dẫn dắt ngành, để hỗ trợ đúng và trúng.
Đại biểu đề nghị cần theo dõi chặt tài sản của các ngân hàng, tình hình nợ xấu, sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Chính phủ cần linh hoạt hơn trong điều hành thị trường bất động sản để giảm khó khăn cho thị trường tài chính, vì hai thị trường này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Bên cạnh đó cần giám sát chuyên đề về thị trường trái phiếu; đánh giá rõ hơn vai trò, trách nhiệm cơ quan điều hành thị trường chứng khoán.
Vì sao không đạt chỉ tiêu năng suất lao động?
Bộ KH-ĐT cũng vừa có báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung trên.
Trước đề nghị phân tích nguyên nhân chỉ tiêu năng suất lao động không đạt kế hoạch (ước khoảng 4,7-5,2% so với mục tiêu khoảng 5,5%), trong khi tăng trưởng GDP cao, Bộ KH-ĐT chỉ ra 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, tại thời điểm xây dựng Nghị quyết, lao động của Việt Nam năm 2021 giảm sâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dự báo tăng trưởng lao động năm 2022 chỉ từ 0,5-1%. Tuy nhiên, trong thực tế, năm 2022 lao động đã phục hồi nhanh hơn dự báo.
Theo số liệu thống kê quý III/2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III là 50,8 triệu người, tăng hơn 0,2 triệu người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước - thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến thị trường lao động trong nước. Do vậy, hiện tại Tổng cục Thống kê dự báo lao động 15 tuổi có việc làm trong năm 2022 tăng khoảng 2,7% so với năm 2021 (cao hơn nhiều so với mức dự báo 0,5-1%);
Thứ hai, kinh tế Việt Nam năm 2022 có sự chuyển dịch lao động giữa các ngành kinh tế. Một bộ phận lao động phải bắt tay với những công việc mới, lĩnh vực chuyên môn mới, hoạt động kinh tế mới đòi hỏi sự đầu tư về thời gian học tập, nghiên cứu, thích nghi.
Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng phát sinh thêm chi phí để tuyển dụng và đào tạo lao động, do đó năng suất lao động của chính cá nhân đó trong năm 2022 có thể bị giảm xuống so với những năm trước.
Thứ ba, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 được dự báo tăng 7,5%-8%, cao hơn mức dự báo ban đầu là 6-6,5% nhưng theo tính toán thì nền kinh tế vẫn cần thời gian để phục hồi lại như những năm trước dịch.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ KH- ĐT thừa nhận “đúng như ý kiến của đại biểu, thực tế phản ánh vẫn còn những điểm nghẽn trong triển khai giải ngân các gói hỗ trợ”.
Bộ này thẳng thắn nêu rõ chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do; chính sách Cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội gặp một số khó khăn; chính sách Hỗ trợ lãi suất 2% còn hạn chế.
Do đó, thời gian tới Chính phủ tập trung tiến hành rà soát các quy trình, thủ tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp theo các gói hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi, điều chỉnh hoặc báo cáo Quốc hội điều chỉnh, bổ sung các quy định nhằm cắt giảm tối đa thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp kịp thời được thụ hưởng các chính sách, sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó mở rộng kênh huy động vốn ngoài ngân hàng cho các DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể: nghiên cứu xây dựng Sàn giao dịch chứng khoán cho các DNNVV với điều kiện niêm yết, năng lực tài chính và hồ sơ pháp lý không quá chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc thí điểm và cấp phép cho các mô hình công nghệ tài chính mới như gọi vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng để tạo thêm kênh tiếp cận vốn cho DNNVV.
Ngoài ra sẽ tăng cường quản lý rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp…/.
Từ khóa: Chính sách hỗ trợ sau covid-19, chậm giải ngân gói hỗ trợ, chỉ tiêu năng suất lao động, Quốc hội thảo luật kinh tế xã hội
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN