Gần 600 doanh nghiệp ngừng hoạt động: Quảng Nam lên phương án gỡ khó cho doanh nghiệp

Cập nhật: 13/03/2024

VOV.VN - Ngày 16/3 tới đây, tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2030. Tuy nhiên, sẽ không dễ dàng hiện thực hoá mục tiêu này khi tình hình kinh tế của tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Hai tháng đầu năm nay, gần 600 doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Nam phải tạm ngừng hoạt động, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới chỉ chỉ bằng khoảng 1/4 con số này. Ngay từ đầu năm tỉnh Quảng Nam đã tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại tỉnh Quảng Nam cho biết, họ chưa bao giờ rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chủ đầu tư các dự án bất động sản đang đối mặt với hàng loạt áp lực từ lãi vay, tiến độ giải phóng mặt bằng, nợ thuế, nợ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều doanh nghiệp phải giải thể, phá sản; một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Nhiều dự án bất động sản nằm “bất động” thời gian dài vì vướng giải phóng mặt bằng khi người dân không đồng thuận. Đơn giá bồi thường theo quy định hiện nay quá thấp, người dân vùng dự án không đồng ý phương án được duyệt, không nhận tiền bồi thường. Vướng giải phóng mặt bằng, nhiều dự án “đứng bánh”, trong khi đó việc quản lý hiện trạng tại các địa phương rất lỏng lẻo. Nhiều nơi, người dân vùng dự án xây dựng công trình, vật kiến trúc trái phép trong vùng dự án… khiến doanh nghiệp bất động sản đã khó càng thêm khó.

Một số doanh nghiệp bất động sản nêu thực trạng, chi phí giải phóng mặt bằng chủ đầu tư đã bỏ ra rất lớn bị giữ lại ở ngân sách trong một thời gian dài. Thời gian hoàn thiện 100% giải phóng mặt bằng để quyết toán cho toàn dự án mất nhiều thời gian, có dự án kéo dài hơn 10 năm, trong khi doanh nghiệp đang thiếu hụt nguồn lực tài chính.

Các doanh nghiệp bất động sản kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam cần sớm có giải pháp tháo gỡ hàng loạt khó khăn hiện nay. Doanh nghiệp cho rằng, lẽ ra thủ tục gia hạn tiến độ đối với dự án bất động sản đang vướng giải phóng mặt bằng, trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương thì không cần lấy ý kiến sở, ngành. Nhưng trên thực tế vẫn phải thực hiện thủ tục này, mất nhiều thời gian. 

Ông Lê Tự Tâm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, doanh nghiệp bất động sản đang gặp muôn vàn khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn. Các doanh nghiệp kiến nghị tỉnh Quảng Nam xem xét cơ chế cho chủ đầu tư các dự án bất động sản được phân kỳ đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt ban đầu. Các dự án đã giải phóng mặt bằng hơn 50%, hoàn thiện hệ thống hạ tầng và các thủ tục pháp lý thì tỉnh Quảng Nam tạo điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp doanh nghiệp có điều kiện ổn định tình hình tài chính để tiếp tục triển khai dự án.

Ông Lê Tự Tâm, Chủ tịch Hội doanh nghiệp thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam kiến nghị: “Để tỉnh có thể cho chủ trương phân kỳ đầu tư thì doanh nghiệp đảm bảo hoàn thiện tất cả nghĩa vụ tài chính. Chúng tôi mong muốn tỉnh Quảng Nam xem xét vận dụng cơ chế này để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn hiện nay. Có doanh nghiệp vay hàng trăm tỷ đồng từ ngân hàng để nộp ngân sách nhà nước nhưng hiện nay dự án chưa gia hạn được thì dẫn đến ngân hàng không cho chủ dự án vay, họ còn phải chịu áp lực lãi vay trước đó nữa”.  

Nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng tại tỉnh Quảng Nam cũng đang gặp khó khi giá vật tư, vật liệu đến chân công trình quá cao do chi phí vận chuyển cao hơn nhiều so với định mức. Hơn 1 năm qua, giá vật liệu xây dựng tăng cao so với dự toán ban đầu. Giá cát, giá đất đắp nền tăng cao khiến doanh nghiệp càng làm càng lỗ.

Ông Phan Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Quảng Nam cho biết, trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Nam có cơ chế giảm 30% tiền thuê đất đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, đến năm 2023 thì tiền thuê đất lại tăng gấp đôi so với năm 2022 trong khi giai đoạn này doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn.

“Tính thuế tài nguyên của tỉnh Quảng Nam là 170.000 đồng/ m3 đất nguyên liệu. Đây mà mức giá đã được tỉnh Quảng Nam điều chỉnh cách đây 7 năm (năm 2017) nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với một số tỉnh thành khác như tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum… vẫn áp dụng mức 70.000 đồng/m3 đất nguyên liệu đến 110.000 đồng/m3 đất nguyên liệu”.Ông Phan Ngọc Minh nói.

Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, 2 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh Quảng Nam chỉ có 143 doanh nghiệp thành lập mới, trong khi đó có đến 595 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Con số này cũng phản ánh những khó khăn mà các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Nam đang đối mặt. Làm sao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở thời điểm này?

Từ đầu năm đến nay, Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Nam đã tổ chức nhiều đoàn công tác trực tiếp đến hiện trường các dự án, gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Nam khẳng định, doanh nghiệp giữ vai trò “xương sống” trong nền kinh tế của tỉnh, nếu những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt không được tháo gỡ kịp thời thì kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

"Chúng ta phải có trách nhiệm cùng tháo gỡ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó cần quan tâm đối với doanh nghiệp bất động sản. Với trách nhiệm của tỉnh đây là vấn đề lớn nên cần có sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyền. Như việc gia hạn các dự án thì phải thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh. Phải làm sớm những vấn đề này vì doanh nghiệp đang khó khăn không chờ đợi được". Ông Lê Văn Dũng yêu cầu./.

Từ khóa: doanh nghiệp, Quảng Nam, Doanh nghiệp khó khăn,doanh nghiệp ở quảng nam, quảng nam gỡ khó cho doanh nghiệp

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: long phi/ vov miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan