Ép người khác nhậu say sẽ bị xử phạt thế nào?
Cập nhật: 03/01/2023
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Với quan niệm: “chén rượu là đầu cuộc vui” nên rất nhiều hội bạn bè cứ gặp nhau là nhậu, rồi ép nhau nhậu thật say mà không lường hết được những hệ lụy phía sau những cuộc nhậu say như thế. Xử lý hành vi này như thế nào?
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với luật sư Đinh Thị Chúc - Công ty Luật ALadin về nội dung này:
PV: Thưa luật sư, Luật sư có thể cho thính giả được biết rõ hơn các hành vi nghiêm cấm khi sử dụng rượu bia? Và thế nào là hành vi ép buộc người khác uống rượu bia?
Luật sư Đinh Thị Chúc: Theo quy định tại Điều 5 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm có:
Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.
Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.
Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.
Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định
Hành vi ép người khác uống rượu bia có thể hiểu là cưỡng ép để buộc người khác miễn cưỡng uống rượu, bia.
Tuy nhiên để thống nhất cách hiểu và người dân dễ nắm bắt thực hiện thì cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để người dân dễ hiểu và áp dụng thực hiện, đồng thời có cơ sở xử lý các hành vi vi phamh dễ dàng hơn.
PV: Thưa luật sư: vậy hành vi ép người khác uống rượu bia có thể bị xử phạt như thế nào?
Luật sư Đinh Thị Chúc: Điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định hành vi ép buộc người khác uống rượu bia bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.
PV: Trước khi xử phạt được hành vi này thì cần phải có bằng chứng ra sao thì mới tố cáo được hành vi ép uống rượu bia thưa luật sư?
Luật sư Đinh Thị Chúc: Việc xử phạt phải được tiến hành công khai và khách quan. Do đó, người bị ép uống rượu phải thực hiện việc tố giác người vi phạm và chứng minh được bản thân bị cưỡng ép sử dụng rượu, bia bằng cách đưa ra hình ảnh, bằng ghi âm hay video ghi lại hành động, lời nói thể hiện bị người khác ép uống rượu, bia hoặc có người làm chứng về việc này. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền có cơ sở đánh giá và xử lý theo quy định.
PV: Vâng, nhiều người cho rằng trong những cuộc vui, chuyện "tố giác bạn nhậu" ép buộc mình uống rượu bia không khả thi? Luật sư nghĩ sao về ý kiến này và theo luật sư thì cần làm gì để chấm dứt tình trạng ép nhau uống rượu?
Luật sư Đinh Thị Chúc: Tôi nghĩ quan điểm như trên phản ánh khá đúng trên thực tế vì một phần bản thân người bị ép uống rượu bia không chủ động, quyết liệt ngăn chặn khi có hành vi ép buộc mình uống rượu bia, nhiều người vì nể bạn, hay sợ sếp mà vẫn uống rượu bia khi biết bản thân mình bị ép, họ cũng không báo cáo đến cơ quan chức năng nên cơ quan có thẩm quyền cũng không có cơ sở để xử lý.
Mặt khác, bản thân người ép buộc người khác uống rượu bia có thể cũng không biết hành vi của mình là vi phạm, họ cho rằng đã là cuộc vui anh em ngồi uống rượu bia với nhau thì đó là mời nhau uống rượu, hoặc bản thân họ hiểu, nhân thức rõ hành vi sai phạm của mình nhưng cố tình lờ đi và trong khi người bị ép uống rượu bia cũng không có phản ứng đủ quyết liệt trước hành vi sai phạm của họ.
Như vậy, để chấm dứt tình trạng ép buộc nhau uống rượu, theo tôi trước mắt bản thân người bị ép buộc uống rượu cần có thái độ rõ ràng, dứt khoát, chủ động báo cáo cơ quan chức năng để cơ quan chức năng có cơ sở xử lý, từ đó răn đe những người có ý định ép buộc người khác uống rượu. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể hơn nữa thế nào là ép buộc uống rượu để hiểu đúng, hiểu đủ, người dân dễ dàng thực hiện và cơ quan chức năng cũng dễ dàng xử lý khi có vi phạm.
Việc mời nhau rượu bia không xấu, xuất phát từ tình cảm giữa hai bên. Tuy nhiên cần phân biệt mời uống rượu bia và ép buộc nhau uống rượu bia để có hành xử phù hợp, thể hiện sự tôn trọng, lịch sự và văn minh.
PV: Xin cảm ơn Luật sư./.
Từ khóa: Ép người khác nhậu say xử phạt thế nào, Ép người khác nhậu say, ép người khác nhậu
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN