FED nới lỏng tiền tệ là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới?
Cập nhật: 18/03/2021
“Thả xúc xắc – Bắt triệu quà”: Ưu đãi trên VietinBank iPay “cán” mốc hàng chục triệu lượt chơi
Trái sầu riêng cận Tết giảm giá sâu, nhà vườn đón Tết kém vui
VOV.VN - FED đã chỉnh mức tăng trưởng đáng kể đối với nền kinh tế và đó là điều mà các nhà đầu tư đang mong đợi.
Ngày 17/3, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đã bỏ phiếu quyết định duy trì ổn định lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức gần 0%, đồng thời tiếp tục chương trình mua tài sản, trong đó FED sẽ mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng. Điều này được cho là động lực để giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi trở lại, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Trong cuộc họp kéo dài 2 ngày 16-17/3, hầu hết các quan chức của FED cho biết họ không muốn tăng lãi suất cho đến năm 2023. Chủ tịch FED Jerome Powell đã phát tín hiệu rằng, chưa đến lúc rút lại sự hỗ trợ dành cho nền kinh tế trong đại dịch Covid-19. Dù vậy, ông cũng bày tỏ kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ tiến dần tới trạng thái bình thường trong năm nay.
“Chúng tôi quyết định tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất gần 0% để đảm bảo chính sách tiền tệ có thể hỗ trợ mạnh mẽ sự phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, sự phục hồi này cũng phụ thuộc nhiều vào các biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của virus. Kiểm soát lạm phát dưới mức 2% là mục tiêu của FED. Trong vài tháng tới, lạm phát có thể tăng lên do những áp lực chi tiêu tăng lên khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Đặc biệt là khả năng tắc nghẽn nguồn cung làm hạn chế tốc độ sản xuất của nền kinh tế”, ông Jerome Powell cho biết.
Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Mỹ, tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể đạt 6,5% trong năm nay, mức tăng cao nhất kể từ năm 1984 đến nay. Tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm xuống còn 4.5% so với dự báo 5% hồi cuối năm ngoái.
Kinh tế Mỹ khởi động năm 2021 trong trạng thái tích cực, với doanh thu bán lẻ và sản lượng của các nhà máy đều tăng tốc. Tuy nhiên, thị trường việc làm có dấu hiệu yếu đi, với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần tăng và số việc làm trong khu vực phi nông nghiệp trong tháng 1 gần như không tăng.
Theo một số chuyên gia, tỷ lệ thất nghiệp giảm là do có nhiều người từ bỏ nỗ lực tìm việc làm. Hiện FED đang chi 120 tỷ USD mua tài sản mỗi tháng, trong đó có 80 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và 40 tỷ USD nợ đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp nhà. FED đã cam kết duy trì mức mua tài sản này "cho tới khi có bước tiến quan trọng tiếp theo" đi tới mục tiêu việc làm tối đa và lạm phát đạt 2%".
Ngay sau quyết định của FED, chỉ số chứng khoán phố Wall đã tăng vọt. Khép phiên giao dịch ngày 17/3, tại thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ), chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,3% lên 3.974,12 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,4% lên 13.525,20 điểm, chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tăng 0,6% lên 33.015,37 điểm.
“Thị trường chứng khoán đã có phản ứng nhanh chóng đối với quyết định của FED. FED đã chỉnh mức tăng trưởng đáng kể đối với nền kinh tế và đó là điều mà các nhà đầu tư đang mong đợi. GDP tăng trưởng 6.5% trong năm nay sẽ giúp phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng phục hồi nền kinh tế trong năm nay và tiếp theo”, chuyên gia tài chính Mỹ Liz Miller cho biết.
Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, ngược với mức tăng vọt của phố Wall, thị trường chứng khoán châu Âu chỉ tăng nhẹ hoặc ổn định ít tăng trường. Chỉ số FTSE tại thị trường London (Vương quốc Anh) lúc đóng cửa giảm 0,6%. Chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) tăng 0,3%, chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris (Pháp) đi ngang và chỉ số EURO STOXX 50 cũng ổn định ở mức 3.849,74 điểm. Các nhà đầu tư tại châu Âu cho biết, vẫn còn những lo ngại trong bối cảnh một số nước trong khối đã quyết định ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca./.
Từ khóa: nới lỏng tiền tệ, lãi suất cơ bản, cục dự trữ liên bang mỹ, tăng trưởng kinh tế
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN