Giải mã lý do NATO e ngại máy bay đánh chặn MiG-31

Cập nhật: 24/03/2021

VOV.VN - Có thể được tích hợp vũ khí mới, có thể đảm nhận nhiều vai trò và có tính linh hoạt ngày càng cao, tiêm kích đánh chặn MiG-31 Foxhound đáng gờm đối với quân đội Phương Tây được cho sẽ phục vụ trong lực lượng Không quân-Vũ trụ Nga thêm vài thập kỷ.

Không chỉ lực lượng hùng hậu

Được đưa vào trang bị năm 1981, MiG-31 Foxhound là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 đầu tiên gia nhập Không quân Liên Xô và được coi là xuất sắc nhất về khả năng không đối không của Không quân Nga hiện nay. Nó được phát triển dựa trên máy bay đánh chặn thế hệ thứ ba MiG-25 Foxbat và là máy bay chiến đấu đầu tiên trên thế giới sử dụng radar mảng pha Zaslon giúp nâng cao khả năng nhận thức tình huống. Ngoài Foxbat, Foxhound vẫn là chiến đấu cơ nhanh nhất thế giới được đưa vào sử dụng, được thiết kế để hoạt động hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết, như một phần của mạng lưới phòng không nhiều lớp trong nhiều năm tới.

Trong khi hầu hết các máy bay chiến đấu và máy bay đánh chặn không thể bắn tên lửa ở độ cao lớn, Foxhound có thể sử dụng vũ khí của mình ở trần độ cao tối đa. Không giống như các đồng nghiệp của nó - MiG-29 và Su-27 - MiG-31 Foxhound hoàn toàn không bao giờ xuất hiện sau Chiến tranh Lạnh, vì được chế tạo để đảm nhận nhiệm vụ đánh chặn - vượt qua khoảng cách rộng lớn để áp sát những kẻ xâm nhập ở tốc độ cao, bắn tên lửa hạ gục máy bay ném bom và tên lửa xâm phạm trước khi chúng có thể gây bất kỳ thiệt hại nào, rồi rút lui; không được xuất khẩu cũng như không được sử dụng trong chiến đấu.

MiG-31 có tầm bay cực xa và là máy bay đầu tiên trên thế giới có khả năng bay bền bỉ ở tốc độ siêu thanh (tốc độ trên Mach 2,8, một số nguồn ước tính trên Mach 3). Với tốc độ tối đa 3.000 km/h và trần bay 20.600 mét, nó có khả năng bao quát toàn bộ lãnh thổ Bắc và Trung Á rộng lớn của Liên Xô. Động cơ D-30F6 của Foxhound cũng là động cơ mạnh nhất từng được tích hợp lên máy bay phản lực chiến đấu thế hệ thứ tư và công suất của nó đủ để máy bay hoạt động ở độ cao 25 km.

MiG-31 là một trong những máy bay chiến đấu được chế tạo số lượng nhiều nhất trong lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga, với hàng trăm khung máy bay khác được dự trữ. Moscow đã cải tiến Foxhounds của mình theo thời gian, bắt đầu bằng việc sản xuất 101 chiếc MiG-31DZ có khả năng tiếp liệu trên không, bắt đầu từ năm 1989; 69 chiếc MiG- 31B và BS sau đó được phát triển với các radar mới và nhiều nâng cấp phần cứng khác nhau; 2 chiếc MiG-31D cũng được phát triển để bắn tên lửa chống vệ tinh chuyên dụng.

Từ năm 2010, Nga bắt đầu hiện đại hóa phi đội Foxhound của mình lên chuẩn MiG-31BM và BSM (với tốc độ cao hơn và một máy tính trung tâm mới, cùng khả năng tiếp liệu trên không) và có kế hoạch nâng cấp 100 chiếc trước năm 2020; toàn bộ phi đội MiG-31 được lên kế hoạch hiện đại hóa vào năm 2023, theo một số tài liệu, dự kiến ​​sẽ được sử dụng đến giữa những năm 2040. Radar mảng quét điện tử thụ động (PESA) Zaslon S-800 có tầm quét tối đa 125 dặm và đặc trưng bởi khả năng phát hiện mục tiêu máy bay bay thấp, cùng hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST).

Quan trọng hơn, nó có thể bay tới Mach 1,23 ở độ cao thấp - điều mà MiG-25 không làm được. Điều này làm cho nó trở nên lý tưởng để săn tên lửa hành trình lướt trên mặt đất và máy bay ném bom chiến đấu. Chuẩn BM bao gồm động cơ D-30F6M mới, điều khiển bay kỹ thuật số màn hình buồng lái hiện đại hóa, hệ thống điều khiển bằng tay (HOTAS) và một radar Zaslon-M mới với cự li phát hiện tối đa tăng lên đến 320 km.

Nó cũng được nâng cấp để có thể mang 4 tên lửa không đối không tầm xa mới nhất, bao gồm R-33S, R-77 (tầm bắn 110 km) - loại tương đương với AIM-120 của Mỹ, và tên lửa siêu xa R-37 (tầm bắn 400 km, đầu đạn nặng 61 kg) - có thể trở thành sát thủ máy bay cảnh báo sớm AWAC. R-37 không có đối thủ về tốc độ và tầm bắn như vậy được hỗ trợ bởi radar Zaslon-M có thể phát hiện các máy bay cỡ lớn và trung bình xa trên 400 km. Phải mất vài năm sau khi Liên Xô bắt đầu trang bị Zaslon, các máy bay đối thủ mới bắt đầu triển khai các radar mảng pha được chế tạo cho không chiến - Nhật Bản tích hợp cho F-2 sau 21 năm; Mỹ - cho F-22, sau 24 năm.

MiG-31 là máy bay phản lực chiến đấu nặng nhất được chế tạo để không chiến được phục vụ ở mọi nơi trên thế giới với trọng lượng xấp xỉ 41.000 kg tùy thuộc vào hoạt động chiến đấu và tải trọng nhiên liệu. Kích thước này gần gấp đôi F-15C Eagle - máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không hàng đầu của Không quân Mỹ trong Chiến tranh Lạnh và hơn 15 năm sau đó, và nặng hơn 10.000 kg so với F-22 của Mỹ, hiện là máy bay chiến đấu nặng nhất của phương Tây đang có trong trang bị. Các biến thể mới của Foxhound có khả năng gấp khoảng 2,6 lần so với các mẫu ban đầu thời Chiến tranh Lạnh.

Không chỉ đơn thuần không chiến

MiG-31 được thiết kế không chỉ để đánh chặn tất cả các loại máy bay đối phương, từ máy bay ném bom và máy bay trinh sát đến máy bay chiến đấu và máy bay phản lực cảnh báo sớm trên không, chiếc máy bay này cũng đã được điều chỉnh cho các vai trò ngoài không chiến, như khả năng đánh chặn tên lửa hành trình ở độ cao thấp, tận dụng khung máy bay rất đặc biệt của Foxhound và số lượng rất lớn máy bay và tên lửa mà Nga có. Nga cũng trang bị cho MiG-31 khả năng tác chiến chống vệ tinh để tận dụng tốc độ và độ cao hoạt động rất lớn của chúng cùng khả năng mang tải trọng rất lớn cần thiết để tiếp cận mục tiêu trên quỹ đạo cao.

Biến thể MiG-31K được đưa vào trang bị vào đầu năm 2018 với khả năng mang tên lửa đạn đạo chiến thuật siêu thanh như một máy bay tấn công và tấn công mặt biển, với tên lửa Kh-47M2 có tốc độ Mach 10, có thể đe dọa mọi mục tiêu mặt đất và mặt nước ở cự li lên đến 2.000 km với độ tin cậy và độ chính xác cao.

Tháng 12/2020, MiG-31BM được điều trở lại Bắc Cực với nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường biển phía Bắc. Mạng lưới sân bay được sửa chữa giúp Nga có thể nhanh chóng điều chuyển máy bay dọc toàn tuyến để làm nhiệm vụ ở vùng Viễn Bắc, nơi hệ thống phòng không yếu nhất, và lý tưởng để triển khai từ các đường băng và chịu đựng nhiệt độ khắc nghiệt. Với mỗi phi đội có thể bao phủ một khu vực 1.000-1.200 km và phát hiện và tấn công các mục tiêu ở rất xa, không máy bay nào trên thế giới phù hợp hơn với vai trò như vậy.

Trong khi phần còn lại của thế giới phần lớn đã chuyển sang các máy bay chiến đấu đa năng có khả năng tương đương với máy bay chiến đấu của đối phương hoặc thực hiện các cuộc không kích chống lại quân nổi dậy, Không quân-Vũ trụ Nga vẫn thấy sự cần thiết của các máy bay đánh chặn hạng nặng, tốc độ cao để bảo vệ biên giới rộng lớn của mình. MiG-31 Foxhound dự kiến ​​sẽ vẫn phục vụ trong những năm 2040 và có thể là chiến đấu cơ quan trọng nhất trong biên chế của Nga nhờ nó có thể được tích hợp vũ khí mới, có thể đảm nhận nhiều vai trò và tính linh hoạt ngày càng cao./.

Từ khóa: Tại sao NATO “ghê răng” với máy bay đánh chặn MiG-31, MiG-31 Foxhound, MiG-25 Foxbat, MiG-31BM, R-33S, R-77, R-37, radar Zaslon-M, Kh-47M2

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập