Già làng ngăn chặn tảo hôn ở miền núi Khánh Hòa
Cập nhật: 1 giờ trước
Tạo động lực mới cho phát triển du lịch nông thôn toàn cầu
Hà Nội thông qua 2.527 dự án thu hồi đất, 430 dự án chuyển đổi đất trồng lúa
VOV.VN - Mấy năm gần đây, tại vùng miền núi tỉnh Khánh Hòa, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giảm đáng kể. Phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín, các huyện miền núi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng đến mục tiêu đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số vào cuối năm 2025.
“Bố mẹ đâu có cấm các con ăn học đâu, cứ lo ăn, lo học đi, học được đến đâu, bố mẹ sẽ lo bấy nhiêu. Đừng bắt chước người ta đua đòi, yêu đương sớm. Gia đình động viên con cái liên tục, kèm cặp chặt 2 đứa con gái, không cho đi lăng nhăng. Đi học phải đúng giờ về, tối đi sinh hoạt chung thì phải đúng giờ về là 8 giờ, hay 9 giờ tối phải có mặt. Nếu không có thì phải có cô giáo ở đó, điện về xin phép bố, mẹ”.
Đó là ý kiến của ông Phạm Văn Đạt, dân tộc Mường, thôn A Xây, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa khi được hỏi về vấn đề tảo hôn. Những năm trước, tảo hôn là tình trạng không hiếm gặp tại miền núi Khánh Hòa. Nhiều em gái đang học lớp 8, lớp 9 đã bỏ học, ở nhà lấy chồng, sinh con. Lấy chồng sớm, sinh con chưa đủ tuổi làm cho đời sống của đồng bào càng gặp nhiều khó khăn. Ngăn chặn tảo hôn đã trở thành vấn đề nóng bỏng tại các thôn, xóm vùng cao. Đây cũng là nhiệm vụ của các già làng, người có uy tín tại cộng đồng.
Bà Cao Thị Xiêng, dân tộc Raglay, người có uy tín thôn Suối Lách, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh cho biết, muốn vận động đồng bào thì chính gia đình, dòng họ của mình phải làm gương không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống. Việc vận động vừa mềm mỏng, kiên trì vừa kiên quyết.
“Chúng tôi nhắc nhở bà con trong làng. Nếu như gặp gia đình nào mà con không đủ tuổi, chuẩn bị bắt vợ, bắt chồng cho con thì mình phải can thiệp. Dứt khoát không cho hai gia đình bắt vợ, bắt chồng, phải vận động trước, giải thích kỹ những tác hại. Đó là các cháu còn nhỏ, sinh con sẽ bị tật, bị bệnh, bị suy dinh dưỡng. Tuyên truyền nhiều lần nên đến nay, người dân đã hiểu, không còn tình trạng tảo hôn”, bà Xiêng cho biết.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đầu năm 2023, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành kế hoạch giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, địa phương tổ chức các hội nghị lồng ghép, hội thi nhằm tuyên truyền, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, triển khai nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa đã phát hàng nghìn tờ gấp tuyên truyền phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; kết hợp với báo, đài xây dựng tiểu phẩm, làm các chương trình, phóng sự chuyên đề về hôn nhân và gia đình. Các địa phương đã có nhiều mô hình với sự tham gia của người có uy tín và các bạn trẻ để khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh và ngăn chặn tảo hôn.
Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Các già làng đã phát huy được năng lực thuyết phục của mình và kết quả thực tế của già làng. Các già làng có vườn, có con cái thành đạt nên khi nói cho các bạn thanh niên rất dễ, phụ huynh các em cũng nghe theo, hạn chế rất nhiều tảo hôn. Ngoài ra, các chú còn vận động thanh niên trồng cây, trồng bưởi khởi nghiệp, làm các mô hình để lan tỏa. Qua đó, chiếm thời gian rảnh rỗi, tránh các em yêu đương khi chưa đủ độ tuổi”.
Năm 2024, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức hơn 20 lớp tập huấn, sinh hoạt ngoại khóa với sự tham gia của 3.000 học sinh phổ thông. Qua đó đã truyền thông trực tiếp về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và xây dựng nhiều pano tuyên truyền tại các khu dân cư.
Khánh Vĩnh là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 35km. Tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện 1.167km2, dân số toàn huyện có trên 45.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 73%.
Ông Mấu Văn Phi, Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, huyện có 35 người có uy tín thuộc 4 dân tộc anh em: Raglay, Ê đê, T’rin, Kinh. Những người này sống cùng bà con chính là cánh tay nối dài, cộng sự đắc lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong vấn đề ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
“Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ để lại hậu quả, hệ lụy rất lâu dài, đó là đẻ các con còi cọc, kém trí tuệ, kém thông minh. Các già làng người Raglay trên địa bàn rất sâu sát cuộc sống của bà con, có nhiều cách làm năng động, sáng tạo. Đặc biệt, trong phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các già làng nói và có tính thuyết phục cao, giành được niềm tin lớn của bà con”, ông Mấu Văn Phi cho biết.
Từ khóa: tảo hôn, miền núi,già làng,tảo hôn,Khánh Hòa, dân tộc thiểu số, tảo hôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tảo hôn ở miền núi
Thể loại: Xã hội
Tác giả: thái bình/ vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN