Giải cứu nông sản: Sự lúng túng giữa chống dịch và phát triển kinh tế

Cập nhật: 05/03/2021

VOV.VN - Việc "giải cứu" nông sản của Hải Dương không phải là mâu thuẫn cung cầu mà do ách tắc ngay từ khâu lưu thông, chưa dự báo được tình thế, không thiết kế được vùng đệm để gom nông sản vào ứng phó đúng với tính chất của mùa dịch.

Cụm từ “giải cứu” nông sản đang liên tục được nhắc tới trong nhiều ngày qua. Không chỉ đến tận bây giờ, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, điệp khúc này đã kéo dài nhiều năm nay khi những sản phẩm của bà con nông dân đến vụ thu hoạch lại khó khăn trong việc tìm lối ra, để rồi người người, nhà nhà lại lần lượt được kêu gọi cùng hỗ trợ, "giải cứu". Chúng ta rút ra được bài học gì từ câu chuyện "giải cứu" nông sản tỉnh Hải Dương? Cần giải pháp nào để nông sản tìm được đầu ra ổn định, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy.

PV: Thưa chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, từ câu chuyện "giải cứu" nông sản ở Hải Dương cho thấy sự bị động trong tiêu thụ nông sản của địa phương khi có dịch bất ngờ ập đến. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Ông Hoàng Trọng Thủy: Việc "giải cứu" nông sản của Hải Dương không phải là mâu thuẫn cung cầu mà do ách tắc ngay từ khâu lưu thông, chưa dự báo được tình thế, không thiết kế được vùng đệm để gom nông sản vào ứng phó đúng với tính chất của mùa dịch.

Chúng ta biết rằng, Chí Linh và Cẩm Giàng - vùng xuất phát của dịch, nhưng về phía Tây của Hải Dương khu vực Thanh Miện, Linh Giang, Gia Lộc thì chưa có dịch. Đáng lẽ ra trong lúc đó, tỉnh Hải Dương phải xây dựng được một vùng đệm, để làm gì? Một là tập trung được nông sản về đó. Thứ hai là khử khuẩn tốt hơn và cuối cùng là đội quân bốc vác, xe ô tô, lái xe dễ tiếp cận, từ đó khâu lưu thông của nông sản sẽ tốt hơn.

Nhưng do không làm được vùng đệm đó cho nên các nông sản vẫn đọng lại tại khu vực dịch, khiến mọi người thấy sợ. Từ đó dẫn đến khâu vận tải và lưu thông bị khó khăn. Cái thứ hai là sự lúng túng trong khâu phối hợp với Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Y tế nên không thiết lập được hành lang lưu thông nông sản. 

PV: Theo ông, chúng ta cần có quy định cơ chế kiểm dịch như thế nào để địa phương có dịch tiêu thụ được nông sản mà người tiêu dùng vẫn yên tâm?

Ông Hoàng Trọng Thủy: Đầu tiên phải nói là nhận thức, khi có dịch bùng nổ thì từ Trung ương đến cơ sở đều mang tư duy là "chống dịch như chống giặc" chứ không chuyển sang tư duy phải giành thắng lợi kép giữa dập dịch, đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

Nhận thức của cơ sở, cán bộ địa phương, giữa nơi có ổ dịch và vùng dịch không đúng nên dẫn đến tình trạng quá khắt khe. Nếu trong vùng dịch chúng ta có một vùng nguyên liệu thu hoạch hoặc đã thu hoạch xong, được quản lý chặt chẽ về mặt y tế thì niềm tin của người đến mua hàng, vận chuyển sẽ tốt hơn. Về mặt lâu dài là phải có những kho chứa để hàng hóa được trữ lại một cách đảm bảo, tránh hư hỏng. Như vậy là yếu tố y tế phải đóng lên hàng đầu trong chỗ đó. Các cán bộ địa phương phải coi trọng cả dập dịch và phát triển lưu thông hàng hóa. Khi trên diện rộng ở địa phương thì phải cần có sự điều phối, can thiệp của các Bộ, ngành và Chính phủ.

PV: Hành động "giải cứu" mang ý nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, theo ông thì ngành nông nghiệp với những sản phẩm nông sản có phát triển bền vững, nếu chúng ta chỉ trông chờ vào "giải cứu"?

Ông Hoàng Trọng Thủy: "Giải cứu" nông sản của chúng ta vẫn có thể xảy ra, chưa thể chấm dứt được, bởi vì sản xuất còn manh mún. Thứ hai là chuỗi giá trị của chúng ta giữa doanh nghiệp và hợp đồng đối với nông dân chưa thể bước vào một chiều sâu.

Vậy để giải quyết cho vấn đề này thì trước hết đối với ngành nông nghiệp và Chính phủ phải tập trung cho chế biến sâu, từ đó sẽ bớt đi sự ứ đọng của nông sản. Vì hiện nay tỷ lệ chế biến sâu của nông sản mới đạt 12%. Đồng thời, phải tăng cường, bố trí kho, bến bãi, nhà bảo quản hiện đại để có thể mua hàng của nông dân khi vào vụ thu hoạch, rồi trữ lại hoặc là bán ra, hay chuẩn bị cho xuất khẩu sẽ tốt hơn.

Khi đối với doanh nghiệp theo quan niệm của tôi thì phải là mua trước bán sau chứ hiện nay doanh nghiệp của chúng ta chủ yếu là bán trước, mua sau. Sở Nông nghiệp và địa phương cần phải xây dựng các kế hoạch phòng, chống rủi ro và phương án bất thường xảy ra. Chứ như vừa rồi chúng ta gần như chỉ tập trung cho các phương án sản xuất, còn yếu tố rủi ro và bất ngờ thì gần như chưa có, mà có xây dựng thì không chi tiết.

Hãy đẩy mạnh xây dựng các hợp tác xã và trong đó có liên minh hợp tác xã để cùng chung giải quyết những vấn đề tiêu thụ nông sản.

Bộ Nông nghiệp tôi cho là cần phải có ba cái giải pháp: Thứ nhất là tiếp tục xây dựng và quy hoạch những vùng sản xuất, cố gắng hạn chế nhiều địa phương hoặc trên một đơn vị hành chính lại cạnh tranh nhau trên một mặt hàng. Thứ hai là đảm bảo gắn với vùng sản xuất đó, chính là các cơ sở chế biến, đóng gói, xuất khẩu, bảo quản, lưu trữ, mua của nông dân giảm được chi phí và logistic được đồng bộ thì mới hỗ trợ cho sản xuất và tiêu thụ nông sản. Và cuối cùng là sự phối hợp với liên minh hợp tác xã, các hiệp hội ngành hàng để làm sao hình thành một quản lý chủ động từ vĩ mô, khâu quản trị nông sản phải bắt đầu từ sản xuất và cho đến tiêu thụ.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của ông./.

Từ khóa: giải cứu, giải cứu nông sản, nông sản, hải dương, dịch covid-19, Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập