Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của nữ thi sĩ nổi tiếng Gabriela Mistral (1889 -2019), Triển lãm ảnh "Gabriela Mistral sau 70 năm giành giải thưởng Nobel Văn học, người con của dân tộc mới" đã khai mạc vào chiều 24/9 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hà Nội. Triển lãm do Đại sứ quán nước Cộng hoà Chile và Thư viện Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức.
Triển lãm giới thiệu tới công chúng những bức ảnh quý được tập hợp trong Thư viện Quốc gia Chile, trong hồ sơ lưu trữ lịch sử của Bộ Ngoại giao và trong bảo tàng Gabriela Mistral của Vicuña về cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ Gabriela Mistral, một phần của linh hồn thơ ca Chile. Bà cũng là nhà thơ Chile đầu tiên được nhận giải Nobel văn học năm 1945.
Phát biểu tại sự kiện, Ngài Jaime Chomali, Đại sứ nước Cộng hoà Chile tại Việt Nam cho biết: "Năm nay đánh dấu 130 năm kể từ khi Gabriela Mistral ra đời. Tại Chile và nhiều nơi trên thế giới tổ chức các hoạt động kỷ niệm người phụ nữ Latin đầu tiên được nhận giải thưởng Nobel Văn học vào năm 1945. Ngoài các tác phẩm văn học từng đoạt giải thưởng, Gabriela Mistral còn nổi bật với tư cách là một nhà giáo dục và nhà ngoại giao; bà từng là Lãnh sự Chile ở nhiều thành phố trên thế giới".
Ngài Đại sứ cũng nhấn mạnh: "Triển lãm này là một phần trong mong muốn của chúng tôi để công chúng Việt Nam hiểu hơn công việc sáng tác văn học ở Chile, đồng thời thúc đẩy sự gắn kết, gần gũi giữa nhân dân hai nước".
Gabriela Mistral (tên thật là Lucila Godoy Alcayaga) sinh ngày 7/4/1889 tại Vicuna, trong một gia đình giáo viên. Bà trở thành giáo viên ở tuổi 16 và sau đó là giáo sư đại học của nhiều trường.
Bà từng là hiệu trưởng trường trung học và đã có ảnh hưởng rất quan trọng đối với hệ thống giáo dục không chỉ ở Chile mà cả ở Mexico nữa.
Sau khi trở thành một giáo viên, bà đã cố gắng lên tiếng bảo vệ, đấu tranh cho quyền lợi của những người phụ nữ Chile. Bà đã xuất bản các bài báo gây tranh cãi trên các tờ báo và tạp chí. Năm 1914, với những bài Sonnet cái chết, Mistral đã giành được giải nhất cuộc thi văn học ở Santiago. Thời điểm này có thể được coi như khởi đầu cho một dòng thơ hết sức đặc sắc và trữ tình của đất nước Chile.
Năm 1922, Mistral xuất bản tập thơ đầu tay "Nỗi tuyệt vọng", gây chấn động mạnh văn đàn châu Mỹ Latinh. Những tập thơ tiếp theo của Mistral như "Hủy diệt", "Máy ép"... cũng tập trung phản ánh những cảnh đời bất hạnh, những nỗi oan khiên, đau khổ của phụ nữ và trẻ em, lớp người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất ở Chile nói riêng cũng như trên thế giới nói chung.
Thơ Mistral đã thể hiện được tư tưởng và tình cảm của hàng triệu người không chỉ ở châu Mỹ Latin đang đấu tranh để giành lấy cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và cả trong văn xuôi, bà đã đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất đang định hình cảnh quan toàn cầu mà chúng ta biết ngày nay.
Năm 1945 bà được trao giải Nobel Văn học, trở thành người Mỹ Latin đầu tiên được vinh dự nhận giải này. Chân dung bà còn được Nhà nước Chile chọn in trên đồng tiền 5.000 peso.
Năm 1951, Mistral cũng đã được trao giải thưởng văn học quốc gia của Chile... Thơ của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, Pháp, Đức, Italia, Thụy Điển...
Không chỉ nổi tiếng trên thi đàn, Gabrieala Mistral còn là một trong những nhà ngoại giao lỗi lạc. Bà từng điều hành tòa lãnh sự Chile tại Naples, Madrid, Lisbon... và là thành viên của Ủy ban Văn hóa Liên minh các quốc gia. Năm 1955, bà được bổ nhiệm làm lãnh sự tại New York và năm sau bà đại diện cho đất nước mình trong Hội đồng Liên Hợp Quốc về địa vị pháp lý và xã hội của phụ nữ. Bà cũng cảnh báo về nhu cầu cấp thiết để cung cấp sự bảo vệ và giáo dục cho trẻ em, một lời kêu gọi đã được ghi nhận trong việc thành lập UNICEF sau đó.
Ngày 10/1/1957, Mistral đã qua đời tại Mỹ vì bệnh ung thư. Cho tới nay, bà vẫn được đánh giá cao như một nữ sĩ tiêu biểu của châu Mỹ Latin thế kỷ XX, người có ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều nhà thơ của vùng đất này./.
Từ khóa: Gabriela Mistral, nhà thơ Gabriela Mistral, 130 năm ngày sinh Gabriela Mistral, Đại sứ quán Chile, nhà thơ Chile