Gia tăng giá trị cho di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - Cát Bà
Cập nhật: 1 ngày trước
VOV.VN - Ban Quản lý vịnh Hạ Long phối hợp các sở, ngành, các địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh có những nghiên cứu hết sức căn cơ và thực sự nghiêm túc trong đánh giá nguồn tài nguyên du lịch.
Sau 30 năm được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới (tháng 12/1994), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được bảo tồn nguyên trạng. Từ khi có danh hiệu quốc tế, vịnh Hạ Long đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng của địa phương dù mới khai thác được một phần nhỏ giá trị tài nguyên du lịch.
Trao đổi cùng phóng viên VOV, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã cho biết chặng đường tiếp theo để phát triển vịnh Hạ Long hài hòa giữa bảo tồn di sản và lợi ích kinh tế.
PV: Xin ông chia sẻ những điểm nổi bật, dấu mốc quan trọng trong công tác quản lý, đặc biệt là bảo tồn di sản kể từ khi vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới?
Ông Vũ Kiên Cường: Kể từ năm 1994, Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên, cho tới nay đã trải qua một quá trình 30 năm với nhiều thăng trầm. Những kết quả nổi bật mà chúng tôi đánh giá, đúc kết lại sau 30 năm: Thứ nhất, đó là chúng ta đã hết sức nỗ lực, cố gắng trong việc hoàn thiện các thể chế, quy định, quy chế quản lý và bảo vệ di sản một cách tốt nhất; Thứ hai, chúng ta đã hoàn thiện được bộ máy tổ chức để thực hiện nhiệm vụ quản lý di sản mà trực tiếp đó là Ban quản lý vịnh Hạ Long.
Từ chỗ chỉ có hơn chục con người từ khi thành lập vào năm 1995, tới nay chúng ta đã có một đội ngũ hơn 300 cán bộ, viên chức, người lao động, ngày càng được tôi luyện thử thách; được đào tạo với trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ về bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản. Điều quan trọng nhất, chúng ta đã lan tỏa được giá trị của di sản đến cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản.
PV: Vịnh Hạ Long được bảo vệ nguyên trạng, song các giá trị mới khai thác được 10-20% giá trị tài nguyên du lịch. Khoảng 10 năm gần đây, vịnh Hạ Long không có thêm các sản phẩm du lịch mới để hút khách du lịch nhất là phân khúc khách có chi tiêu cao. Ông đánh giá như thế nào về nhận định: "Được coi là “gà đẻ trứng vàng” nhưng vịnh Hạ Long dường như chưa được khai thác xứng tầm", thưa ông?
Ông Vũ Kiên Cường: Đây cũng chính là trăn trở của những người làm công tác tham mưu về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Trong mười năm nay, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận chúng ta chưa có nhiều đổi mới và cũng chưa khai thác được một cách tối đa những giá trị đặc sắc khác của vịnh Hạ Long.
Nhận thức được vấn đề này, Ban Quản lý vịnh Hạ Long phối hợp các sở, ngành, các địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh có những nghiên cứu hết sức căn cơ và thực sự nghiêm túc trong đánh giá nguồn tài nguyên du lịch. Việc phải thực hiện ngay là nâng cấp các sản phẩm du lịch đang có; tiếp đó là nghiên cứu để phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng lựa chọn những sản phẩm du lịch đẳng cấp phục vụ cho các dòng khách cao cấp, có chi trả cao nhất. Ví dụ sẽ khai thác hệ thống các hang động hiện nay còn đang bỏ ngỏ.
Thứ hai là hệ thống các bãi tắm, các vùng vui chơi giải trí ở những khu vực xa khu trung tâm và xa những khu mà có đông du khách.
PV: Thưa ông, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ là địa điểm chức Lễ hội Nghệ thuật vì khí hậu vào tháng 6 năm 2025 trong đó, 200 tỷ phú đến Hạ Long bằng siêu du thuyền. Ban quản lý vịnh Hạ Long sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào để quảng bá Di sản và thu hút các tỷ phú quan tâm đầu tư vào vịnh Hạ Long?
Ông Vũ Kiên Cường: Đây là những khách tỷ phú ở trên thế giới, họ đang đặt ra yêu cầu trải nghiệm rất khắt khe, đặc biệt là quan tâm đến những khu vực nghỉ đêm, khu vực trải nghiệm các dịch vụ chèo thuyền, chèo Kayak, tắm ở trên bãi cát thực sự hoang sơ. Chúng tôi cùng với Sở Du lịch và các sở, ngành khác đi khảo sát xác định được hai điểm là bãi cát Bàn Chân và bãi Cát Oăn. Ngoài ra, còn có khu vực nghỉ đêm ở cống Đỏ và Trà Sản. Đấy là những khu vực đủ điều kiện đáp ứng được yêu cầu của lượng khách này.
Đây cũng là hoạt động mang tính chất là thử nghiệm trước, sau này, cần phải có thêm đầu tư về cơ sở hạ tầng, đảm bảo các điều kiện an toàn về luồng lạch, sau đó chúng ta có thể nhân rộng ra đón một lượng khách lớn hơn. Chương trình có hàng trăm tỷ phú đến, hiện nay Bộ Ngoại giao cũng đang xúc tiến và tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ phối hợp chặt chẽ để tổ chức thực.
PV: Thưa ông, vậy thách thức lớn nhất trong việc triển khai là gì, nhất là di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long mới được UNESCO phê duyệt ranh giới mở rộng sang huyện đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng?
Ông Vũ Kiên Cường: Đây là di sản liên tỉnh đầu tiên ở đất nước Việt Nam được UNESCO công nhận. Nhiệm vụ là tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng trong việc xây dựng quy chế quản lý đối với di sản liên tỉnh này thế nào. Chúng tôi cũng đã chủ động làm việc với các cơ quan của thành phố Hải Phòng để cùng bàn và tham mưu cho 2 địa phương ban hành quy chế quản lý chung, xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, ban hành và tạo ra một cái cơ chế để quản lý di sản.
Ngoài ra, chúng tôi cũng mời các chuyên gia của UNESCO, Văn phòng đại diện UNESCO Hà Nội xuống để tư vấn trong việc quản lý Di sản liên tỉnh mà lần đầu tiên chúng ta có ở Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn xác định công tác bảo tồn đặt lên hàng đầu, không vì phát triển kinh tế mà bỏ qua nhiệm vụ bảo tồn. Đây là quan điểm, nhận thức xuyên suốt trong cả quá trình và quản lý và bảo vệ di sản.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp để xây dựng quy hoạch về phát triển của vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà, đảm bảo xây dựng được một quy chế quản lý chặt chẽ. Ngoài ra, đề xuất, kiến nghị đối với hai địa phương để làm sao đảm bảo được nhiệm vụ là vẫn có những cái hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở khu vực của di sản, nhưng phải đặt yếu tố bảo tồn phải đặt lên hàng đầu.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Từ khóa: hạ long, vịnh hạ long, quảng ninh, cát bà, di sản thiên nhiên, du lịch hạ long
Thể loại: Xã hội
Tác giả: vũ miền/vov-đông bắc
Nguồn tin: VOVVN