Facebook - nguồn phát tán tin giả tồi tệ nhất

Cập nhật: 22/02/2021

VOV.VN - Được coi như nền tảng mạng xã hội lớn nhất của thế giới, Facebook cũng chính là nền tảng phát tán tin giả tồi tệ nhất của thế giới.

“Mảnh đất” màu mỡ cho tin giả

Theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Đại học Princeton (Mỹ) đăng trên tạp chí Nature mới đây về hành vi của con người (Human Behavior) sử dụng internet với khoảng 3.000 người Mỹ trong suốt cuộc bầu cử Tổng thống 2016.

Họ phát hiện hơn 15% thời gian Facebook dẫn tới các nguồn tin không đáng tin cậy, trong khi chỉ có 6% dẫn đến các nguồn tin chính thống. Tỉ lệ này của Google là 3,3% so với 6,2% và Twitter là 1% so với 1,5%.

Điều đáng chú ý theo các nhà nghiên cứu, đó là tỉ lệ tương tác với các website tin giả. Ước tính, thời gian đọc trung bình một tin giả là 64 giây, trong khi đọc tin thật là 42 giây. Chưa kể cùng với đó, tin giả có tốc độ lan truyền (được chia sẻ) trên mạng xã hội nhanh hơn rất nhiều so với tin thật.

Tỷ phú Bill Gates cũng từng đưa ra quan điểm tương tự khi cho rằng tin giả có xu hướng phát tán nhanh hơn tin thật trên các mạng xã hội. Tin thật lan truyền một cách chậm chạp so với thông tin xuyên tạc, tiêu cực, khiến cho những mạng xã hội như Facebook khó đạt được cân bằng.

Và cho tới thời điểm hiện tại, sau khi Facebook tuyên bố cấm người dùng Australia tiếp cận tin tức trên nền tảng của mình, tin giả vẫn tồn tại.

Người Australia vẫn nhìn thấy tin giả và giờ đây, chúng không còn phải “cạnh tranh” với tin thật nữa. Từ 18/2, họ không được xem, chia sẻ tin tức trong nước lẫn quốc tế. Người dùng nước ngoài không được chia sẻ hay xem tin tức từ Australia.

Ngay cả những “đối tác” xác minh sự thật cho Facebook hay kể cả các đơn vị không thuộc cơ quan báo chí hay kiểm soát tin tức theo điều luật nội dung mà chính phủ Australia chuẩn bị ban hành, cũng không thể đăng nội dung trên mạng xã hội này. Điều đó đồng nghĩa, người dùng không có bất kỳ cơ sở nào để chống lại tin giả mỗi khi họ nhìn thấy nó.

Theo Gizmodo, Facebook không cấm tất cả tin tức. Những hội nhóm “anti vaccine” lâu đời và lớn nhất Australia, những website tin giả thường đăng nội dung cực đoan, thuyết âm mưu…đều không bị ảnh hưởng.

Trong khi mạng xã hội này lựa chọn đối đầu với chính phủ Australia, tin giả tiếp tục sống tốt, thậm chí còn sống khỏe hơn do thiếu vắng nguồn tin chính thống. Đặc biệt, nó lại xảy ra trong thời kỳ dịch bệnh, khi Australia bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine Covid-19 và bước vào mùa cháy rừng. Đây không phải lúc để tin giả hoành hành.

Việt Nam cũng là một trong những “nạn nhân”

Tương tự như ở nhiều quốc gia, mạng xã hội Facebook tại Việt Nam cũng là một “mảnh đất màu mỡ” cho tin giả. Vấn nạn tin giả, tin bài phản cảm, nội dung thiếu văn hóa, bôi nhọ cá nhân, tổ chức...vi phạm nhân quyền trên mạng xã hội đã nhiều lần được nhắc đến cả trên Nghị trường Quốc hội.

Việt Nam cũng đã ban hành Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin nhằm kiểm soát tốt hơn các vấn nạn, song vẫn còn nhiều hạn chế, bởi lẽ các gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Google… muốn chứng tỏ sự độc quyền của mình. Bằng chứng cụ thể nhất là vụ việc “đối đầu” giữa Facebook với Australia đang diễn ra.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng thừa nhận trước nghị trường Quốc hội: “Thông tin xấu độc trên mạng xã hội là một câu chuyện mang tính toàn cầu, không phải riêng nước ta mà toàn thế giới phải đối diện. Tin giả, xấu độc, chủ yếu là trên nền tảng mạng xã hội nước ngoài, chủ yếu là Facebook và Google, còn mạng xã hội trong nước cơ bản quản lý được”.

Nhiều chuyên gia từng nhận định, Facebook chính là lý do khiến tin giả ở lại. Vấn đề chính là mô hình kinh doanh của Facebook. Mạng xã hội này nhanh chóng trở thành doanh nghiệp tỷ USD nhờ thu thập và sử dụng dữ liệu mà gần 3 tỷ người dùng trên hành tinh chia sẻ.

Facebook lấy thông tin từ những gì người dùng thích, bình luận, chia sẻ; những bài viết ẩn và xóa; những video người dùng xem; những quảng cáo đã bấm vào; những câu đố mà người dùng tham gia... Người dùng tưởng chừng đó là thông tin “vô thưởng, vô phạt” mà Facebook thu thập nhằm “phục vụ” tốt hơn cho trải nghiệm người dùng.

Thực tế, bê bối Cambridge Analytica chấn động năm 2014 cũng xuất phát từ những thứ tưởng như vô thưởng vô phạt ấy. Lãnh đạo Facebook biết về vụ rò rỉ dữ liệu khổng lồ nhưng lựa chọn giải quyết nội bộ mà không công khai cho tới khi mọi việc vỡ lở.

Trong lúc Facebook vẫn “giằng co” về trách nhiệm với tin giả, tin giả đã gây ra hậu quả trong đời thực. Tháng 8/2020, một báo cáo trên Tạp chí Y học nhiệt đới và Vệ sinh Mỹ chỉ ra gần 6.000 người đã nhập viện trong 3 tháng đầu năm 2020 chỉ vì một thông tin sai lầm về Covid-19 trên mạng. Ít nhất 800 người tử vong trên toàn cầu do làm theo tin đồn uống cồn để diệt Covid-19.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng khẳng định vào cuối tháng 1 vừa qua khi triển khai chương trình tiêm vaccine tại đây: “Tin giả và tin sai sự thật trên Facebook có thể gây nguy hiểm cho tính mạng”./.

Từ khóa: Facebook, tin giả, Australia, Facebook tuyên bố cấm người dùng Australia

Thể loại: Khoa học - Công nghệ

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập