Giá sách giáo khoa mới tăng "sốc": Nhà nước nên định giá?
Cập nhật: 09/06/2021
[VOV2] - Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát, đánh giá các khoản chi phí liên quan đến giá SGK. Trong đó tiếp tục đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung SGK vào danh mục nhà nước định giá trong trường hợp cần thiết.
Hiện sách giáo khoa (SGK) biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có giá cao gấp nhiều lần so với giá SGK hiện hành. Đơn cử như bộ SGK lớp 2 gồm 6 cuốn được bán với giá 53.000 đồng thì 3 bộ SGK lớp 2 mới được NXB Giáo dục Việt Nam và NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh công bố có mức giá dao động từ 179.000-203.000 đồng/bộ chưa kể SGK tiếng Anh. Như vậy, SGK lớp 2 mới cao gấp 3-4 lần SGK lớp 2 hiện hành.
Tương tự, nếu như SGK lớp 6 hiện hành có mức giá 115.000/bộ thì 3 bộ SGK lớp 6 mới được NXB Giáo dục Việt Nam và NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh kê giá từ 234.000-259.000/bộ chưa kể SGK tiếng Anh. Như vậy, so với sách hiện hành, SGK lớp 6 mới cao gấp 2-3 lần.
Vậy, vì sao SGK mới lại có giá cao hơn SGK hiện hành? Để tránh hiện tượng "đội giá" nên chăng nhà nước cần đóng vai trò định giá SGK? Bà Đoàn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giá hàng công nghiệp tiêu dùng, Cục quản lý Giá (Bộ Tài chính) đã dành cho VOV2 cuộc phỏng vấn liên quan đến vấn đề này.
Việc xây dựng giá sách giáo khoa (SGK) mới được thực hiện theo quy định như thế nào, thưa bà?
Theo quy định tại Luật giá và các văn bản hướng dẫn thì giá SGK hiện nay do doanh nghiệp (các Nhà xuất bản) xây dựng, quyết định giá bán, thực hiện kê khai giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK đã kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức triển khai bộ SGK mới theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dư luận cho rằng, giá SGK mới cao gấp nhiều lần so với giá SGK hiện hành. Vậy, Cục quản lý giá có đánh giá gì về điều này?
Từ đầu năm 2020, triển khai quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẩm định nội dung và cho phép phát hành các bộ SGK mới, cụ thể:
Trong năm 2020, đã cho phép phát hành 5 bộ SGK lớp 1 phục vụ cho năm học 2020-2021 và chuẩn bị cho năm học 2021-2022, cho phép phát hành 02 bộ sách lớp 2, 02 bộ sách lớp 6. Theo đó, các Nhà xuất bản được phép phát hành SGK đã thực hiện kê khai giá SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mới về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá).
Căn cứ quy định tại pháp luật về giá và ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các Nhà xuất bản thực hiện kiểm soát, tiết giảm các chi phí trong cơ cấu giá thành SGK để giảm giá sách giáo khoa lớp 1 (07 công văn), lớp 2 và lớp 6 mới (06 công văn). Đến nay, các Nhà xuất bản đã nhiều lần thực hiện kê khai và kê khai lại điều chỉnh giảm giá các cuốn SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mới (từ 3.3% - 9% đối với sách lớp 2 và 2.4% - 9% đối với sách lớp 6 so với kê khai lần đầu).
Căn cứ phương án kê khai giá SGK của các NXB, với tư cách là cơ quan chuyên môn tham mưu cho Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính, có thể nhận thấy, mức giá tổng bộ sách và đơn giá đồng/trang sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và 6 mới cao hơn sách cũ là do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Theo yêu cầu của chương trình mới thì việc biên soạn, xuất bản một bộ sách giáo khoa có những điểm khác biệt so với bộ sách trước đây, cụ thể: số lượng SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới nhiều hơn so với chương trình cũ, đồng thời khổ sách, số màu in trong các cuốn sách đều cao hơn bộ sách cũ.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa nên một số chi phí trước đây do ngân sách hỗ trợ đối với bộ sách cũ nay được kết cấu trong giá thành của SGK như: tổ chức bản thảo, dạy thực nghiệm, chi phí nhuận bút lần đầu...
Hiện nay đã có 3 Nhà xuất bản được phép phát hành SGK, do đó, trong thực tiễn phát sinh mới một số chi phí như chi phí quảng bá, giới thiệu sách... được kết cấu trong giá SGK (sách cũ không có một số chi phí này do có duy nhất Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được phép phát hành).
Hiện chi phí phát hành SGK chiếm tới 20% giá SGK. Bà có cho rằng, các NXB cần phải tính toán để giảm chi phí khâu đoạn này để giám giá SGK?
Như đã đề cập ở trên, giá SGK do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán và thực hiện kê khai giá.
Với phương án kê khai giá SGK như hiện nay chi phí phát hành chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 23%) trong cơ cấu giá SGK. Ngoài việc cần tiết giảm khoản chi phí này, còn tiếp tục rà soát toàn bộ các khâu trong quy trình biên soạn, in ấn SGK theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại công văn số 1867/BGDĐT-KHTC ngày 07/5/2021. Trên cơ sở đó, khi các nhà xuất bản thực hiện kê khai lại giá SGK, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận kê khai theo quy định của pháp luật.
Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp tham gia để hoàn thiện các văn bản quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với bộ SGK về khổ sách, định lượng giấy… làm căn cứ thẩm định, rà soát phương án giá SGK, đồng thời yêu cầu các nhà xuất bản ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong việc in ấn và phát hành SGK.
Với góc độ cơ quan chuyên môn, tôi cho rằng nếu thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ trên sẽ góp phần tiết giảm đáng kể chi phí biên soạn, in ấn, phát hành SGK.
Việc quản lý giá Sách giáo khoa sắp tới sẽ như thế nào? Nên chăng Nhà nước đóng vai trò định giá SGK?
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về giá SGK, một mặt, Bộ Tài chính tiếp nhận kê khai giá SGK theo quy định tại Luật Giá, cụ thể: phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đánh giá các khoản chi phí liên quan đến giá SGK theo thẩm quyền, mặt khác đã và đang rà soát đánh giá tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật giá, trong đó tiếp tục đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung SGK vào danh mục nhà nước định giá trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng việc bổ sung SGK vào danh mục nhà nước định giá cần đánh giá kỹ trong đó cân nhắc cả yếu tố xã hội hóa, nếu cứng nhắc sẽ triệt tiêu động lực xã hội hóa theo chủ trương của Nghị quyết số 88 của Quốc hội.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII:
“Giáo dục, y tế là hai lĩnh vực an sinh quan trọng. SGK càng là mặt hàng thiết yếu của học sinh các cấp. Do vậy, giá SGK không thể tùy tiện được mà Nhà nước phải đóng vai trò định giá. Dĩ nhiên cần có sự hài hòa giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng nhưng giá cả phải có sự phù hợp để mọi đối tượng học sinh có thể tiếp cận được, đây cũng là một trong những yếu tố để chúng ta đạt phổ cập giáo dục các cấp học. Nếu Nhà nước không điều tiết được giá có thể làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế”.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính):
“Chúng ta phải xác định, học sinh phổ thông là đối tượng cần được bảo trợ. Do vậy SGK là mặt hàng mà Nhà nước đặc biệt phải quan tâm. Khi xã hội hóa SGK thì đương nhiên có sự cạnh tranh. Các NXB sẽ huy động được đội ngũ viết sách tốt nhất, sách được in ấn đẹp, bắt mắt nhất, thêm vào đó chi phí truyền thông, quảng bá, phát hành… dẫn đến đội giá. Vì vậy, nên chăng xem lại việc xã hội hóa SGK. Chỉ xã hội hóa ở khâu nào thôi còn Nhà nước sẽ bao cấp, hỗ trợ khâu nào đó để đảm bảo giá SGK phù hợp đối với mọi gia đình. Chứ hiện nay, không có nước nào thả nổi giá SGK để doanh nghiệp quyết định cả.”
Từ khóa: giá sách giáo khoa, SGK mới, chương trình giáo dục phổ thông mới, phát hành sách, Bộ Tài chính, Cục quản lý giá, Bộ GD&ĐT
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2