EU đứng trước khủng hoảng di cư mới khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới

Cập nhật: 06/03/2020

VOV.VN - EU đang đứng trước bờ vực một cuộc khủng hoảng di cư mới khi Thổ Nhĩ Kỳ thông báo mở cửa biên giới để hàng trăm nghìn người tị nạn tiến về châu Âu.

Phản ứng của châu Âu

Sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan tuyên bố mở cửa biên giới nước này, châu Âu đang thực sự đứng trước một đợt khủng hoảng mới về tị nạn. Lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng như lãnh đạo từng quốc gia châu Âu đã lập tức hành động. Đầu tuần này, Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU là ông Josep Borrell cùng Uỷ viên phụ trách xử lý khủng hoảng của khối này là ông Janez Lenarcic đã ngay lập tức đến Ankara để thảo luận với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ.

eu dung truoc khung hoang di cu moi khi tho nhi ky mo cua bien gioi hinh 1
Ảnh minh họa: Getty

Trong ngày 3/3, các lãnh đạo cao nhất của EU là Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli đã đến thăm Hy Lạp, Bulgaria và thị sát biên giới của các nước này với Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, các lãnh đạo EU đều đưa ra các tuyên bố khẳng định đoàn kết với Hy Lạp và sẽ đoàn kết đến cùng để xử lý cuộc khủng hoảng này, đồng thời cũng lên án Thổ Nhĩ Kỳ là đã sử dụng người tị nạn như món hàng trao đổi để gây sức ép với châu Âu.

Bên cạnh các động thái ngoại giao và tuyên bố chính trị thì EU cũng bắt đầu có hành động. Tại Hy Lạp thì bà Ursula von der Leyen thông báo là EU sẽ cung cấp một khoản hỗ trợ tài chính khẩn cấp trị giá 700 triệu euro cho Hy Lạp nhằm giúp nước này đối phó với khủng hoảng hiện nay. EU cũng sẽ tăng thêm nhân lực và trang bị tàu thuyền cho lực lượng bảo vệ biên giới của EU là Frontex nhằm tăng cường việc kiểm soát trên vùng biển Aegean giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Thổ Nhĩ Kỳ “cố tình” gây sức ép?

Mặc dù phía Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tình hình chiến sự tại Syria hiện nay và mở cửa biên giới là hai vấn đề tách biệt nhau, nhưng nhiều ý kiến cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang gây sức ép với châu Âu trong vấn đề Syria.

Thực tế thì đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng lá bài người tị nạn để gây sức ép với châu Âu. Thoả thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016 về việc quản lý và kiểm soát dòng người tị nạn đổ về châu Âu cũng đến từ chiến thuật này của Thổ Nhĩ Kỳ, khi đích thân Thủ tướng Đức Angela Merkel phải đến Ankara để đàm phán và đưa ra rất nhiều nhượng bộ để Thổ Nhĩ Kỳ ký thoả thuận. Vì vậy, rất ít người tin vào tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan rằng việc mở cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước không có liên quan đến tình hình ở Syria. Phải khẳng định rằng, đây là chiến thuật quen thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ đang có dấu hiệu bế tắc tại Syria. Quân đội Thổ vừa hứng chịu các thiệt hại nặng nề trong giao tranh với quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang trong tình thế bất lợi trên chiến trường này, khi một mặt vừa không có sự trợ giúp từ các đồng minh như Mỹ hay các nước châu Âu trong NATO, mặt khác lại không dám leo thang chiến tranh do lo ngại xung đột trực diện với Nga. Đó là lí do mà Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng lại con bài người tị nạn nhằm gây sức ép với châu Âu.

Mục đích chính quyền của ông Erdogan muốn là đạt được các ủng hộ về chính trị, kinh tế, quân sự từ châu Âu. Tất nhiên khả năng đạt được các mục tiêu là rất khó, thậm chí bất khả thi. Về chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ muốn châu Âu ủng hộ các chiến dịch quân sự của nước này ở miền Bắc Syria, ủng hộ giải pháp mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là thiết lập một vùng đệm nằm ở biên giới giữa nước này với Syria, hoặc có thể là giúp Thổ Nhĩ Kỳ gây sức ép với Nga nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Syria. Về quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ muốn các đồng minh châu Âu trong NATO trợ giúp họ trên chiến trường Syria.

Cuối cùng, về kinh tế, như chính Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tuyên bố là “châu Âu cần chia sẻ gánh nặng với Thổ Nhĩ Kỳ”, tức phải trợ giúp tài chính nhiều hơn để Thổ Nhĩ Kỳ xử lý hàng triệu người tị nạn đang dừng chân trên lãnh thổ nước này.

Chuyện Thổ Nhĩ Kỳ đòi EU chi nhiều tiền hơn là việc thường xuyên trong vài năm qua, do đó, trong bối cảnh hiện nay của cuộc chiến tại Syria, việc Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới để người tị nạn tràn về châu Âu có mục đích chính là gây sức ép để châu Âu ủng hộ, hoặc ít nhất là không phản đối cuộc chiến của họ tại miền Bắc Syria.

Châu Âu liệu có nhượng bộ?

Đối với EU, cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015 là một cơn ác mộng. Làn sóng tị nạn hàng triệu người đổ về châu Âu khi đó đã khiến các nước châu Âu chia rẽ sâu sắc, thổi bùng các xu hướng chính trị dân tuý và cực đoan ở các nước và thậm chí còn đe doạ đến sự tồn tại của khối này. Vì thế, bằng mọi giá EU không muốn lặp lại cuộc khủng hoảng đó.

Đó cũng chính là điểm yếu của EU mà Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rất rõ. EU nhiều khả năng phải nhượng bộ để Thổ Nhĩ Kỳ đóng lại biên giới. Tất nhiên, các nhượng bộ này sẽ phải tính toán kỹ. Dấu hiệu nhượng bộ đầu tiên là trong ngày 3/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố là sẽ ủng hộ việc thiết lập một khu vực an toàn ở miền Bắc Syria.

Quan điểm này thực tế đang tiến sát đến đòi hỏi lập một vùng đệm của Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó thì bà Merkel cũng đã điện đàm với Tổng thống Nga, Vladimir Putin để bàn về tình hình Syria. Bà Merkel cùng Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron còn đề nghị tổ chức cuộc gặp 4 bên với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng phía Nga từ chối.

Có thể thấy là về mặt chính trị, châu Âu bắt đầu phải nhập cuộc nhiều hơn vào vấn đề Syria, dù là theo cách không chủ động sau khi bị Mỹ-Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gạt ra bên lề. Tuy nhiên, châu Âu khó có thể tiến xa hơn các động thái chính trị-ngoại giao mang tính trung gian. Khả năng trợ giúp quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ là không tồn tại vì châu Âu vẫn phải đối Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào miền Bắc Syria. Một số nước, như Pháp, còn coi đây là hành động phải bị trừng phạt.

Một nhượng bộ khác mà châu Âu có thể phải làm, là về mặt tài chính. Theo thoả thuận năm 2016, EU phải cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 6 tỷ euro để xây dựng và quản lý các trại tị nạn cho 3-4 triệu người tị nạn từ khắp nơi đổ về Thổ Nhĩ Kỳ chờ cơ hội sang châu Âu. EU cho biết đến nay đã ký cam kết chi 4,7 tỷ euro và giải ngân được 3,2 tỷ euro.

Tuy nhiên, vấn đề là EU giải ngân số tiền này qua hàng trăm tổ chức dân sự, phi chính phủ hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ trong khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu phải cấp trực tiếp cho nước này. Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây sức ép buộc châu Âu chi thêm tiền hoặc thay đổi cách thức giải ngân.

Nếu đánh giá một cách khách quan, việc Thổ Nhĩ Kỳ đòi hỏi châu Âu chia sẻ gánh nặng tài chính là hoàn toàn hợp lý vì Thổ Nhĩ Kỳ không thể dùng nguồn lực của mình để làm lá chắn bảo vệ cho châu Âu trước hàng triệu người tị nạn. Đây là một cuộc trao đổi mà hai bên cùng có lợi.

Trong một số vấn đề khác, năm 2016 Thổ Nhĩ Kỳ từng yêu cầu EU miễn visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đa số các nước EU đều phản đối gay gắt. Nhiều khả năng EU sẽ không bao giờ nhượng bộ trước đòi hỏi này.

Hiện nay, cả hai bên đều đang đáp trả nhau một cách căng thẳng nhưng cuối cùng cũng sẽ phải tìm được giải pháp thoả hiệp, bởi việc ngăn làn sóng tị nạn là nhiệm vụ mang tính sống còn với EU và khối này sẽ làm mọi cách để không lặp lại cơn ác mộng năm 2015. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không có lợi ích gì nếu đẩy sự việc đi quá xa và ép châu Âu vào thế chân tường vì suy cho cùng, dòng người tị nạn hiện nay chỉ là con bài để chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đạt được các mục đích chính trị khác./.

Từ khóa: Thổ Nhĩ Kỳ, EU, khủng hoảng di cư, người tị nạn, Syria

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập