Giải bài toán ứng phó khô hạn cho 2 triệu ha cây trồng ở Tây Nguyên

Cập nhật: 26/04/2020

VOV.VN - Ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên đang phải giải bài toán ứng phó với khô hạn, với biến đổi khí hậu tránh tình cảnh bấp bênh.

>> Bài 1:Tây Nguyên khô hạn, gian nan tìm nước cho 2 triệu ha cây trồng

>> Bài 2:Khát khô bên những công trình chứa nước khổng lồ

>> Bài 3: Tây Nguyên mất rừng, vỡ quy hoạch, quản lý yếu kém, hạn chồng hạn

LTS:Với 2 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm gần 75% diện tích đất đỏ bazan của cả nước, Tây Nguyên được đánh giá là khu vực đầy tiềm năng để trở thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo ra các mặt hàng nông sản giá trị, có sức cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến giá trị, đến cạnh tranh quốc tế, thì ngành nông nghiệp ở đây phải giải bài toán ứng phó với khô hạn, với biến đổi khí hậu. Không giải được bài toán này thì ngành nông nghiệp ở đây sẽ còn chịu cảnh bấp bênh.

giai bai toan ung pho kho han cho 2 trieu ha cay trong o tay nguyen hinh 1
Mô hình tưới nước tiết kiệm hiệu quả của gia đình ông Nguyễn Ngọc Bích, làng Kép, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

Giữa cao điểm mùa khô, trong khi nhiều gia đình đang vất vả chống hạn, nhiều vườn cà phê đang héo khô vì thiếu nước, thì vườn cà phê 2ha của gia đình ông Nguyễn Ngọc Bích, làng Kép, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai vẫn xanh tốt. Bật công tắc khởi động hệ thống tưới nước tiết kiệm phun mưa đến từng gốc cây cà phê, ông Bích ung dung mời khách uống trà và nói chuyện. Ông cho biết, hệ thống tưới nước tiết kiệm được ông đầu tư từ năm 2019. Trong bối cảnh nguồn nước ngày càng hạn hẹp, việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất đã cho hiệu quả rất rõ rệt khi tiết kiệm được đáng kể chi phí sản xuất.

“Nếu tôi tưới như trước kia thì một tháng tôi mới tưới được một lần. Nhưng tưới như thế này thì chỉ tầm 20 ngày, khi cây có hiện tượng thiếu nước, tôi chỉ cần bật lên 1-2 tiếng là cứu được cây rồi. Càng ngày nguồn nước càng ít đi. Tưới tiết kiệm được như thế này hiệu quả kinh tế rất là cao”, ông Bích chia sẻ.

giai bai toan ung pho kho han cho 2 trieu ha cay trong o tay nguyen hinh 2
Tưới nước tiết kiệm ở Tây Nguyên đang được nhân rộng với diện tích đã được ứng dụng khoảng 80.000ha.

Ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm được xem là giải pháp hiệu quả để sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên ứng phó với khô hạn. Các mô hình đang được nhân rộng, nhất là từ sau khi Chính phủ có Quyết định 68/QĐ-TTg năm 2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm thiểu tổn thất trong nông nghiệp. Theo đó, người dân, doanh nghiệp khi đầu tư công nghệ tưới nước tiết kiệm được hỗ trợ mức vay tối đa để mua các máy móc, thiết bị và hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, 50% lãi suất trong năm thứ 3. Nhờ chính sách, diện tích ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm của vùng Tây Nguyên tăng nhanh và hiện đã đạt 80.000ha.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, nhờ áp dụng tốt chính sách hỗ trợ, diện tích tưới tiết kiệm trên địa bàn đã vượt xa kế hoạch:“Kế hoạch đưa ra đến 2020 là 22.000ha nhưng đến giờ này đã đạt 25.500ha. Áp dụng việc tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, người dân được hỗ trợ theo Quyết định 68 năm 2013 của Chính phủ về giảm tổn thất trong nông nghiệp. Chính sách này cực kỳ tốt, không những ứng dụng tưới nước tiết kiệm mà còn hỗ trợ mua máy móc, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp. Hiện nay chính sách này đang đi vào cuộc sống rất tốt”.

giai bai toan ung pho kho han cho 2 trieu ha cay trong o tay nguyen hinh 3
Rà soát, quy hoạch, tái cơ cấu cây trồng làvấn đề then chốt của ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên.

Cùng với với ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, một trong những vấn đề then chốt của ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên lúc này là rà soát, quy hoạch, tái cơ cấu cây trồng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, việc phát triển một cách ồ ạt các loại cây trồng đã khiến nhiều loại cây trồng vỡ quy hoạch, nhiều nơi không đảm bảo nước tưới. Khô hạn càng khắc nghiệt hơn khi người dân, doanh nghiệp cạnh tranh nguồn nước. Bộ khuyến khích các tỉnh và Bộ cũng đã lập dự án nghiên cứu để giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, khô hạn.

“Vấn đề quản lý, sử dụng nước thì diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp ở Tây Nguyên rất quan trọng nhưng hồ chứa không đáp ứng được. Bây giờ đặc biệt phải rà soát lại nguy cơ, chỗ nào đã thiếu nước thì dứt khoát phải chuyển đổi cây trồng. Các tỉnh phải rà soát diện tích chuyển đổi. Đặc biệt là từ năm 2020, Bộ đã lập một dự án khuyến nông trung ương, chuyên giúp các tỉnh chuyển đổi cây trồng. Đề nghị là rất cụ thể, để tất cả điều chỉnh lại như đây là một chiến dịch, phải tính toán để đưa ra kết quả đúng”.

giai bai toan ung pho kho han cho 2 trieu ha cay trong o tay nguyen hinh 4
Khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng bền vững là giải pháp chiến lược để Tây Nguyên ứng phó biến đổi khí hậu, khô hạn.

Song song với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, việc khôi phục, phát triển rừng là giải pháp chiến lược để Tây Nguyên ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Cụ thể hóa chiến lược này, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 297/QĐ-TTg phê quyệt Đề án khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030. Với nguồn vốn lên đến hơn 28.000 tỷ đồng, đề án nhằm từng bước khôi phục, phát triển rừng và đặt mục tiêu đến năm 2030 diện tích rừng Tây Nguyên đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 49,2%.

Làm việc tại Tây Nguyên, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhận định, hạn hán hay lũ lụt nghiêm trọng thời gian qua ở Tây Nguyên và cả nước là hệ lụy tất yếu của việc rừng bị phá tràn lan. Do đó, các tỉnh Tây Nguyên cần đặc biệt chú ý đến công tác bảo vệ, phát triển rừng. Nâng tỷ lệ che phủ rừng ở Tây Nguyên sẽ góp phần bảo vệ sinh thái, môi trường và nguồn nước cho từng địa phương nói riêng, quốc gia nói chung.

“Đề nghị các địa phương phải chú ý tới trồng rừng và giữ rừng. Bây giờ trồng rừng vì mục đích kinh tế thì chưa phải tính đến vì ta chưa có điều kiện, thôi thì cứ trồng rừng vì sinh thái, rừng bảo vệ môi trường. Trồng rừng ở đây không phải cho riêng các tỉnh Tây Nguyên mà còn cho cả đất nước mình. Ở trên này nhiều rừng thì miền Trung sẽ ít lũ hơn. Rừng ở đây được đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng ngay đến Đồng bằng sông Cửu Long, sẽ có nước nhiều hơn. Cho nên đề nghị các đồng chí phải rất quan tâm đến vấn đề này, phải xem đây là nhiệm vụ chiến lược, phải phát động trồng rừng bằng bất cứ giá nào”, ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

giai bai toan ung pho kho han cho 2 trieu ha cay trong o tay nguyen hinh 5
Điều tra, quy hoạch nguồn nước là giải pháp ứng phó khô hạn lâu dài ở Tây Nguyên.

Vấn đề rất quan trọng nữa của Tây Nguyên lúc này để ứng phó với khô hạn là việc khảo sát, đánh giá, quy hoạch lại hệ thống các công trình hồ chứa. Với 2 triệu ha nhưng chỉ có 15% diện tích chủ động nước tưới, thủy lợi Tây Nguyên được đánh giá rất thiếu và yếu. Trong khi đó, việc phát triển ồ ạt các thủy điện cũng làm gia tăng mức độ thiệt hại do hạn hán ở hạ nguồn các sông suối. Đầu tư nâng cấp, xây mới các hồ thủy lợi để nâng cao năng lực tưới cũng như rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các thủy điện để hạn chế mâu thuẫn về nguồn nước đang là những yêu cầu cấp thiết lúc này ở Tây Nguyên.

Chứng kiến tình trạng hạn hán khốc liệt diễn ra liên tục, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định nếu kéo dài thì rất có thể Tây Nguyên sẽ bị sa mạc hóa. Do đó, Thủ tướng đã có những chỉ đạo cụ thể tới các bộ ngành, địa phương có giải pháp điều tra, quy hoạch nguồn nước để Tây Nguyên ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, khô hạn.

“Về lâu dài, phải điều tra quy hoạch, phát triển nguồn nước của Tây Nguyên. Giao cho Bộ Tài nguyên môi trường tính toán, phải chủ động hơn. Nếu kéo dài mãi thì không khéo sa mạc hóa khu vực này. Phải nghiên cứu để xử lý tình hình biến đổi khí hậu để chúng ta cùng sống chung với nó để phát triển chứ không phải đầu hàng. Cho nên, cần phải chủ động nghiên cứu nguồn nước của Tây Nguyên để đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn. Việc thứ hai, là một số dự án thủy lợi cấp bách ở vùng này thế này thế nào. Tinh thần làm là phải chắc chắn, hiệu quả, lâu dài”,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói.

Tây Nguyên đã và đang trở thành vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung quan trọng của cả nước. Tuy nhiên, sản xuất đang gặp phải rất nhiều thách thức từ biến động thị trường cho đến biến đổi khí hậu, thời tiết. Sa mạc hóa là nguy cơ được cảnh báo sẽ diễn ra nếu sản xuất vẫn theo lối tự phát, quản lý, sử dụng nguồn nước vẫn còn bất cập, và rừng vẫn còn bị phá tràn lan như thời gian qua.

Các giải pháp, từ phương thức, kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cây trồng, cho đến giải pháp công trình là thủy lợi, và xa hơn là giải pháp về sinh thái với việc khôi phục rừng đã được đưa ra để Tây Nguyên ứng phó với biến đổi khí hậu, khô hạn. Nhưng để thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả, cùng với các nguồn lực hỗ trợ của trung ương, cần sự quyết tâm, nỗ lực ở mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp, người dân. Qua đó, 2 triệu ha nông nghiệp ở khu vực mới có thể được khai thác một cách hiệu quả, bền vững./.

Từ khóa: Ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên, khô hạn ở Tây Nguyên, biến đổi khí hậu, phá rừng ở Tây Nguyên, Mất rừng

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập