Gia tăng mua - bán qua mạng do lo ngại dịch bệnh: những điểm cần lưu ý!
Cập nhật: 08/02/2020
VOV.VN - Lo ngại lây nhiễm dịch virus corona, người dân tăng cường mua hàng trực tuyến, các chuyên gia lưu ý một số điểm khi mua-bán trên thị trường ảo.
Dịch bệnh do virus corona đang làm đảo lộn đời sống đa số người dân trên nhiều khía cạnh, trong đó có hoạt động mua-bán hàng hóa thông thường. Theo ghi nhận của phóng viên VOV, những ngày này, đường phố vắng hơn, lượng người trực tiếp mua-bán các loại mặt hàng tại các tuyến phố, hệ thống siêu thị, khu chợ giảm so với trước thời điểm cơ quan chức năng công bố dịch. Điều này có đồng nghĩa gia tăng hoạt động thương mại điện tử hay không và đâu là những điểm cần lưu ý khi tham gia mua-bán trên thương trường ảo?
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Hà Anh Tuấn – Thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).
Mua sắm trực tuyến gia tăng giữa tâm dịch virus corona. |
PV: Thưa ông, ông có nhận định như thế nào về xu hướng thương mại điện tử Việt Nam thời gian tới?
Ông Hà Anh Tuấn:Về xu hướng, tốc độ vẫn đảm bảo. Các sản phẩm truyền thống như du lịch thì năm nay vẫn tiếp tục. Tuy là dịch sẽ ảnh hưởng trong thời gian đầu, nhưng về cơ bản nền tảng đặt vé hay khách sạn vẫn phát triển tốc độ tốt.
Có 2 xu hướng rất đặc biệt, đó là xu hướng C2C, tức là cá nhân bán hàng trực tiếp và thông qua sàn thương mại điện tử là tăng trưởng đột biến; xu hướng D2C, tức là bán hàng trực tiếp từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ các nhà máy. Năm nay xu hướng NewRetail, nghĩa là bán lẻ mới phát triển rất mạnh,cho nên các doanh nghiệp có mặt hàng sản xuất cũng như ngành du lịch thì vẫn phát triển rất mạnh.
PV: Ông vừa nêu những xu hướng của thương mại điện tử, thế nhưng rõ ràng giao dịch hàng hóa trực tiếp vẫn là một hoạt động phổ biến. Cho tới những ngày gần đây, do tác động dịch bệnh virus corona, hoạt động này mới có chiều hướng giảm. Điều này có đồng nghĩa với việc gia tăng đột biến giao dịch trên thương trường ảo?
Ông Hà Anh Tuấn: Chúng ta có thể thấy hàng xuất khẩu nhất là nông sản, giao dịch trực tiếp giảm rất nhiều, giao dịch online thì tăng đột biến.Giao thức ăn thông qua các ứng dụng mua sắm hàng hóa qua các sàn thương mại nhiều hơn so với thời gian vừa qua. Người tiêu dùng tiếp tục sử dụng các hệ thống mua hàng – bán hàng thông qua Facebook, các sàn thương mại điện tử tăng rất nhiều so với hàng năm. Người dân đã biết thích nghi tức là dịch bệnh không ảnh hưởng đến nhiều đến việc giao dịch thương mại. Tuy nhiên, các sản phẩm đó cũng bị khan hàng do là sự chuẩn bị không kịp, hoạt động giao dịch online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
PV: Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam hoặc cá nhân ông quan sát thấy có điều gì bất cập khi mà lượng giao dịch trên thương trường ảo tăng rất nhanh trong những ngày qua?
Ông Hà Anh Tuấn: Chúng ta có thể thấy rằng, hiên nay, các sàn mở rộng điều kiện để bán hàng trên mạng. Cá nhân nhỏ lẻ vẫn có thể mở gian hàng bán được dẫn đến các sản phẩm kém chất lượng hoặc bị trà trộn rất nhiều. Chẳng hạn như, khi mua khẩu trang, thì bình thường khẩu trang y tế phải có 3, 4 lớp hoặc 5 lớp, hàng kém chất lượng chỉ có một lớp thôi. Rất nhiều loại xuất hiện trên sàn nhưng nhìn hình ảnh thì không thể phân biệt đâu là khẩu trang ít lớp hay nhiều lớp.
Thứ hai, việc khiếu kiện rất phức tạp, nên nhiều người tiêu dùng ngại, không phản ánh lên cơ quan chức năng. Sàn giao dịch cũng không thể kiểm soát được việc này do là họ ưu tiên doanh số, ưu tiên là mở rộng cho người dân sử dụng thương mại điện tử, việc giám sát chất lượng hàng hóa chỉ dành cho doanh nghiệp thôi, dẫn đến để lọt rất nhiều các sản phẩm kém chất lượng trên thương mại điện tử hiện nay. Đặc biệt là trên những trang mạng mà không phải là sàn, ví dụ như Facebook hay là tiktok.
PV: Trong trường hợp người tiêu dùng mua phải những mặt hàng giả có thể phản ánh tới đâu, cơ quan chức năng nào và sẽ được hỗ trợ như thế nào?
Ông Hà Anh Tuấn:Phát hiện ra hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, chúng ta có thể có 3 nơi để phản ánh. Thứ nhất, vote sao kém đi cho họ và chúng ta chụp bằng chứng. Thứ hai, có thể liên hệ trực tiếp với đội hỗ trợ của sàn để báo cáo. Thứ 3, có thể liên hệ đường dây nóng của Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng hoặc Hiệp hội chống hàng giả, các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, báo cáo các sàn giao dịch này đang vi phạm quy định, vi phạm các điều luật cơ bản. Tôi chắc chắn rằng, cơ quan chức năng cũng sẽ có động thái để làm việc với sàn, từ đó sẽ giảm và hạn chế hàng giả, hàng nhái trên các sàn như hiện nay./.
Trân trọng cảm ơn ông!
Dân tránh dịch nCoV, mua sắm trực tuyến lên ngôi
Từ khóa: mua sắm trực tuyến, bán hàng online, thị trường ảo, virus corona
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN