EVFTA cần được sớm ký kết chính thức và đưa vào hiệu lực
Cập nhật: 25/09/2019
Petrovietnam quyết tâm hoàn thành Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 trước năm 2027
Điện Biên hướng tới mục tiêu trở thành "thủ phủ mắc ca" của cả nước
Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng EVFTA mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và Pháp.
Các chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo về quan hệ kinh tế Việt Nam – Pháp trong bối cảnh EVFTA chuẩn bị được ký kết đều nhất trí rằng EVFTA mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên, cần được sớm ký kết chính thức và có hiệu lực ngay đầu năm 2019.
Tại tòa thị chính quận 5, thủ đô Paris, Hội hữu nghị Pháp – Việt, Hội người Việt Nam tại Pháp và Hội Foyer Vietnam (Gia đình Việt Nam), với sự ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đã phối hợp tổ chức hội thảo về triển vọng quan hệ kinh tế Việt Nam – Pháp trong bối cảnh Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), trong đó Pháp là thành viên, dự kiến sớm được ký kết và đưa vào có hiệu lực đầu năm 2019 tới.
Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các chính trị gia, các học giả, chuyên gia kinh tế, giảng viên các trường đại học và các nhà nghiên cứu của cả Pháp và Việt Nam.
Hội thảo về quan hệ kinh tế Việt Nam – Pháp. |
Tại hội thảo, các chuyên gia đều nhất trí rằng, Việt Nam và Pháp vốn có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, đồng thời cả hai bên đang thể hiện mong muốn tăng cường hơn nữa các mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp này. Điều này thể hiện qua hàng loạt các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước trong thời gian qua và dự kiến trong năm 2019.
Riêng trong lĩnh vực thương mại, Pháp hiện là đối tác thương mại thứ 3 của Việt Nam trong EU và thứ 16 trên thế giới, gần 300 doanh nghiệp Pháp đang có mặt tại Việt Nam. Trong năm 2017, xuất khẩu của Pháp vào Việt Nam đã tăng 11,1% so với năm 2016, đạt mức 1,3 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam cũng tăng 11,8%, đạt 3,4 tỷ USD. Trong bối cảnh EVFTA chuẩn bị được ký kết và sớm có hiệu lực, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Pháp nói riêng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU, bà Laurence Daziano, chuyên gia kinh tế, giảng viên Viện Khoa học Chính trị Paris (Sciences-Po) cho rằng Việt Nam là nền kinh tế mới nổi quan trọng và là đối tác chiến lược của EU.
“Việt Nam là một đối tác chiến lược của EU, bởi vì EU đang tìm cách phát triển quan hệ thương mại với các quốc gia mới nổi, tức các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và Việt Nam hiện là một quốc gia mới nổi như vậy. Đầu tiên, đó là do quy mô dân số của Việt Nam. Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, thuộc loại dân số trẻ và được đào tạo tốt. Có nghĩa là Việt Nam đang có tiềm năng lớn và có thế mạnh về dân số. Tiếp theo là tăng trưởng kinh tế, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định về dài hạn, khoảng 5-6%/năm từ nay đến năm 2050.
Tầng lớp trung lưu trong xã hội Việt Nam cũng tăng nhanh, theo ước tính, đến năm 2020, khoảng 1/3 dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, tầng lớp này tiêu thụ cũng giúp cho kinh tế tăng trưởng và trở thành một thị trường hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, việc đô thị hóa ở Việt Nam cũng đang diễn ra mạnh mẽ, tỉ lệ đô thị hóa hiện khoảng 35% và tiếp tục tăng lên. Khi đô thị hóa tăng lên sẽ kéo theo vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng (đường bộ, đường biển, đường không, trong các lĩnh vực điện, nước…) cùng với sự tăng trưởng của đất nước.
EVFTA được kì vọng mang lại lợi ích to lớn cho cả Pháp và Việt Nam. |
Điều này đồng thời cũng cần có sự đầu tư, EU có các doanh nghiệp cần đầu tư và EU nhận thức được tại sao Việt Nam lại là một đối tác chiến lược đối với các doanh nghiệp của mình. Cuối cùng là sự ổn định chính trị. Chúng ta biết rằng, Việt Nam đã tăng nhiều bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu (Doing Business). Điều đó rất quan trọng, có nghĩa là đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam sẽ được bảo vệ, sở hữu trí tuệ cũng được bảo vệ.
Các doanh nghiệp châu Âu, không chỉ các tập đoàn lớn mà ngay cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể sẽ được thuyết phục để đầu tư vào Việt Nam. Những điều đó cho thấy Việt Nam đang là một nền kinh tế mới nổi quan trọng, một nền kinh tế hấp dẫn đối với doanh nghiệp của EU. Hiệp định thương mại EVFTA sẽ có lợi cho cả 2 bên. EU cần phải phê chuẩn nhanh nhất có thể hiệp định thương mại tự do này”.
Cùng quan điểm này, ông Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp, đồng thời là nghị sỹ trong Quốc hội Pháp cho rằng:
“Việt Nam và Pháp luôn có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác. Hai bên đã có nhiều trao đổi trong những năm gần đây nhằm cải thiện quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam. Nếu hiệp định thương mại này được Việt Nam và EU cũng như các quốc gia thành viên tuân thủ thì cần phải ký kết và ký kết nhanh nhất có thể”.
Trong khi đó, bà Catherine Deroche, Thượng nghĩ sỹ tỉnh Maine-et-Loire cho rằng: “Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là đối tác thương mại số 2 của EU (sau Singapore), EVFTA mang lại rất nhiều lợi ích cho cả hai bên, tạo ra các cơ hội mới giúp EU và Việt Nam thúc đẩy các thế mạnh của mình, gửi đi thông điệp mạnh mẽ về sự hợp tác song phương trong khu vực Đông Nam Á, một khu vực đang có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất và trong thời điểm các nước châu Á cũng đang tìm kiếm các đối tác mới”.
EVFTA hiện là tâm điểm trong quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam. Sau khi được đàm phán qua 14 vòng căng thẳng, EVFTA đã từng được ký kết chính thức tại Bruxelles (Bỉ) vào ngày 02/12/2015. Tuy nhiên, với nhiều biến động trong nội bộ EU, Hiệp định này sau đó đã phải đàm phán lại và tách thành hai hiệp định khác nhau, gồm Hiệp định thương mại Tự do (EVFTA) bao gồm toàn bộ nội dung về thương mại của hiệp định đã ký năm 2015 và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) - nội dung về đầu tư trong hiệp định năm 2015.
Ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã thống nhất đệ trình lên Hội đồng châu Âu hai hiệp định EVFTA và IPA nhằm có được sự chấp thuận để tiến tới ký kết chính thức vào cuối năm 2018. Sau khi được ký kết, EVFTA và IPA sẽ được Nghị viện châu Âu xem xét và phê chuẩn vào đầu năm 2019. Nếu được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, EVFTA và IPA sẽ chính thức có hiệu lực, mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cả hai bên, đồng thời có ý nghĩa to lớn đối với thương mại giữa châu Á và châu Âu./.
Từ khóa: EVFTA, chuyên gia kinh tế, quan hệ Việt Nam Pháp, kinh tế Việt Pháp, quan hệ hợp tác Việt Nam EU,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN