Gần 100% doanh nghiệp du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đóng cửa

Cập nhật: 20/06/2021

VOV.VN - Hiện nay chỉ còn vài doanh nghiệp du lịch ở Bà Rịa - Vũng Tàu trả lương 8 ngày công/tháng, còn lại đều cho người lao động nghỉ không lương.

Ngày 20/6, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, 3 lần dịch bùng phát trước, một số resort, khách sạn sát biển, khuôn viên biệt lập xa dân cư trên địa bàn vẫn đón khách từ TP.HCM về nghỉ dưỡng tránh dịch. Thế nhưng, đợt bùng phát dịch từ cuối tháng 4 đến nay diễn biến phức tạp và lan rộng khiến hệ thống các cơ sở lưu trú, lữ hành, nhà hàng thiệt hại nặng nề chưa từng có. 

Đến thời điểm này, trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ còn vài khách sạn có khách chuyên gia nước ngoài lưu trú dài hạn, hoặc phân khúc 4-5 sao mở cửa để duy trì chất lượng hạng sao, còn lại hầu như 100% cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành đã đóng cửa.

Ngành du lịch gần như tê liệt, doanh nghiệp điêu đứng không có doanh thu… nhưng vẫn phải chịu áp lực lớn với hàng loạt chi phí trả lương cho lao động, duy tu bảo dưỡng, lãi ngân hàng, tiền thuê đất, thuê mặt bằng, hoàn tiền cho khách hàng với các chi phí đã đặt trước… 

Khảo sát của Hiệp hội du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong tháng 5/2021 dù không có doanh thu nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn ráng cầm cự giữ nguyên số lao động, duy trì mức lương cam kết. Song sang tháng 6, tất cả đã hầu như không cầm cự được. Hiện nay, khối doanh nghiệp hội viên chỉ còn vài doanh nghiệp trả lương 8 ngày công/tháng, còn lại đều cho người lao động nghỉ không lương.

Nhằm giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do dịch Covid-19, Hiệp hội du lịch  kiến nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sớm cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay có thời hạn, với lãi suất ưu đãi hoặc không lãi, giãn nộp bảo hiểm cho người lao động để doanh nghiệp tập trung tài chính làm mới dịch vụ, khôi phục kinh doanh sau dịch bệnh.

“Các khách sạn từ 4-5 sao chi phí cho bảo hiểm là áp lực lớn khủng khiếp. Có thể cho các doanh nghiệp giãn nộp bảo hiểm, hoặc nộp chậm vào cuối năm 2021 thì đỡ cho doanh nghiệp trong thời điểm này. Nếu giảm được gánh nặng đóng bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ có được nội lực để duy trì hoạt động, có thể tái khởi động lại sao thời điểm hết dịch”, ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh BRVT kiến nghị./.

Từ khóa: ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch, đóng cửa, cầm cự, chi phí doanh nghiệp, bảo hiểm, vay vốn

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập