Gia tăng lừa đảo bằng hình ảnh giả mạo chính trị gia và tỷ phú tại Australia
Cập nhật: 08/06/2024
Iran tiêu diệt và bắt giữ hàng chục phiến quân tại tỉnh Sistan-Baluchistan
Ngoại trưởng các nước G7 lên án mạnh mẽ vụ thử tên lửa của Triều Tiên
VOV.VN - Australia đang chứng kiến sự gia tăng hành vi lừa đảo sử dụng công nghệ, trong đó, hình ảnh giả mạo của nhiều nhà chính trị và cả tỷ phú đang được sử dụng rộng rãi để chiếm lòng tin của nạn nhân.
Gần đây, trên các mạng xã hội tại Australia xuất hiện nhiều video giả mạo các chính trị gia của nước này như cựu Thủ tướng Scott Morrison, Bộ trưởng tài chính Katy Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong và cả tỷ phú Andrew Forrest và tỷ phú Mike Cannon Brookes…chỉ dẫn các hình thức kiếm nhiều tiền thông qua các hình thức đầu tư.
Các video sử dụng công nghệ deepfake này đã tạo ra những hình ảnh và giọng nói rất giống với những người nổi tiếng để chiếm lòng tin của nạn nhân.
Theo truyền thông Australia, các mạng lưới lừa đảo này thường được đặt ở nước ngoài và sau đó trả một khoản tiền nhỏ để được quảng cáo trên các mạng xã hội và nhắm vào các nhóm đối tượng đã được định sẵn. Những video giả mạo này dễ dàng tiếp cận được hàng nghìn người. Tiêu biểu là video giả mạo cựu Thủ tướng Australia Scott Morrison tiếp cận được tới 70.000 người và thậm chí có video giả mạo nghị sỹ Bridget McKenzie có thể tiếp cận tới 250.000 người.
Nghị sỹ Bridget McKenzie đã ngay lập tức thông báo với cơ quan chức năng khi hình ảnh giả mạo của bà được đối tượng lừa đảo sử dụng song chưa có cơ quan nào xác định được sẽ phải làm như thế nào trong tình huống này.
Trong khi đó tỷ phú Andrew Forrest đang kiện Meta vì đã không ngăn cản được các hình thức lừa đảo sử dụng hình ảnh của ông trên nền tảng này. Hiện nay vụ kiện đang tiếp diễn và chưa biết kết quả sẽ ra sao.
Bộ trưởng Tài chính Australia Katy Gallagher cho biết, chính phủ nước này đang có nhiều nỗ lực để ngăn chặn các hành vi lừa đảo với khoản chi trị giá 67,5 triệu AUD trong năm tài khóa sắp tới tuy vậy bà cũng đề nghị người dân nâng cao cảnh giác vì khẳng định các chính trị gia không bao giờ quảng cáo các hoạt động đầu tư như vậy và nhắc nhở người dân không nên tin vào bất kỳ những gì nhìn thấy trên mạng.
Công nghệ đang phát triển quá nhanh và vượt ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng vì vậy bên cạnh việc kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, chính quyền Australia cũng đang đẩy mạnh việc cổ vũ áp dụng tiêu chuẩn đạo đức trong quá trình sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghệ cao.
Mặc dù chưa có thống kê về số tiền thiệt hại từ các vụ lừa đảo sử dụng hình ảnh giả mạo của các nhà chính trị và tỷ phú song theo số liệu của Trung tâm phòng chống lừa đảo quốc gia Australia, trong năm ngoái, người dân nước này bị mất khoảng 2,74 tỷ AUD từ các vụ lừa đảo và số vụ lừa đảo được báo cáo với cơ quan chức năng cũng tăng tới 18%, từ 500.000 vụ lên tới 600.000 vụ.
Từ khóa: giả mạo, chính trị gia, giả mạo chính trị gia, giả mạo hình ảnh, hình ảnh giả mạo, lừa đảo, công nghệ deepfake, giả mạo giọng nói, lừa đảo người dân
Thể loại: Thế giới
Tác giả: việt nga/vov-australia
Nguồn tin: VOVVN