Giá đắt kỷ lục, vì sao vàng nhẫn khan hàng?

Cập nhật: 07/03/2024

VOV.VN - Mặc dù vàng nhẫn liên tục lập kỷ lục về giá nhưng lượng tiêu thụ tại các cửa hàng vẫn rất mạnh, dẫn đến tình trạng khan hiếm cục bộ, nhiều khách than không mua được.

Giá vàng nhẫn những ngày qua liên tiếp tăng và xô đổ mọi kỷ lục. Cuối ngày 6/3, giá loại vàng này đã ở mức cao nhất lịch sử khi đạt 68,5 triệu đồng/lượng (giá bán), vượt kỷ lục cũ là 68,35 vừa được lập hôm 5/3. 

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn đã tăng tới 5,5 triệu đồng/lượng.

Tuy vàng nhẫn đắt đỏ như thế nhưng gần đây lại xuất hiện hiện tượng khan hiếm vàng nhẫn. Khảo sát PV VTC News cho thấy, không ít lần các cửa hàng lớn trên phố Trần Nhân Tông, Cầu Giấy…(Hà Nội) phải thông báo hết vàng nhẫn tròn trơn khi khách hỏi mua.

Một số cửa hàng nhỏ lẻ tuy còn vàng nhẫn nhưng số lượng cũng không nhiều. Cuối ngày 1/3, tại cửa hàng vàng Hà Dung trên phố Trần Nhân Tông, chủ cửa hàng cho biết chỉ còn một số ít vàng nhẫn tròn trơn loại 1 chỉ, 1 chiếc 0,5 chỉ và 1 chiếc 2 chỉ.

Tương tự, cùng thời điểm, nhân viên tại chi nhánh SJC miền Bắc trên phố Giang Văn Minh (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết không còn nhẫn tròn trơn. Còn tại chi nhánh SJC trên phố Trần Nhân Tông, nhân viên thông tin đã hết loại nhẫn 1 chỉ. 

Tuy sau đó, các cửa hàng này đã có hàng trở lại tuy nhiên hiện tượng hết hàng gián đoạn, cục bộ vẫn diễn ra tại nhiều nơi. Không ít khách hàng phản ánh không mua được vàng nhẫn tại nhiều thời điểm. "Không dễ mua vàng nhẫn như trước do hàng không nhiều. Tôi phải đi 2 lần mới mua được", chị Ánh Hoa ở quận Hai Bà Trưng nói.

Trên thực tế, vàng nhẫn đã khá khan hàng từ ngày vía Thần Tài (19/2). Nhiều cửa hàng đã phải thông báo khách quay lại lúc khác thì mới có thể mua được vàng nhẫn trơn tròn. 

Khan hiếm do đâu?

Lý giải hiện tượng vàng nhẫn khan hiếm, chị Nguyễn Thị Mỹ - chủ một tiệm vàng ở Hà Nội nhận định, tâm lý của nhiều người mua vàng hiện nay là muốn tích trữ tài sản vì lãi suất các ngân hàng hiện nay quá thấp. Nhưng hiện người dân ưu tiên chọn mua vàng nhẫn thay vì vàng miếng như trước kia do lo lắng việc sửa Nghị định 24 sắp tới sẽ có tác động mạnh đến thị trường vàng miếng.

"Khi cơ quan chức năng xem xét lại việc độc quyền, giá vàng SJC có thể giảm mạnh, về gần hơn so với giá thế giới quy đổi, tức là có thể giảm hơn 10 triệu đồng/lượng. Do vậy, nhiều người đã chuyển từ mua vàng miếng tích trữ sang vàng nhẫn, vàng trang sức để giảm thiểu rủi ro", chị Mỹ nói.

Dưới góc độ khác, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, phân tích: Từ khi thực hiện Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Doanh nghiệp chỉ có thể mua vàng trên thị trường để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

"Việc mua vàng trôi nổi trên thị trường lại không bảo đảm yêu cầu về hóa đơn, bảng kê hàng hóa dịch vụ và rủi ro có thể mua phải vàng lậu. Việc cơ quan quản lý siết các vụ buôn lậu vàng gần đây khiến nhiều doanh nghiệp trong nước không dám mua vàng trôi nổi trên thị trường càng làm cho nguồn cung vàng nguyên liệu thêm hạn chế", ông Khánh nói. 

Ngoài ra, việc kinh doanh vàng nhẫn trơn mang về biên lợi nhuận thấp hơn so với các mặt hàng nữ trang khác có tiền gia công. Vì thế, nhẫn tròn trơn không phải là mặt hàng được ưu tiên đẩy mạnh kinh doanh khi nguồn nguyên liệu hạn chế.

Còn theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, tình trạng vàng nhẫn khan hiếm là do nhu cầu của người mua tăng quá mạnh. Khi giá vàng nhẫn đang rẻ hơn rất nhiều so với giá vàng miếng thì tương ứng với rủi ro khi thị trường đảo chiều sẽ thấp hơn, vì thế sức hấp dẫn với người mua lớn hơn. Hiện giá vàng miếng đã lên 81 triệu đồng/lượng, tức là cao hơn vàng nhẫn tới 12,5 triệu đồng/lượng

Tỷ lệ thuận với lượng người mua lớn sẽ là giá ngày càng tăng cao, và cứ như thế, vàng nhẫn ngày càng hút khách, từ đó chuyện khan hàng có thể xảy ra.

Cùng với việc tích trữ vàng miếng SJC thì nắm giữ vàng nhẫn trơn 24k cũng là thói quen của nhiều người Việt Nam. Đặc biệt trong vài năm gần đây khi chênh lệch giá vàng SJC với giá vàng quốc tế quá lớn, nhiều người đã chuyển sang tích lũy tài sản bằng vàng nhẫn trơn 24k.

Bên cạnh đó, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, nhiều người tổ chức đám cưới, nhu cầu loại vàng này tăng cao.

Vì vậy, trong gần 2 tháng đầu năm 2024, giá vàng nhẫn và vàng trang sức đang có xu hướng leo cao so với vàng miếng SJC.

Vì sao giá vàng phi mã?

Lý giải việc giá vàng liên tục tăng cao kỷ lục trong thời gian gần đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay, việc giá vàng thế giới liên tục tăng cao đã tác động trực tiếp đến giá vàng trong nước, đẩy giá vàng tăng cao.

Ngoài ra, tại thị trường Việt Nam, cung cầu vàng chưa ổn định. Nguồn cung vàng còn hạn chế bởi hiện tại Ngân hàng nhà nước (NHNN) vẫn đang là đơn vị duy nhất có thể nhập khẩu vàng.

"Tại thời điểm này khi nhu cầu thị trường lên cao, theo lẽ thường “van nhập vàng" nên được mở ra. Thiết nghĩ trong nghị định 24 nên điều chỉnh quy định để nhiều nhà kinh doanh vàng có thể tham gia vào nhập khẩu vàng hơn là chỉ có NHNN thì giá vàng trong nước sẽ bình ổn hơn", TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Ông Hiếu phân tích thêm, hiện lãi suất ngân hàng càng ngày càng thấp, kênh đầu tư bất động sản chưa hồi phục hoàn toàn, chứng khoán lúc lên lúc xuống. Vì thế, vàng vẫn đang được cho là kênh đầu tư có sức hút. Việc vàng tăng giá cũng là điều dễ hiểu. 

Từ khóa: vàng, Giá vàng hôm nay, giá vàng trong nước, giá vàng SJC, vàng 9999, vàng nhẫn

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: ngoc vy/vtc news

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập