Giá điện tăng 8,36% từ cuối tháng 3/2019 đẩy CPI tăng, kéo GDP giảm
Cập nhật: 25/09/2019
Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/12
155 năm Đỗ Minh Đường: Hành trình tôn vinh giá trị Nam y Việt Nam
Mức độ phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo sẽ được xem xét trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của điều chỉnh giá điện đến chỉ số giá tiêu dùng.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, dự kiến giá điện sẽ được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3/2019. Như vậy, so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh), tương ứng giá bán lẻ điện bình quân 2019 khoảng 1.864,44 đồng/kWh. Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) về việc giá điện tăng từ cuối tháng 3/2019 và các tác động tới nền kinh tế.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) |
PV:Thưa ông, một số nguồn tin cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sắp điều chỉnh giá điện theo phương án tăng tới hơn 8%. Xin ông cho biết cụ thể về thông tin này cũng như thời điểm tăng giá điện cụ thể là khi nào?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân các năm nói chung và điều chỉnh giá điện năm 2019 nói riêng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, đảm bảo nguyên tắc giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ.
Sau khi có kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2017 và Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2019, Bộ đã chỉ đạo EVN xây dựng phương án giá điện năm 2019 theo các thông số đầu vào để tính toán giá điện và phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
Các phương án giá điện đã được Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét theo quy định và cũng đã được báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thường trực Chính phủ. Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đánh giá tác động của việc tăng giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP).
PV:Thưa ông, theo Quyết định của Chính phủ về giá bán lẻ điện thì việc điều chỉnh tăng giá điện lên trên 8% (8,36%) là mức mà ngành điện phải giải trình lý do với Bộ Công Thương và xin ý kiến Chính phủ. Vậy, với chức năng quản lý ngành, ông có thể giải thích rõ về các điều kiện cũng như lý do dẫn tới việc chấp thuận cho phép điều chỉnh giá điện ở mức này ?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Phương án giá điện năm 2019 đã được xây dựng theo các thông số đầu vào để tính toán giá điện và phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo theo quy định tại Quyết định số 24 của chính phủ.
Thứ nhất, về cơ cấu nguồn điện huy động trong năm 2019, trên cơ sở dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 dự kiến khoảng 6,8%, Bộ Công Thương đã dự báo tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 toàn quốc sẽ đạt 211,9 tỷ kWh và ban hành Quyết định số 4677/QĐ-BCT ngày 18/12/2018 về Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2019 dự kiến cơ cấu các loại hình nhà máy thủ điện, nhiệt điện than, tuabin khí, nhiệt dầu, các nhà máy điện mặt trời, gió, sinh khối. Trong phương án tính giá điện, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN cập nhật tình hình thủy văn, mực nước các hồ thủy điện, tiến độ các nhà máy điện theo thực tế đến hết tháng 1/2019.
Các yếu tố đầu vào trong phương án giá điện năm 2019 đã đưa vào tính toán các chi phí đầu vào có tác động đến giá điện, như: giá than nội địa; giá than pha trộn giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước của một số nhà máy điện; Dự báo về giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện theo dự báo của Ngân hàng thế giới, giá than thế giới năm 2019 giảm khoảng 7,41% so với năm 2018;
Thứ 2 là dự báo về giá khí cung cấp cho các nhà máy điện theo dự báo của Ngân hàng thế giới và điều chỉnh giá khí một số nhà máy điện để 100% các nhà máy tuabin khí sẽ thực hiện mua khí theo giá thị trường.
Thứ 3, thuế bảo vệ môi trường đối với than và dầu tăng thêm kể từ ngày 1/1/2019 theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ tư, dự báo về tỷ giá năm 2019 giữa VND với các ngoại tệ như: USD, Euro, Yên Nhật… trên cơ sở số liệu thực tế của năm 2018 và dự báo tỷ giá năm 2019.
Ngoài ra, các khoản chi phí còn treo chưa được đưa vào giá điện trong các năm trước (chênh lệch tỷ giá). Mức độ phân bổ sẽ được xem xét trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cũng như đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các ngành nghề sản xuất và các hộ sinh hoạt.
Riêng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách, nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/ tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng
Với các thông số đầu vào nêu trên, phương án giá điện đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau. Các phương án được cân nhắc với mục tiêu là đưa vào dần các chi phí còn treo, đồng thời đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, có xem xét đến tình hình kinh tế vĩ mô. Các phương án giá điện đã được báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
PV:Bộ Công Thương đã có tính toán tác động của việc tăng giá điện lần này tới các cân đối vĩ mô năm 2019 cũng như các hộ tiêu thụ điện như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đánh giá tác động của các phương án điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Cụ thể, các phương án điều chỉnh giá điện làm tăng CPI trong khoảng từ 0,26% - 0,31%, làm tăng PPI trong khoảng từ 0,15% - 0,19%, làm giảm GDP trong khoảng từ 0,22% - 0,25%.
Mức độ phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo sẽ được xem xét trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cũng như đến các ngành nghề sản xuất và các hộ sinh hoạt.
Riêng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách, nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ có những điều chỉnh cụ thể đối với từng nhóm khách hàng theo thẩm quyền theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho phù hợp.
PV: Người tiêu dùng và cộng đồng đặc biệt quan tâm tới việccông khai minh bạchvề giá điện. Với chức năng quản lý, giám sát xin ông cho biết thực tế này?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Công tác công khai minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã được Bộ Công Thương hết sức chú trọng.
Một là để việc thực hiện công khai minh bạch về hoạt động kinh doanh điện, ngày 22/4/2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện. Kể từ khi ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT đến nay, định kỳ hàng tháng, hàng quý, Bộ Công Thương đã thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương về tỷ giá USD, giá than, giá dầu trong nước và thế giới, giá khí, cơ cấu sản lượng điện mua, giá mua điện bình quân hàng tháng, phụ tải cực đại và công suất khả dụng của hệ thống điện…
Hai là về công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN. Trong năm 2018, trên cơ sở báo cáo chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN được kiểm toán, Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN với sự tham gia của đại diện: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Ngày 30/11/2018, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo để công khai kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN.
Tại cuộc họp, Bộ đã công bố công khai các thông tin như, sản lượng điện, chi phí từng khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, phụ trợ - quản lý ngành), chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017. Bộ Công Thương cũng đã gửi Thông cáo báo chí để cung cấp kịp thời cho các cơ quan báo chí và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương để mọi người được biết.
Sau khi EVN có báo cáo chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 được kiểm toán, Bộ Công Thương tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra liên Bộ ngành để thực hiện kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN và tổ chức họp báo để công bố kết quả kiểm tra đúng quy định.
PV: So sánh giá điện của Việt Nam với các nước có lẽ là khập khiễng bởi còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn điện, như cầu tiêu dùng và khả năng chi trả của người dân… Tuy nhiên, sau khi tăng giá điện lên 8,36%, giá điện Việt Nam so với giá điện các nước trên thế giới và trong khu vực thế nào? Với mức giá này, liệu chúng ta có khuyến khích phát triển điện theo xu hướng tăng nguồn NLTT, thân thiện với môi trường và tiết kiệm điện không, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn:Thống kê giá điện 25 nước năm 2018, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, trong đó có các nước trong khu vực như Lào, Philippine, Indonesia, Camphuchia, Trung Quốc, Ấn Độ thì giá điện của Việt Nam ở mức 0.074 USD/kWh, thấp nhất trong số các nước được thống kê.
So sánh giá điện năm 2018 của Việt Nam so với các nước trong khu vực được thống kê cho thấy, giá điện của Việt Nam đạt 91,9% so với giá điện của Trung Quốc, Ấn Độ; 81,7% so với giá điện của Lào; 73,5% so với giá điện của Indonesia; 50,4% so với giá điện của Philippine và 38,7% so với giá điện của Campuchia.
Nếu giá điện lần này được điều chỉnh tăng ở mức 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành thì giá điện của Việt Nam sẽ ở mức 0.080 USD/kWh (tỷ giá tại ngày 05/3/2019), mức giá này tương đương với các nước Trung Quốc, Ấn Độ.
Chúng tôi khuyến nghị các hộ tiêu thụ nên sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm để vừa giảm áp lực phải trả tiền điện, vừa giúp giảm áp lực phải đầu tư vào các công trình điện.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Từ khóa: giá điện tăng, giá điện tăng từ cuối tháng 3, điều chỉnh giá bán lẻ điện, phương án tăng giá điện, chỉ số giá tiêu dùng,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN