Gen Z và áp lực đồng trang lứa
Cập nhật: 12/01/2022
Bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 56kg pháo qua biên giới
Khởi tố, bắt tạm giam 2 phóng viên ở Gia Lai liên quan vụ "Cây chổi vàng"
[VOV2] - Áp lực đồng trang lứa (Peer pressure) càng trở nên khủng khiếp hơn trong thế giới số khi mà mạng xã hội phát triển như vũ bão. Áp lực đồng trang lứa có thể là động lực hoặc là “con sóng” nhấn chìm người trẻ khi chạy theo những hình mẫu mơ hồ...
Dấu hiệu bị áp lực đồng trang lứa
"Sao người ta giỏi thế nhờ! 20 tuổi đã có trong tay tất cả, mua được nhà, được xe, trở thành người nổi tiếng, lại còn xinh đẹp nữa... Còn mình mặt thì mụn, đầu tóc thì bù xù, chỉ biết ăn bám bố mẹ, không phải thi lại đã là may mắn lắm rồi".
Chắc hẳn không ít bạn đã từng thấy mình kém cỏi trong một thế hệ toàn những cá nhân giỏi giang, nổi trội. Áp lực đồng trang lứa đang đè nặng lên tâm lý của giới trẻ hiện đại.
Là sinh viên của một trường ĐH Kinh tế tốp đầu, nơi mà tuyển sinh đầu vào không phải là thủ khoa, học sinh giỏi quốc gia, huy chương quốc tế thì cũng là quán quân “Đường lên đỉnh Olympia”, bỏ túi hàng chục giải thưởng lớn nhỏ, nếu không có IELTS cao ngất ngưởng thì cũng là trai xinh, gái đẹp cỡ người mẫu, hoa hậu nên đôi lúc Nguyễn Trọng Minh Quân vẫn tự so sánh mình với các bạn xung quanh.
“Gen Z được tạo nhiều điều kiện phát huy khả năng của mình nhưng nhiều bạn phát triển nhanh hơn mình. Trong khi em chỉ đến trường đi học, về nhà làm bài, và chạy đua với các kỳ thi thì có những bạn vừa đi học đi làm, vừa tự mở công ty, tự kinh doanh, kiếm được tiền khủng. Em không thể không cảm thấy bị áp lực”, Quân chia sẻ.
Áp lực đồng trang lứa cũng là tâm lý của Tiktoker Trần Tuấn Đạt. “Lúc mới ra trường mấy bạn xung quanh học chung đại học, chơi chung nhóm, lương gấp 3, 4 lần mình. Có những bạn đi làm 1-2 năm là leader, mình ở trường đi làm đi dạy không thấy sự thăng tiến, đôi lúc cũng thấy hơi tủi thân”.
Cảm giác kém cỏi, tự ti thậm chí gen tỵ với cả những “con nhà người ta” càng được nhân lên khi lướt mạng xã hội. Dù tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành tiếng Pháp Trường ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Quốc Gia Hà Nội nhưng Trần Hồng Ngát thỉnh hoảng vẫn có đôi chút gato khi thấy những bạn trẻ thành công, giàu có trên Tiktok. “Gặp lúc áp lực công việc, nhìn thấy những hình ảnh đó khiến mình cảm thấy cực kỳ stress luôn".
Trần Tuấn Đạt cho rằng, trong thế giới số, mạng xã hội và truyền thông vô tình trở thành con dao 2 lưỡi khiến áp lực đồng trang lứa trở nên nặng nề hơn.
“Qua báo đài, qua các phương tiện truyền thông mọi người đọc bài báo cô gái lương tháng 10 triệu vẫn có thể mua căn chung cư mấy tỷ sau 1-2 năm. Lúc đó mình cảm thấy nhột vì mình làm nhiều mà không có đồng dư nào cả”.
Theo thạc sỹ tâm lý Bình An, ngoài tự so sánh mình với người khác thì có 3 dấu hiệu dễ nhận ra của một người đang bị áp lực đồng trang lứa. Thứ nhất, hay nói về người khác, kể chi tiết về những điều người ta có mà bản thân họ cũng khao khát có như kết hôn, có nhà, có xe, có địa vị, trở nên nổi tiếng...
Thứ 2 “gồng” hơn so với bình thường, chẳng hạn cố gắng mặc những bộ đồ phong cách khác bình thường, dùng app chỉnh ảnh cho mình đẹp hơn...
Thứ 3 là thu mình lại, tự ti, gần như không nói về bản thân như lương bao nhiêu, làm ở đâu, trạng thái tình cảm thế nào, tài chính ra sao?
Áp lực đồng trang lứa có thể ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng tập trung phần lớn ở các bạn trẻ từ 20-25 tuổi. Đây là độ tuổi khao khát thành công trong công việc, các mối quan hệ, chẳng hạn mong muốn có người yêu phù hợp, người chồng tốt, đẹp trai, có điều kiện, khao khát có tài chính, có vị trí trong xã hội, khẳng định bản thân và được công nhận.
Thói quen so sánh và chất xúc tác từ mạng xã hội
Thạc sỹ tâm lý Bình An cho rằng, có nhiều yếu tố dẫn đến áp lực đồng trang lứa nhưng phần nhiều từ quá trình giáo dục gia đình và tác động của xã hội.
“Ngay từ khi bé, cha mẹ đã có xu hướng so sánh con mình với bạn bè xung quanh từ điểm số, cách cư xử cho đến ăn mặc và họ luôn có hình mẫu nào đó tồn tại. Con họ lớn lên luôn phải dòm ngó xem những người khác cùng độ tuổi sẽ ra sao. Còn bản thân lại không nhìn vào chính họ. Cộng dồn từ đó tạo ra xã hội có xu hướng so sánh, kỳ vọng, nhìn nhau, lựa nhau mà sống”, thạc sỹ Bình An phân tích.
Thời nay khi mà mạng xã hội phổ biến mọi nơi, mọi độ tuổi, trưng bày những hình ảnh lung linh, huyền ảo mà không có kiểm chứng càng khiến cho áp lực đồng trang lứa trở nên nặng nề.
“Có những người khoe sự thành công lên mạng xã hội bởi đó chính là cuộc sống của họ nhưng với những người chịu áp lực đồng trang lứa đó lại là cả ước mơ, khao khát thậm chí rất chật vật nhưng chưa thể có được. Hình ảnh đó sẽ xâm chiếm lên khiến họ soi chiếu bản thân mình, họ thấy hình ảnh đối lập rằng người kia rất giàu và thành công còn bản thân thì còn nghèo đói và thất bại”.
Lướt mạng xã hội khiến bạn lún sâu vào vòng xoáy tự so sánh bản thân mình với người khác, luôn nhìn người khác, nói về người khác mà bỏ qua chính mình. Bạn muốn thành công, tài giỏi, giàu có như người khác nhưng lại không tập trung khai thác tiềm năng của mình, không hành động để đạt được điều mà mình ao ước.
Mặt tích cực của áp lực này sẽ giống như những cú hích. “Nhìn bạn bè bằng tuổi mình đã có những thứ này rồi, tại sao mình chưa làm được như bạn, việc mình cần làm là như thế nào và từ đó bạn bắt tay vào hành động.
Tôi không nói rằng bạn sao chép người khác đi vì mỗi người là một cá thể riêng biệt, có nội hàm khác nhau nhưng rõ ràng chúng ta có sự đối chiếu như cột cao cột thấp để hành động và bắt đầu tốt hơn.
“Tuy nhiên, nếu không nhìn nhận áp lực đồng trang lứa ở góc độ tích cực sẽ sản sinh ra một thứ rất mâu thuẫn. Đó là mặc dù nhìn thấy hình ảnh cực kỳ đẹp, mình cũng muốn trở thành như vậy nhưng lại ghét hành trình hay nỗ lực của họ dẫn đến sự ghen tỵ. Lớn hơn sự gen tỵ còn là có những lý do ngụy biện và đổ lỗi, chẳng qua nhà nó giàu hơn, bố mẹ nó hạnh phúc hơn, chẳng qua nó có ông sếp tốt hơn còn mình thì đen đủi”, thạc sỹ tâm lý Bình An chia sẻ.
Chấp nhận là chìa khóa cởi bỏ áp lực đồng trang lứa?
Để vượt qua áp lực đồng trang lứa, chị Bình An cho rằng bạn trẻ cần trả lời được 3 câu hỏi:
Đầu tiên, bạn là ai và bạn muốn sống cuộc đời như thế nào? Bạn đã nhìn xung quanh quá nhiều, đã đến lúc phải nhìn vào chính bạn, cho dù hiện tại bạn như thế nào hãy chấp nhận và đối diện với nó.
Khi lướt mạng xã hội, bạn có cảm thấy mình tốt hơn? Lời khuyên với các bạn là hãy tập trung vào bản thân mình, hãy phát huy điểm mạnh và cải thiện điểm yếu mỗi ngày. Khi lướt mạng xã hội, hãy chú ý thông tin não bạn tiếp nhận, bạn học hỏi được gì từ những hình ảnh, câu chuyện họ kể? Nếu có hãy làm nhưng nếu ảnh hưởng và khiến bạn cảm thấy tiêu cực hãy dừng lại và tập trung vào việc của mình.
Bạn có cảm thấy mâu thuẫn không khi bạn là người thực hiện ước mơ nhưng luôn tự ti, trách móc và không tin chính mình? Nếu tiếp tục giữ áp lực đồng trang lứa, bạn sẽ mất nhiều thứ kể cả những thứ bạn đang có. Chẳng hạn, thấy lương 5 triệu quá thấp nhưng đó cũng là công sức, mồ hôi nước mắt của bạn, nếu coi thường nó thì thậm chí bạn còn thất nghiệp. Mọi sự thành công và hạnh phúc đều trải qua quá trình nỗ lực rèn luyện và tin tưởng chính mình. Hãy cho bản thân mình sự tin tưởng và tôn trọng tiến trình của mình.
Có những người năm 20 tuổi khởi nghiệp thành công nhưng cũng có những thương hiệu nổi tiếng như KFC khởi nghiệp khi 69 tuổi. Chúng ta có có thể thành công ở nhiều thời điểm trong cuộc đời. "Tất nhiên, tôi không khuyên bạn hãy chờ già cũng có thể thành công nhưng hãy cho phép bản thân có thêm thời gian để cố gắng, bạn sẽ làm được nếu tin vào chính mình, tập trung vào những thứ bạn muốn có, nhìn thứ người khác đang có với cảm xúc tích cực, ngưỡng mộ, yêu quý và khao khát trở thành như thế”, thạc sỹ tâm lý Bình An chia sẻ./.
Nghe chương trình tại đây:
Từ khóa: áp lực đồng trang lứa, Peer pressure, Gen Z, thạc sỹ tâm lý Bình An
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2