“Giá khám chữa bệnh quy định mù mờ thì tự làm khó mình thôi”
Cập nhật: 14/12/2022
VOV.VN - Dẫn quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn khi nhiều khoản chưa rõ, dẫn đến khó khả thi khi thực hiện và điều này thì "càng tự làm khó mình thôi".
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) dự kiến bổ sung hình thức mua trả chậm, trả dần, thuê, muợn thiết bị y tế vào các các hình thức thu hút nguồn lực xã hội.
Sáng nay 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là dự án luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, tuy nhiên, sau khi đại biểu thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho phép chưa thông qua để có thêm thời gian hoàn thiện kỹ lưỡng.
“Mù mờ thì chết anh em”
Liên quan giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 110), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Đề cập vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết 4-5h sáng có người trách nhiệm rất cao gọi điện cho ông về chuyện này, rất lo lắng. Ví dụ như Khoản d Điều 110 thể hiện một trong những yếu tố là "Giá trị vô hình của thương hiệu (nếu có) thì cần phải cân nhắc vì khó mà tính được" và “mù mờ thế này thì chết anh em”.
Dẫn quy định về các chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn khi dự thảo lần này có thêm "chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh” là chi phí gì. Ông đề nghị “Bộ Tài chính phải xem chỗ này. Mù mờ thì càng tự mình làm khó mình thôi. Mai mốt các cơ quan hỏi, đoàn giám sát của Quốc hội hỏi chi phí khác không thấy tính là chết rồi. Quy định tăng thêm một loại thì phải rõ là cái gì, ai quy định”.
Hay theo Khoản 5, Điều 110 thì Bộ Y tế quy định giá tối đa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, ông Vương Đình Huệ cũng đề nghị rà soát, xem lại.
Bởi, chúng ta đang phấn đấu có cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao để tránh “chảy máu” ngoại tệ, hàng năm bao nhiêu đô la đi sang Singapore, Nhật Bản khám chữa bệnh.
Chủ tịch Quốc hội đề xuất nên quy định giá dịch vụ gồm những cái gì, tính đúng, tính đủ; Chính phủ, Bộ Y tế công bố lộ trình tính đúng, tính đủ đối với các dịch vụ khám chữa bệnh bằng BHYT.
“Phải có lộ trình nhưng nguyên tắc là phải tính đúng, tính đủ và lộ trình này nên quy định trong luật để thực hiện. Tốt người ta đến, không tốt người ta không đến. Bác tốt hơn, mà điều kiện tương đương thì em ở đây em chả đi nước ngoài nữa, đúng không? Nó phải thị trường. Mình đặt cái trần vào đó thì ai làm được. Bác sĩ mình giỏi chả kém nước ngoài đâu, do điều kiện của mình thôi” – Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Hay Khoản 14 Điều 2 quy định “Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” sẽ thực hiện rất khó vì định nghĩa chung chung, do đó cần nêu rõ ra là giám đốc hay chủ tịch hội đồng quản lý.
Cho phép mua trả dần, thuê mượn thiết bị y tế
Về Hội đồng Y khoa quốc gia, theo bà Nguyễn Thúy Anh, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình này để thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, do vậy, để thận trọng, dự thảo luật chỉ ghi nhận hình thức tổ chức này, nguyên tắc về vị trí pháp lý, nhiệm vụ cơ bản, giao Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động. Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền về việc này theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần quy định ai quản lý Hội đồng Y khoa, ai chịu trách nhiệm. Cạnh đó là tổ chức xã hội nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh có mối liên hệ thế nào với Hội đồng Y khoa. Trách nhiệm của các tổ chức này trong việc tham gia đánh giá năng lực ra sao vì Hội đồng Y khoa nếu có thì chỉ làm đầu mối thôi chứ không thể làm tất cả mọi thứ cho hàng vạn người.
“Tránh trường hợp anh dốt hơn đánh giá anh giỏi hơn. Chúng ta sợ nhất ông không hiểu biết đánh giá ông hiểu biết” – ông Vương Đình Huệ lưu ý.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật bổ sung một điều về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Theo đó, khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thưc hiện chức năng, nhiệm vụ; quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự chủ trong các hoạt động về tổ chức, nhân sự, tài chính, chuyên môn và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Bên cạnh đó, dự thảo dự kiến bổ sung hình thức mua trả chậm, trả dần, thuê, muợn thiết bị y tế vào các các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trọng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung việc khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh vào nội dung của xã hội hóa.
Nêu ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Lê Quang Huy cho rằng qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi cho thấy bên cạnh thiết bị thì vật tư y tế cũng rất quan trọng. Tuy nhiên dự thảo đề cập chưa kỹ và chưa rõ thiết bị y tế đã bao hàm vật tư hay chưa trong khi các bác sĩ, đại biểu Quốc hội rất quan tâm vấn đề này.
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 sắp tới./.
Từ khóa: Luật khám bệnh chữa bệnh, Hội đồng y khoa, giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp bất thường của Quốc hội
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN