Giả danh luật sư để lừa đảo

Cập nhật: 21/11/2023

VOV.VN - Thời gian gần đây, đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo, một số đối tượng lập các tài khoản mạng xã hội giả danh luật sư đăng bài hỗ trợ nạn nhân thu hồi tiền lừa đảo.

Thay vì ra cơ quan công an trình báo sự việc, nhiều người dân bị lừa đảo qua mạng đã lựa chọn liên hệ các tài khoản giả danh luật sư với mong muốn được thu hồi tiền lừa đảo. Để thu hồi số tiền đã mất, "luật sư giả" sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển trước tiền "dịch vụ pháp lý". Vì nhẹ dạ cả tin, vì hy vọng lấy lại được số tiền đã mất, các nạn nhân lại tiếp tục rơi vào cái bẫy của các đối tượng lừa đảo. Chỉ đến khi không thể liên hệ với các đối tượng này, nạn nhân mới gọi điện hoặc đến các công ty, văn phòng luật để xác minh và rồi tá hỏa nhận ra mình lại bị lừa lần nữa.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng cho biết, trong một tháng trở lại đây, liên tục nhận được điện thoại của các nạn nhân ở nhiều tỉnh thành trên cả nước hỏi về việc công ty hứa hỗ trợ, thu hồi tiền treo trên các ứng dụng, các nền tảng mạng xã hội trong khi công ty không hề biết gì về chuyện này.

"Tôi thật sự đau lòng vì tình trạng mượn danh các luật sư như chúng tôi để lừa dối người dân, rồi đây hình ảnh của luật sư trong mắt người dân sẽ bị ảnh hưởng vì những hành động như thế này." - Luật sư Nguyễn Văn Hưng chia sẻ.

Không chỉ riêng Công ty luật Phúc Khánh Hưng mà nhiều luật sư, tổ chức hành nghề luật khác cũng bị mạo danh. Các đối tượng thường lập tài khoản giả mạo, tạo ra số lượt tương tác "ảo" lớn nhằm tạo niềm tin cho người khác. Thậm chí, có trường hợp còn sử dụng hình ảnh luật sư để cắt ghép, tạo thẻ luật sư giả rồi đăng tải lên mạng xã hội.

Có một điểm chung là các luật sư, công ty luật bị giả mạo đều là những cá nhân, tổ chức hoạt động tích cực trên truyền thông hay các phương tiện mạng xã hội. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý, luật sư thuộc các công ty luật sẽ chỉ thực hiện các công việc dựa trên nội dung hợp đồng dịch vụ đã ký và không được hứa hẹn, cam kết về kết quả công việc. Mọi hoạt động của luật sư đều được diễn ra trên thực tế, tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật cũng như thỏa thuận với phía khách hàng, tuyệt đối không yêu cầu chuyển tiền trước khi chưa có hợp đồng dịch vụ pháp lý hay cam kết sẽ thực hiện công việc theo yêu cầu của khách hàng mà nằm ngoài khả năng của luật sư.

Bởi vậy, khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý, người dân cần tỉnh táo, lựa chọn các luật sư uy tín. Trong trường hợp tìm kiếm thông qua mạng xã hội, cần kiểm tra chính xác thông tin luật sư, số điện thoại, thông tin, trụ sở, tình hình hoạt động của công ty luật. Sau đó, người dân có thể trực tiếp liên hệ luật sư hoặc các trợ lý để đặt lịch hẹn làm việc, trực tiếp giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với công ty để thực hiện công việc mình yêu cầu, trong phạm vi của luật sư và tuân thủ quy định của pháp luật.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo tại cơ quan công an gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, người dân nên đọc, tìm hiểu về những khuyến cáo của cơ quan công an và các tin, bài phản ánh của các cơ quan thông tấn, báo chí về thủ đoạn loại tội phạm này để không sập bẫy lừa đảo.

Từ khóa: Giả danh luật sư, lừa đảo,luật sư giả,mạo danh luật sư để lừa đảo,lập các tài khoản mạng xã hội giả danh luật sư,hỗ trợ nạn nhân thu hồi tiền lừa đảo,hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: việt anh/vov2

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập