Giải pháp căn cơ lâu dài cho chuyển đổi số của đất nước là từ giáo dục
Cập nhật: 21/12/2021
Công an Hòa Bình phá án ma túy lớn
Xác định 29 phóng viên, CTV Tạp chí Môi trường và Đô thị có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản
[VOV2] - Năm 2021 là năm ngành giáo dục tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc dạy học trực tuyến đặt ra nhiều thách thức nhưng có thể nhìn ra những cơ hội…
Nhân dịp cuối năm 2021 và chuẩn bị bước sang năm mới 2022, VOV2 đã thực hiện cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về những thách thức mà ngành giáo dục đang đối mặt và những dự định cho năm mới sắp đến.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng! Một năm qua, ngành giáo dục tiếp tục phải dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp để ứng phó với dịch Covid-19. Vậy ông đánh giá hiệu quả của việc dạy học trực tuyến thế nào?
Bộ trưởng: Các quyết sách và giải pháp của ngành Giáo dục trong thời gian qua phải bám sát quyết sách và chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan và tình hình chuyển biến của dịch bệnh Covid-19.
Phần lớn, hoạt động dạy học trực tuyến của chúng ta được thực hiện bởi yêu cầu ứng phó bắt buộc với dịch bệnh nên việc triển khai còn bị động, thiếu đồng bộ và thiếu nhiều điều kiện cần thiết.
Điều kiện khác nhau về hạ tầng truyền thông, điều kiện kinh tế giữa các các vùng miền đang tạo nên khoảng cách lớn hơn trong tiếp cận giáo dục, mà ở đó, các học sinh, đặc biệt ở các cấp học mầm non, tiểu học thuộc các khu vực khó khăn, miền núi hải đảo, thiếu thốn trang thiết bị và hạ tầng truyền thông, cha mẹ mất do dịch bệnh covid-19, ... đang phải chịu nhiều thiệt thòi hơn cả.
Bộ thấy rõ những bất cập của dạy học trực tuyến
Phương thức dạy học trực tuyến chưa thể thay thế học trực tiếp và trong thực tế, hoạt động dạy học trực tuyến đang cho thấy những vấn đề bất cập như:
Kế hoạch, nội dung, phương pháp dạy học chưa được chuẩn bị bài bản, thống nhất, chưa chuyển đổi phù hợp với phương thức dạy học trực tuyến, truyền hình; dạy học trực tuyến hay dạy học truyền hình không thay thế được học trực tiếp đối với các cháu mầm non và chưa đáp ứng các yêu cầu chất lượng đối với các cháu tiểu học.
Quá trình học trực tuyến đòi hỏi gia đình học sinh (bố, mẹ) tham gia hỗ trợ nhiều hơn, trong khi vẫn phải thực hiện các công việc khác; tâm lý và sức khỏe của học sinh bị ảnh hưởng khi phải dành hàng giờ trước màn hình tivi, máy tính để hoàn thành các nội dung học tập; …
Với nỗ lực của toàn xã hội và ngành Giáo dục trong thời gian vừa qua, chúng ta đang trải qua một giai đoạn khó khăn, thách thức, dù còn đó những tồn tại cần khắc phục nhưng chúng ta cũng đạt được những kết quả tiền đề cho đổi mới dạy học, đặc biệt là dạy học trực tuyến, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới căn bản toàn diện của ngành Giáo dục.
Nhìn theo hướng tích cực, dịch bệnh đã là một cú hích thúc đẩy ngành Giáo dục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt trong công tác dạy học trực tuyến, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Phóng viên: Dịch bệnh có thể còn kéo dài. Ông có thể chia sẻ khái quát về chỉ đạo của Bộ đối với hoạt động dạy học thời gian tới?
Bộ trưởng: Bám sát tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo các tỉnh/thành phố thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập, và hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, Bộ GDĐT chủ động gặp và làm việc với Bộ Y tế để thống nhất các nội dung đảm bảo an toàn học đường cho học sinh học tập trực tiếp.
Tuy nhiên, trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, số bệnh nhân Covid-19 đang ngày càng tăng cao, Bộ GDDT tiếp tục bám sát thực tễ diễn biến của dịch bệnh, đánh giá tình hình để đưa ra các quyết sách phù hợp nhằm giải quyết các vấn đề đang diễn ra, củng cố các đề nghị, hướng dẫn, chỉ đạo đã có và đưa ra các đề nghị, hướng dẫn, chỉ đạo mới phù hợp.
Phóng viên: Phương án thi tốt nghiệp THPT là điều mà phụ huynh, học sinh rất quan tâm. Ông có thể chia sẻ phương án sắp tới cho kỳ thi này?
Bộ trưởng: Về phương án thi tốt nghiệp THPT thời gian tới, hiện Bộ có giải pháp như sau:
Giải pháp 2022: giữ ổn định phương thức tổ chức thi/tuyển sinh như các năm 2020, 2021; tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của Bộ GDĐT và các địa phương, cơ sở giáo dục trong chỉ đạo, tổ chức thi/tuyển sinh.
Giải pháp năm 2023-2025: Tham khảo ý kiến rộng rãi các Đại biểu QH, chuyên gia, giáo viên và học sinh để xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp với tình hình dịch Covid-19 có thể kéo dài, đảm bảo thực hiện hiệu quả lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh theo tinh thần Nghị quyết 29 và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ và chịu trách nhiệm về tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục đại học, bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh, có sự giám sát mạnh mẽ của xã hội.
Phát triển mạnh mẽ khối trường công nghệ và kỹ thuật
Phóng viên: Thưa ông! Vậy Bộ GD&ĐT sẽ ưu tiên những định hướng chính nào trong năm 2022?
Bộ trưởng: Trong năm 2022, Ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới căn bản toàn diện theo tinh thần NQ29 và Nghị Quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó, ưu tiên triển khai một số công việc:
Trước mắt, cần triển khai thật tốt đổi mới giáo dục phổ thông, củng cốt chất lượng dạy và học để ứng phó với dịch bệnh và tăng cường các kỹ năng số, văn hóa số cho học sinh. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Thực hiện Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trong đó, phát triển mạnh mẽ và ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ và kỹ thuật. Đặc biệt là nhóm đào tạo về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay một số lĩnh vực như đảm bảo an toàn thông tin mạng, số lượng thiếu hụt lên đến hàng chục nghìn người.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát triển các trường đại học đào tạo về khối kỹ thuật và công nghệ. Tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị kết hợp sử dụng lao động nhất là giữa các doanh nghiệp và các trường đại học.
Cần phải hỗ trợ kịp thời cho những sinh viên chậm tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường năng lực đào tạo, đưa các trường đại học quay trở lại đào tạo bình thường để có thể giải quyết được nguồn nhân lực trước mắt cho các năm 2022, 2023.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Từ khóa: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, dạy học trực tuyến, chuyển đổi số giáo dục, vov2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2