Giá vàng trong nước - thế giới chênh cao: Nguy cơ đầu cơ và buôn lậu
Cập nhật: 05/03/2021
Hiện thực hoá mục tiêu 3.000 cao tốc Bắc – Nam: hành trình khát vọng (20/01/2025)
Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Ất Tỵ 2025 (21/01/2025)
VOV.VN - Chênh lệch giá vàng ở mức cao rất dễ dẫn đến nguy cơ buôn lậu vàng, ảnh hưởng xấu đến chính sách ngoại tệ và tỷ giá và càng làm khó nếu muốn huy động vàng trong dân.
Từ tháng 2 vừa qua, giá vàng thế giới đã sụt giảm mạnh bởi tác động từ đợt tăng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Mỹ khiến chỉ số USD tăng cao, vàng có lực bán ra mạnh mẽ. Trong khi đó, giá vàng trong nước dù có giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao, nên những phiên giao dịch gần đây, giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá vàng thế giới trên 8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước khó giảm khi nhu cầu còn cao
Thông tin từ Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cho biết, do giá vàng trong nước những ngày gần đây có giảm so với thời điểm trước Tết, lượng khách giao dịch tại các cửa hàng kinh doanh vàng của công ty có tăng. Đặc biệt, tỷ lệ khách hàng đến cửa hàng có giao dịch mua vào nhiều hơn so với lượng khách bán vàng ra.
“Giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đang có chênh lệch lớn khi giá vàng thế giới tiếp tục giảm và đồng USD tăng giá trên diện rộng, làm gia tăng áp lực lên thị trường vàng. Đà tăng của lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã làm sụt giảm mạnh mức độ hấp dẫn của giá vàng trong những ngày gần đây. Với bối cảnh như hiện nay, nhà đầu tư và người dân có ý định mua – bán vàng nên cân nhắc trước khi giao dịch, thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất”, đại diện của Bảo Tín Minh Châu cho biết.
Giới đầu tư và các chuyên gia cho rằng, hiện tượng chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường đang phản ánh nhu cầu vàng vật chất gia tăng, trong khi nguồn cung vàng nguyên liệu đang thiếu hụt cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Điều này là nguy hiểm bởi rất dễ dẫn đến nguy cơ có sự thẩm thấu, buôn lậu vàng từ nước ngoài về Việt Nam để hưởng lợi, ảnh hưởng xấu đến việc quản lý ngoại tệ và tỷ giá…
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, từ nhiều năm qua, thị trường vàng trong nước và thế giới không có sự liên thông khiến giá vàng tại hai thị trường này luôn có sự chênh lệch. Cụ thể tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất được phép nhập khẩu vàng, và khi cái “van” này không mở để lưu thông với thị trường thế giới, khiến giá vàng không ở mức quân bình dẫn đến sự chênh lệnh lớn.
“Nếu nhu cầu vàng trong nước vẫn còn cao cùng với việc các nhà kinh doanh vàng đẩy giá lên, đồng thời cũng không tránh khỏi có hiện tượng đầu cơ vàng sẽ tạo ra sự bất cân đối giữa thị trường vàng trong nước và thế giới. Đây là một hiện tượng cố hữu từ bao nhiêu năm qua vẫn không giải quyết được”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ.
Lo ngại với hiện tượng chênh lệch giá vàng như hiện nay khi giá vàng trong nước còn duy trì ở mức cao, vị chuyên gia này cho rằng, các nhà đầu tư và người dân nếu có ý định đầu tư vào kênh này cần hết sức thận trọng. Bởi lẽ, giá vàng trong ngắn hạn sẽ không thể duy trì ở mức cao, chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh giảm cho phù hợp với thị trường chung.
“Trong trường hợp giá vàng được điều chỉnh giảm, những nhà đầu tư mua vàng tại thời điểm này sẽ bị lỗ, do đó cần phải liên tục theo dõi sát sao diễn biến của thị trường vàng, đặc biệt là biến động giá vàng trong thời gian tới”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.
Làm gì để vàng trở về đúng giá trị?
Quan ngại với việc giá vàng chênh lệch ở mức cao, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng ở Việt Nam còn ở mức cao và kéo dài bao lâu thì khó ai có thể biết được. Song dù thế nào cuối cùng thị trường vàng cũng phải có sự liên thông, bởi thị trường vàng trong nước cứ tiếp tục duy trì ở mức giá cao như hiện nay, vấn đề nhập lậu vàng rất dễ sẽ xảy ra. Do đó, Ngân hàng Nhà nước trong tương lai cần cho phép thêm nhiều đơn vị nhập khẩu vàng để giữ ổn định cung cầu, tránh khan hiếm vàng nguyên liệu.
“Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước không cần thiết đóng vai trò kinh doanh vàng. Đây là đơn vị duy nhất nhập khẩu vàng nhưng lại tham gia cả vào thị trường vàng. Mặt khác, cần cho phép thêm các thương hiệu khác tham gia vào thị trường vàng, thay vì việc tuyên bố chỉ có một thương hiệu vàng quốc gia duy nhất là SJC, điều này dễ tạo ra tính độc quyền của SJC”, ông Hiếu cho biết.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, cần thiết sớm phải thành lập 1 sàn vàng quốc gia, vì việc này sẽ giúp thị trường vàng trong nước và thế giới có sự liên thông. Hơn nữa, khi lượng vàng trong dân đang còn rất lớn, cần được huy động để hỗ trợ nền kinh tế, nhất là khi nền kinh tế đang bị tác động bởi dịch bệnh.
“Chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới được phép huy động vàng. Người dân được huy động vàng hoặc những nhà đầu tư khi gửi vàng cho Ngân hàng Nhà nước sẽ được cấp Chứng chỉ vàng. Huy động vàng, gửi vàng đương nhiên phải được trả lãi, có như vậy Ngân hàng Nhà nước mới có thể huy động được lượng vàng rất lớn từ người dân”, chuyên gia đề xuất.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, khi Ngân hàng Nhà nước huy động vàng sẽ tạo ra lượng dự trữ vàng quốc gia lớn hơn, đồng thời kiểm soát được lưu thông ngoại tệ trong nước và hỗ trợ tích cực cho điều hành chính sách tỷ giá, góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu vàng. Nếu cứ để thị trường vàng “đóng băng” như hiện nay, nhà đầu tư, người dân luôn có tâm lý găm giữ vàng, không có nguồn tài chính để lưu thông sang nhiều kênh đầu tư hiệu quả khác./.
Từ khóa: giá vàng, thị trường vàng, mua bán vàng, chênh lệch giá vàng, bí quyết đầu tư vàng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN