Gạo xuất khẩu rớt giá, vì sao người dân trong nước vẫn phải mua giá cao?
Cập nhật: 5 giờ trước
Campuchia ghi nhận mức lạm phát thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua
Thực hiện mục tiêu tăng trưởng 12,5%, Hải Phòng huy động tối đa các nguồn lực
VOV.VN - Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm từ 100 – 150 USD/tấn so với thời điểm Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo vào tháng 7/2023.
Theo thống kê, gạo 5% tấm của Việt Nam bán ở mức 380-390 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 369 USD/tấn; gạo 100% tấm có giá 310 USD/tấn (nhìn chung giảm từ 100 – 150 USD/tấn so với thời điểm Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo vào tháng 7/2023). Mặc dù giá gạo xuất khẩu giảm mạnh, nhưng giá gạo trong nước thời lại không có nhiều thay đổi.
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các địa phương: Sóc Trăng, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, lượng lúa gạo giao dịch ít, mua bán trực tiếp chậm, giá ổn định.
"Hiện giá gạo nàng Nhen cao nhất 28.000 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa 22.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 18.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái 21.000 đồng/kg ...", Hiệp hội Lương thực Việt Nam nêu dẫn chứng.
Tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội như: Chợ Đại Kim (Hoàng Mai); chợ Láng (Đống Đa); chợ Tứ Hiệp (Thanh Trì), gạo Bắc Hương và tám Hải Hậu giá 19.000 đồng/kg; tám Điện Biên, tám Thái đỏ cùng có giá 20.000 đồng/kg. Giá một số loại gạo như Séng Cù hạt tròn, ST hữu cơ lần lượt là 23.000 đồng/kg và 38.000 đồng/kg.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phân tích, giá gạo xuất khẩu giảm, nhưng giá gạo trong nước không có biến động là do mặt hàng này không được điều chỉnh giá.
“Xuất khẩu gạo vẫn có lãi nên giá gạo trong nước không được điều chỉnh giảm theo và cũng chưa cần điều chỉnh. Nếu điều chỉnh giá bán trong nước xuống thì người trồng lúa gạo sẽ không được khuyến khích. Chỉ khi nào giá gạo thế giới tiếp tục giảm, gây sức ép với giá gạo trong nước thì mới có thể được xem xét điều chỉnh giảm”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích: "Gạo xuất khẩu giảm nhưng giá gạo trong nước không giảm do khâu trung gian khống chế. Bên cạnh đó, thông thường phải 2-3 tháng giá gạo nội địa mới hạ theo đà của thị trường xuất khẩu".
Theo PGS Thịnh, lúa thu hoạch theo vụ nên khi vào vụ các doanh nghiệp phải đầu tư số tiền lớn mua hàng trăm, hàng nghìn tấn lúa về dự trữ cho đủ gạo bán trong nửa năm hoặc cho đến khi vào vụ thu hoạch vào tháng 4-5 tới. Vì thế doanh nghiệp có thể phải ứng trước tiền cho bà con từ khi lúa mới bắt đầu vào hạt.
“Gạo bán ở thời điểm hiện tại được xay xát từ lúa thu mua vào tháng 9-10 năm ngoái. Khi đó, giá lúa vẫn được thương lái thu mua ở mức cao nên giá bán gạo thành phẩm cũng được tính toán dựa trên giá nguyên liệu đầu vào. Hơn nữa, các chi phí liên quan như vận chuyển, lưu kho, nhân công, lãi suất ngân hàng đều tăng khiến giá gạo bán ra tại thị trường nội địa khó giảm”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.
Trước đó, trả lời PV Báo điện tử VTC News, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 9,18 triệu tấn, kim ngạch 5,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu gạo đạt tăng trưởng 12% về lượng và 23% về giá. Tuy nhiên, hiện nay, Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, lượng gạo Ấn Độ dồi dào tạo ra sức ép về giá.
"Giá gạo không thể nào tăng mãi được, khi đã lên đến đỉnh thì sẽ phải giảm. Sản lượng gạo trên thế giới dồi dào sẽ tác động đến giá gạo của thế giới, trong đó có cả các nước như Thái Lan, Pakistan chứ không riêng Việt Nam. Còn giá gạo trong nước cũng phụ thuộc vào thị trường và nhu cầu", ông Hải nói.
Từ khóa: gạo xuất khẩu, giá gạo, gạo xuất khẩu, giá gạo giảm, gạo trong nước, giá cao
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: phạm duy/vtc news
Nguồn tin: VOVVN