Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: Cần huy động nguồn lực trong nước, hạn chế vay ODA
Cập nhật: 20/11/2024
Tăng Phúc bắt tay Bùi Công Nam, mang câu chuyện “Tết này con lớn rồi” vào MV mới
Khan hiếm lao động chất lượng cao, Bình Dương tìm kiếm mọi giải pháp
VOV.VN - Từng được trải nghiệm đường sắt tốc độ cao ở Châu Âu với những lợi ích mang lại, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân bày tỏ "khao khát Việt Nam có đường sắt tốc độ cao". Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, đây là phương tiện giao thông tốc độ cao nên yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, không vì chi phí và nguồn thu mà bỏ qua kỹ thuật và an toàn.
Chiều nay (20/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM) đánh giá cao Chính phủ và các thành viên đã tham gia nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế, đầu tư trí tuệ, tổ chức nhiều hội thảo để kịp thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này. Đồng thời, đại biểu đồng tình với những nội dung cơ bản trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, đường sắt tốc độ cao đã được nhiều quốc gia phát triển đưa vào sử dụng vài chục năm trước đây, mang lại phương tiện giao thông hiện đại, thuận lợi cho người dân, cho người lao động và khách du lịch, nhà đầu tư quốc tế.
"Tôi may mắn trải nghiệm đường sắt tốc độ cao ở Châu Âu, nên tôi rất khao khát Việt Nam có được loại hình giao thông này", ông Ngân nói và cho biết, 15 năm trước chúng ta đã thảo luận về dự án này, nhưng lúc đó chưa đáp ứng được về nguồn lực.
"Tuy nhiên, hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện, kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công thấp… Khi đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động thì sẽ thu hút được khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài. Khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà đường sắt đi qua, đặc biệt là các tỉnh miền trung", ông Ngân nói.
Theo đại biểu Đoàn TP.HCM, đây là phương tiện giao thông tốc độ cao nên yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, không vì chi phí và nguồn thu mà bỏ qua kỹ thuật và an toàn.
Về nguồn vốn, ông ngân cho rằng, số vốn dành cho dự án lớn nên cần tập trung huy động ở trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế vay ODA.
"Cùng với đó là cần huy động doanh nghiệp trong nước có chuyên môn để xây dựng dự án. Cần xây dựng ngành công nghiệp, nhân lực phụ trợ đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị", đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.
Đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án, để giảm áp lực ngân sách nhà nước, cần quan tâm đến quan tâm đến nguồn thu từ việc đấu đấu giá đất ở gần nhà ga, vùng phụ cận...
"Hiện nay đất công còn lãng phí, nên tổ chức đấu giá sớm. Tiếp đến là vốn ở tại doanh nghiệp nhà nước lớn nhưng thiếu cơ chế đột phá. Các địa phương có đường sắt đi qua, trong tương lai địa phương này sẽ tự chủ được ngân sách, không cần thiết điều tiết từ Trung ương về", ông Ngân bày tỏ.
Đồng tình thực hiện chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng, nước ta có hình dạng kéo dài, lưu lượng hàng hoá lớn, nhu cầu kết nối các trung tâm kinh tế dọc hành lang kinh tế Bắc – Nam cao, nhiều khu vực vốn có tiềm năng phát triển nhưng chưa thực hiện được do “nút thắt của chi phí logistics cao.
Hơn nữa, quy mô kinh tế đang đà tăng nhanh, nhu cầu vận chuyển hàng hoá tăng lớn, chúng ta cần tăng lượng hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Trung Đông, Bắc Á,… để giảm bớt tập trung vào một số thị trường.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần phát triển đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao để kết nối liên vận với mạng lưới quốc tế cùng khu vực để giải quyết “nút thắt” về logistics.
Dù dự án là cần thiết và chúng ta đủ khả năng đầu tư nhưng đây là dự án lớn quan trọng, ảnh hưởng lớn, do đó, đại biểu lưu ý, cần đánh giá kỹ, với góc nhìn đa chiều để lựa chọn phương án tốt nhất.
Góp ý vào chủ trương, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phát triển dự án này để phục vụ nhu cầu lưỡng dụng cả hành khách và hàng hoá chứ không chỉ chủ yếu vận tải hành khách và vận tải hàng hoá khi cần thiết.
Lý do ông Cường đưa ra là vì dọc trục Bắc – Nam có mức độ tập trung dân số chỉ bằng 1/10 tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải (Trung Quốc) và 1/2 tuyến Đài Bắc – Cao Hùng (Đài Loan), do đó, nếu chỉ vận tải khách thì sẽ lãng phí 50% công suất, doanh thu vận tải hành khách không đủ để bù đắp chi phí vận hành, nguy cơ thu lỗ lớn như tuyến Đài Bắc – Cao Hùng.
Hơn nữa, nếu không phục vụ vào vận tải hàng hoá sẽ không giải quyết nút thắt logistics, không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hoá dọc trục Bắc - Nam, không liên vận với đường sắt quốc tế.
Việc cải tạo đường sắt hiện hữu theo ông Cường là không lớn so với công suất hiện tại vì các tuyến này vốn là đường đơn nên số lượng tàu tăng lên chỉ khoảng 1,5 lần và có hàng ngàn nút giao với khu dân sinh đồng nghĩa vận tốc không thể tăng nhanh so với hiện tại đang đảm nhận khoảng 1%.
Thêm vào đó, tuyến đường sắt hiện tại là đường đơn không liên thông với đường sắt vận tải quốc tế là 1m435 do vậy làm tăng chi phí, thời gian trung chuyển hàng hoá.
“Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam phải thiết kế, đầu tư để khai thác lưỡng dụng cả hành khách và hàng hóa (không phải chỉ chở hàng hóa trong trường hợp cần thiết), đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa dọc tuyến Bắc Nam, kết nối với hệ thống vận tải liên vận quốc tế, thu hút và phấn bố lại các hoạt động đầu tư đến các vùng miền có nhiều tiềm năng dọc tuyến đường sắt đi qua; để khai thác tối đa công suất, tăng nguồn thu, tránh thua lỗ phải lấy ngân sách bù lỗ hàng năm”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị.
Cũng theo đại biểu Cường thì việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để chúng ta làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.
Vị đại biểu Hà Nội cũng nêu bài học kinh nghiệm từ 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội (Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – Ga Hà Nội và tuyến Bến Thành – Suối Tiên (TP. HCM), do nhà thầu nước ngoài thi công trọn gói, khi điều kiện không đáp ứng là nhà thầu nước ngoài dừng dự án và yêu cầu xử phạt thời gian chờ đợi. Thêm vào đó, quá trình vận hành, sửa chữa thay thế, sẽ lệ thuộc mãi mãi vào nhà cung cấp nước ngoài.
Nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị thì không chỉ rủi ro về thời gian chưa biết khi nào hoàn thành, vốn có thể đội lên bao nhiêu chưa biết và nguy hại hơn sẽ lệ thuộc mãi mãi vào các nhà cung cấp nước ngoài.
"Bài học kinh nghiệm khi chúng ta triển khai thành công tuyến đường dây 500KV mạch 3 với thời gian hoàn thành thần tốc, là do chúng ta làm chủ về công nghệ, chúng ta là người trực tiếp thi công, nên có thể vượt nắng, thắng mưa, quyết tâm hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng", ông Cường nhìn nhận.
Hơn nữa, đại biểu Cường cho rằng, nếu kết hợp dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam với các dự án đường sắt đô thị Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, chúng ta sẽ có một thị phần đường sắt khoảng 150 tỷ USD, là thị trường đủ lớn để nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để doanh nghiệp trong nước tự sản xuất, tự xây dựng, chỉ nên mua trọn gói một số bộ phận thật đặc thù, đơn chiếc như: đầu máy, hệ thống điều khiển.
“Làm được như thế, chúng ta không chỉ có được tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam mà nước ta còn phát triển được ngành công nghiệp đường sắt của riêng mình. Do vậy, việc chọn nhà cung cấp không cần quan tâm là nước nào, mà cần quan tâm lựa chọn công nghệ nào để có nhiều nhà cung cấp cạnh tranh sẵn sàng chuyển giao công nghệ”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Từ khóa: Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, nguồn lực trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: cẩm tú/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN