Giá xăng dầu tăng cao, người dân và doanh nghiệp miền núi gặp khó

Cập nhật: 25/02/2022

VOV.VN - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cuộc sống người dân và doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19. Thế nhưng, việc xăng dầu liên tiếp tăng giá đang gây ra nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Xăng tăng giá ở mức kỷ lục, khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng về chi phí khi sử dụng các phương tiện giao thông và vận hành máy móc. Anh Nguyễn Trọng Thủy ở phường Yên Ninh, TP Yên Bái cho biết, Bình thường, "nuôi" một chiếc xe ô tô phục vụ nhu cầu đi lại, tối thiểu gia đình phải chi khoảng hơn 1,5 triệu đồng/tháng; khi giá xăng tăng lên mức trên 26.000 đồng/lít thì chi phí cũng "đội" lên rất nhiều. 

"Trong giai đoạn khó khăn này mà xăng tăng giá rất cao như vậy thì cuộc sống người dẫn cũng sẽ khó thêm. Riêng tiền đổ xăng đi lại của cá nhân tôi cũng phải mất thêm mấy trăm nghìn đồng/tháng, chưa kể hàng hóa sẽ tăng theo" - anh Thủy chia sẻ.

Nhiều nhà xe ở Yên Bái cũng cho biết, kinh doanh vận tải trong nhiều năm, nhưng chưa bao giờ rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. Tác động từ đại dịch COVID-19 khiến thời gian dài vừa qua, lượng hành khách đi lại sụt giảm, các nhà xe phải bù lỗ. Sau Tết, trong điều kiện bình thường mới, các doanh nghiệp vận tải hi vọng có thể vớt vát lại phần nào doanh thu, thì ngay lập tức phải đối mặt với việc giá xăng, dầu tăng lên mức kỷ lục.

Anh Trần Tuấn Anh và anh Nguyễn Lực, chạy xe các tuyến nội tỉnh, liên tỉnh ở Yên Bái đều than rằng xe chạy nhưng cũng chả có khách mà giá vé thì không thể tặng.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần vận tải Thuỷ bộ tỉnh Yên Bái cho biết, đơn vị hiện có hơn 180 đầu xe, nhưng số xe hoạt động chỉ chiếm 55%. Bình thường, chi phí nhiên liệu cho một chuyến xe chiếm bình quân khoảng 30%; nhưng khi giá xăng, dầu tăng thì chi phí nhiên liệu chiếm tới 45 - 50% chi phí vận hành. Trừ thêm các chi phí thuê lái xe, văn phòng, bến bãi, thuế… thì số còn lại là không đáng kể.

Trong khi đó, tâm lý ngại dịch COVID-19 khiến lượng khách chọn đi phương tiện vận tải công cộng ngày một sụt giảm...

Ông Đinh Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải Thuỷ bộ Yên Bái lấy ví dụ, trước khi xăng dầu tăng giá, mỗi chuyến xe vốn đông khách như tuyến Yên Bái - Hà Nội cũng chỉ "nhúc nhắc" đón được 5 - 10 người. Với lượng khách này, trừ các chi phí, cố gắng "co kéo" thì doanh nghiệp vẫn lỗ khoảng 10 - 20%. Giờ giá xăng dầu tăng cao, các nhà xe khó mà "tồn tại".

"Giá xăng, dầu tăng gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và của các xe trên tuyến nói riêng" - ông Khoa bày tỏ.

Hiện, không chỉ các đơn vị vận tải bị ảnh hưởng, mà giá nhiên liệu tăng cũng tác động đến các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, bởi giá cả hàng hóa có xu hướng tăng, sức mua lại giảm. Từ đó, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng, hoặc dừng một phần phương tiện vận chuyển hàng, một số doanh nghiệp khác thì giảm bớt lượng hàng nhập vào…

Hơn lúc nào hết, người dân và các doanh nghiệp đang rất mong chờ các biện pháp điều tiết của Nhà nước để yên tâm làm ăn, kinh doanh trong bối cảnh cuộc sống bình thường mới./.

Từ khóa: Giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp vận tải, giá xăng, giá dầu, xăng dầu

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập