Giá điện ở Việt Nam không hề rẻ, còn khá đắt so với các quốc gia khác

Cập nhật: 27/02/2020

VOV.VN - Chuyên gia đề xuất Việt Nam cần nêu ra lộ trình giá điện, đặc biệt là giá điện bán lẻ cũng như hoàn thiện việc phát triển lưới điện, truyền tải.

Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày 27/2 đã công bố Báo cáo Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam (phiên bản 2.0), đưa ra chiến lược phát triển năng lượngdựa trên những nguồn năng lượng tại Việt Nam, trong đó trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo.

6 khuyến nghị quan trọng

Báo cáo Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam đã được cập nhật và sửa đổi đã đưa ra 6 khuyến nghị chính, bao gồm việc khuyến khích các chuyên gia năng lượng trong khu vực tư nhân tham gia phát triển các dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn và nhỏ, chẳng hạn như điện mặt trời áp mái; pin lưu trữ; trang trại điện mặt trời, điện mặt trời nổi, điện gió ngoài khơi và trên bờ, điện sinh khối cũng như đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án trong khi vẫn duy trì các hệ thống điện an toàn.

gia dien o viet nam khong he re, con kha dat so voi cac quoc gia khac hinh 1
Ông John Rockhold, Trưởng nhóm công tác Điện và Năng lượng của Liên minh VBF.

Đáng chú ý, Báo cáo đã khuyến nghị Việt Nam chuẩn hóa hợp đồng mua bán điện có khả năng được chấp nhận cấp vốn quốc tế, được sử dụng toàn cầu. Trong đó, Việt Nam cần công bố lộ trình giá bán lẻ điện đến năm 2025; trong đó cần phản ánh sự dịch chuyển theo hướng định giá theo thị trường, cân nhắc áp dụng biểu giá bán lẻ điện khác nhau cho các khu vực khác nhau và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, báo cáo khuyến nghị Việt Nam đánh giá nhu cầu cấp thiết về phát triển hệ thống lưới truyền tải và cách thức phát triển hạ tầng lưới điện có chi phí thấp, nhằm hỗ trợ cho lượng điện tái tạo và nguồn điện truyền tải gia tăng…

Ông John Rockhold, Trưởng nhóm công tác điện và năng lượng của Liên minh VBF cho rằng, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị mới được ban hành sẽ như một tiền đề tốt để tham vấn các tổ chức nghiên cứu trong việc cũng cố và xây dựng chính sách năng lượng.

“Chúng tôi tin rằng, Việt Nam còn có thể đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả. Tuy nhiên, có thể nói rằng giá điện ở Việt Nam không hề rẻ, nó cũng khá đắt so với các quốc gia khác cho nên sẽ còn rất nhiều việc phải làm”, ông John Rockhold nhận xét.

Trưởng nhóm công tác của VBF cũng nhận thấy, trong tương lai nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam sẽ có công suất rất lớn, có thể tăng gấp 2 lần so với quy hoạch. Chính vì thế, nhóm công tác mong muốn Việt Nam có một lộ trình về giá bán lẻ điện một cách ổn định. Khi có lộ này sẽ có thể lập kế hoạch cũng như đưa ra những chương trình tiết kiệm năng lượng.

“Khi giá điện ở Việt Nam rẻ hơn, người dân cũng sẽ ít bận tâm đến giá điện. Nhưng nếu lạc quan để rơi vào khủng hoảng và tổn hao năng lượng nhiều giá điện sẽ tăng lên sẽ khiến người dân phải quan tâm hơn. Chính vì thế, trong Tổng sơ đồ điện VIII rất cần nêu ra để lộ trình giá điện, đặc biệt là giá điện bán lẻ cũng như củng cố và hoàn thiện việc phát triển lưới điện, lưới truyền tải cũng như hướng tới những dự án về lưới điện thông minh”, ông John Rockhold khuyến cáo.

Nhanh chóng hoàn thiện môi trường pháp lý

Theo bà Viginia Foote, Đồng Chủ tịch Liên minh VBF, năng lượng luôn luôn là một thành tố rất quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang phát triển Tổng sơ đồ điện VIII và hy vọng rằng, với những khuyến nghị của mình, nhóm công tác sẽ đóng góp vào việc phát triển năng lượng của Việt Nam, đặc biệt là của khu vực tư nhân để phát triển nguồn năng lượng sạch, hiệu quả, từ đó giúp Việt Nam trong thời gian tới và có khả năng thu hút được dòng vốn đầu tư từ nhiều quốc gia.

“Báo cáo kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam bao gồm các khuyến nghị trong việc cải thiện môi trường pháp lý, cơ chế về thuế trong đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng. Đặc biệt, các dự án đầu tư vào năng lượng cần phải có khả năng huy động nguồn vốn, cần phải tính toán và cân đối được giữa khoản đầu tư và lợi nhuận”, bà Viginia Foote cho biết.

gia dien o viet nam khong he re, con kha dat so voi cac quoc gia khac hinh 2
Bà Viginia Foote, Đồng Chủ tịch Liên minh VBF.

Cũng theo bà Viginia Foote, Việt Nam hoàn toàn có khả năng xây dựng một hệ thống năng lượng mang tính bền vững, khi chú trọng và đánh giá cao vai trò quan trọng của các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Bởi lĩnh vực này không đòi hỏi nguồn đầu tư lớn, các hệ thống điện mặt trời hoàn toàn có thể được xây dụng trên từng mái nhà, từng tòa nhà, các văn phòng rất phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Vấn đề này không chỉ đơn thuần liên quan đến Chính phủ mà là trách nhiệm của tất cả mọi người dân. Phát triển năng lượng còn liên quan đến nguồn nước, bảo vệ môi trường cũng như chất lượng không khí và vệ sinh an toàn thực phẩm. Như vậy tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc kiểm soát và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên”, bà Viginia Foote nói.

Đồng quan điểm với Chủ tịch Nhóm công tác của Liên minh VBF, bà Viginia Foote cũng cho rằng, khi Việt Nam xây dựng thị trường bán buôn điện cạnh tranh rất cần phải có độ linh hoạt trong việc định giá, không áp đặt cố định mà cần có các mức giá điện và được mở rộng theo thời gian. Nhiều khi, quá trình này có thể lên tới 10 năm để hoàn thiện.

“Về cơ bản, cơ chế đấu giá bán điện được xem là hiệu quả nhất để quản lý giá điện trong tương lai, đảm bảo cho sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong tương lai. Khi thực hiện đấu giá, giá điện bao giờ cũng ở mức thấp nhất, điều này đã được thể hiện tại các quốc gia láng giềng của Việt Nam như Campuchia. Tuy nhiên việc đấu giá đấu giá cũng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như hợp đồng mua bán điện, hạn mức về công việc, quy trình phê duyệt từ rất nhiều các quy trình ở các cấp độ”, bà Viginia Foote lưu ý./.

Từ khóa: kế hoạch năng lượng, năng lượng tái tạo, biểu giá điện, giá bán lẻ điện sinh hoạt, giá điện bậc thang

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập