Găm hàng, bán xăng "nhỏ giọt" là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Cập nhật: 28/05/2020

VOV.VN - Hiện chưa có văn bản quy định khi nào hạn chế bán xăng dầu, hay bán xăng dầu theo định lượng của cửa hàng xăng dầu.

Khi dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng giảm, nhu cầu sử dụng xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng tại thị trường nội địa tăng mạnh. Trong bối cảnh này, những ngày qua một số cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng… đã treo biển “Hết xăng”; “Nghỉ bán”; “Mất điện” hoặc bán xăng dầu với số lượng hạn chế khiến người tiêu dùng hoang mang.

Cửa hàng xăng dầu nghỉ bán với nhiều lý do

Tại Hà Nội, ngày 27/5 nhiều khách hàng cho biết, tại một số cửa hàng xăng dầu khu vực quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng xảy ra tình trạng cửa hàng hạn chế bán theo số lượng xăng dầu khách hàng yêu cầu; có cửa hàng chỉ bán cho mỗi người mua 30.000 đồng dù có đề nghị được mua nhiều hơn.

Ông Trần Minh, nhà ở phố Hoa Bằng, Yên Hòa, Cầu Giấy cho biết, ngày 27/5, khi đến cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Xăng dầu Housinco trên đường Dương Đình Nghệ yêu cầu đổ đầy bình xăng, nhưng nhân viên bán xăng cho biết chỉ được mua tối đa 30.000 đồng. Lý do được nhân viên cửa hàng đưa ra là lượng xăng, dầu nhập về cửa hàng gặp khó khăn nên lượng xăng, dầu bán ra bị hạn chế.

gam hang, ban xang "nho giot" la hanh vi co dau hieu vi pham phap luat hinh 1
Cửa hàng xăng dầu số 4 Nguyễn Đình Chiểu dựng biển "Mất điện" ngừng bán xăng dầu ngày 27/5.

Trong ngày 27/5, tại cửa hàng xăng dầu số 4 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng thuộc Công ty CP Xăng dầu HFC được rào kín lối ra - vào. Cửa hàng trưng biển “Mất điện” không hoạt động. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, dù thời gian này tại khu vực phố Nguyễn Đình Chiểu có hoạt động sửa chữa, cải tạo vỉa hè nhưng các hộ gia đình ở đây cho biết, cả tháng nay khu vực này chưa có ngày nào bị cắt điện!?

Không chỉ ở Hà Nội, theo báo cáo của cơ quan quản lý thị trường tại các địa phương, những ngày qua đều có hiện tượng cửa hàng không bán xăng, dầu, hoặc bán xăng dầu với số lượng “nhỏ giọt”. Qua kiểm tra, phần lớn các cửa hàng đều lấy lý do chưa nhập được hàng, cửa hàng bị mất điện, hỏng cây bơm xăng hoặc cá biệt có thương nhân lấy lý do “gia đình có đám giỗ nên nghỉ bán hàng”.

Nhìn nhận về hiện tượng này, một số chuyên gia đánh giá, ngoài việc các cây xăng, đại lý khó mua được xăng dầu để bán, song cũng không loại trừ khả năng khi giá xăng có chiều hướng tăng trở lại, các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ “giở bài” bắt đáy đầu cơ. Khi đó, nhiều DN đầu mối muốn mua xăng, dầu của nhà máy lọc dầu, nhưng nhà máy chỉ bán ra theo đúng kế hoạch nên chỉ mua được lượng hàng hạn chế, cộng thêm việc găm hàng chờ giá lên nên xăng dầu lại càng khan hiếm.

Trên phương diện pháp lý, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, khi giá xăng dầu có xu hướng tăng trở lại, nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu bắt đầu có động thái, hành vi găm hàng, hạn chế bán xăng dầu để đợi giá cao trục lợi.

Việc các cây xăng, cửa hàng hạn chế bán xăng dầu cho người tiêu dùng là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bởi xăng dầu là mặt hàng vô cùng cần thiết trong cuộc sống, hiện chưa có văn bản nào quy định trong trường hợp nào thì được hạn chế bán xăng dầu, hay bán xăng dầu theo định lượng của cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

“Các cơ quan chức năng đã thông tin rất rõ ràng việc đảm bảo nhu cầu xăng dầu cho người dân, vì thế nếu cửa hàng, đại lý đưa lý do không có nguồn nhập hay nguồn nhập không đảm bảo lượng tiêu thụ của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu là không đủ thuyết phục, không đủ căn cứ để hạn chế lượng xăng dầu bán ra. Đối với các hành vi này cần phải tiến hành kiểm tra, nếu vi phạm cần xử lý nghiêm khắc bởi hành vi này có dấu hiệu của việc đầu cơ, găm hàng trục lợi gây mất lòng tin trong nhân dân”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết.

Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, Luật sư Hoàng Tùng cho biết, đối với hành vi găm hàng (Cắt giảm địa điểm bán hàng; Cắt giảm phương thức bán hàng;…) sẽ bị xử phạt vi hành chánh tại Điều 47 Nghị định 185/2013: “Tùy vào những hành vi cụ thể sẽ có mức phạt tiền cụ thể và cao nhất là đến 30 triệu đồng. Kèm theo đó là hình thức xử phạt như: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; ước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 3 - 6 tháng đối với hành vi vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm”.

gam hang, ban xang "nho giot" la hanh vi co dau hieu vi pham phap luat hinh 2
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa,
Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Xử lý nghiêm DN, cửa hàng vi phạm

Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngày 27/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Vụ Thị trường trong nước tiếp tục chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tìm kiếm, có phương án bảo đảm nguồn hàng từ nguồn trong nước và nhập khẩu; tuân thủ nghiêm quy định về dự trữ lưu thông theo tinh thần của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP để bảo đảm nguồn cung xăng dầu đầy đủ và kịp thời, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh.

Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường rà soát việc thực hiện các điều kiện về kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trong việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.

“Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu trên cả nước (kiểm soát chặt chẽ chất lượng, số lượng, giá bán xăng dầu kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu); thực hiện các hoạt động kiểm tra chấp hành pháp luật tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu (các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng xăng dầu trong hệ thống phân phối); xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, các hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng và buôn lậu xăng dầu”, Bộ trưởng nêu rõ.

Riêng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu cần rà soát các thị trường nhập khẩu xăng dầu, để có biện pháp hỗ trợ các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp cận nguồn hàng xăng dầu chất lượng tốt, giá hợp lý, bảo đảm thực hiện kế hoạch cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ đạo các nhà máy lọc dầu trong nước đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định, cung ứng đủ số lượng, chủng loại xăng dầu theo kế hoạch sản xuất đã được phê duyệt; Bộ trưởng yêu cầu các nhà máy sản xuất xăng dầu sớm hoàn thành việc bảo dưỡng để vận hành trở lại và cung cấp đủ lượng hàng theo tiến độ đã ký kết với các DN kinh doanh xăng dầu trong nước, đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đáp ứng đầy đủ thường xuyên liên tục nhu cầu của người dân./.

gam hang, ban xang "nho giot" la hanh vi co dau hieu vi pham phap luat hinh 3
Cửa hàng xăng dầu 95 Vũ Ngọc Phan, Đống Đa, Hà Nội không bán xăng RON95 cho khách hàng dù trong bồn còn khoảng 20.000 lít. Ảnh: Moit.

Đêm 27/5, lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra lập biên bản Cửa hàng xăng dầu số II (thuộc Hợp tác xã Thương mại Láng Hạ) tại địa chỉ 95 Vũ Ngọc Phan, Đống Đa, Hà Nội có hành vi từ chối bán xăng cho người dân với lý do hết xăng.
Lực lượng Quản lý thị trường quận Đống Đa đã yêu cầu cửa hàng trưởng mở bồn chứa xăng A95 để lực lượng chức năng kiểm tra. Tuy nhiên, cửa hàng trưởng đã từ chối lực lượng QLTT với lý do“Nếu muốn mở bồn chứa xăng dầu để kiểm tra phải được sự đồng ý của lãnh đạo cửa hàng”.
Trước phản ứng của cửa hàng trưởng tại đây, lực lượng QLTT Đống Đa đã mời lực lượng Công an tham gia hỗ trợ. Khi lực lượng Công an có mặt thì phía cửa hàng mới chịu hợp tác mở bồn chứa xăng A95 để lực lượng QLTT kiểm tra.

Nhân viên cửa hàng cùng lực lượng QLTT cắm thước đo đã xác định lượng xăng A95 trong bồn là 2,57m (khoảng 20.000 lít xăng A95) chứ không như thông báo của cửa hàng trưởng là loại xăng này đã hết. Hiện, lực lượng quản lý thị trường đang tiếp tục làm việc với chủ cửa hàng để xử lý.

Từ khóa: xăng dầu, nghỉ bán xăng dầu, cửa hàng xăng dầu, nguồn cung xăng dầu

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập