Gần 40 năm miệt mài giữ nghề làm khuôn bánh Trung thu truyền thống
Cập nhật: 25/09/2020
VOV.VN - Dù khuôn nhựa giá rẻ ồ ạt "ra đời", lan tràn khắp thị trường nhưng gia đình ông Trần Văn Bản vẫn miệt mài theo nghề làm khuôn gỗ truyền thống.
Khi khuôn nhựa "ra đời", khuôn bánh Trung thu bằng gỗ đang dần bị mai một rồi lãng quên. Trong khi người dân làng nghề điêu khắc mộc Thượng Cung (xã Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội) lần lượt chuyển sang làm đồ thờ cúng để duy trì cuộc sống thì ông Trần Văn Bản vẫn kiên định đến cùng sau 40 năm theo nghề.
Cho nên, cứ trước rằm tháng 8 âm lịch khoảng chừng 1 tháng, gia đình ông Trần Văn Bản lại tất bật bắt tay vào làm công việc đục khuôn bánh quen thuộc của mình.
Được biết, nguyên liệu làm khuôn bánh Trung thu chủ yếu từ các cây đổ hoặc chặt hạ trong những dự án giao thông, chủ yếu là gỗ xà cừ... khuôn sẽ dẻo bền và ít cong vênh sau thời gian sử dụng.
Ông Trần Văn Bản cho biết, để làm một chiếc khuôn bánh Trung thu theo phương pháp truyền thống phải qua rất nhiều công đoạn.
Gỗ phải được làm sạch vỏ, bào nhẵn mặt, pha gỗ thành hình khuôn theo kích thước và mẫu mã khách hàng yêu cầu.
Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ tới từng chi tiết, chỉ cần một nhát đục sai sẽ chiếc khuôn có thể bị hỏng, phải bỏ đi rồi làm lại cái khác.
Mỗi nét đục lại được sử dụng bằng những công cụ khác nhau do chủ nhân đặt riêng.
Nếu như trước đây, việc làm khuôn bánh Trung thu làm thủ công hoàn toàn thì hiện nay, công cụ, máy móc được đưa vào sử dụng, giúp giảm bớt thời gian chế tạo cho người làm nghề.
Ông Trần Văn Bản cho biết, tùy kích thước và mức độ tinh xảo, chi tiết, một chiếc khuôn có giá thành dao động từ 200.000 đồng đến cả triệu đồng.
Theo ông Bản, những năm gần đây, lượng khuôn nhà ông bán được không còn nhiều như trước do khuôn bánh bằng nhựa giá thành rẻ của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường. Nhưng ông Bản khẳng định, dù thị trường có sản xuất bao nhiêu mẫu khuôn bánh bằng nhựa, cũng không thay thế được khuôn gỗ truyền thống.
Lợi thế của khuôn gỗ truyền thống là không độc hại, chắc chắn, nét góc, càng ngâm càng đen, dùng trăm năm cũng không sợ hỏng.
Ông Trần Văn Bản khẳng định, tương lai không biết thế nào nhưng ông vẫn cố gắng giữ nét truyền thống này đến thời điểm lâu nhất có thể./.
Từ khóa:
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN