“Đường bản đồ” giúp người dân hiểu rõ chủ quyền biển đảo Việt Nam
Cập nhật: 20/05/2020
Lượng hành khách tăng dịp Tết, tàu xe ở Đà Nẵng đáp ứng đủ
Ký kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nhà xuất bản của Việt Nam và Trung Quốc
VOV.VN - Hơn 1 năm nay, “Đường bản đồ” không chỉ tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho người dân, mà nơi đây mà còn là điểm đến thú vị cho khách du lịch.
In 40 bản đồ khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên chất liệu gốm để trưng bày; mở thư viện tư nhân với rất nhiều đầu sách hay về biển đảo… là những việc làm thiết thực của ông Mai Sông Bé, (nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai) hiện ở xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nhằm góp phần tuyên truyền biển đảo đến với thế hệ trẻ.
Mỗi ngày, nhiều đoàn khách đến tham quan “Đường bản đồ”. |
“Đường bản đồ”
“Đường bản đồ” là con đường chính vào xã Thạnh Hội, cái tên do người dân nơi đây đặt ra kể từ khi ông Mai Sông Bé đem 40 bức tranh bằng gốm in bản đồ biển đảo về đây trưng bày vào tháng 4/2019. Dọc bên phải của con đường, các bức tranh được sắp xếp một cách hợp lí. Mỗi bức tranh cách nhau khoảng 20m, uốn lượn theo con đường giống như hình cong chữ S của đất nước Việt Nam.
Ông Mai Sông Bé cho biết, đây là những bản đồ được trích ra từ quyển sách “Hoàng Sa - Trường Sa, Luận cứ và sự kiện” của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc. Ông khẳng định, ngoài đất liền, Việt Nam có diện tích biển khoảng 1 triệu km2, với trên 3.000 đảo lớn nhỏ theo Công ước Quốc tế. Mỗi người Việt Nam phải coi đó là bộ phận máu thịt để gìn giữ, đấu tranh, giành lại.
“Bản đồ bằng giấy không thể trưng bày ra ngoài mưa, gió, ngoài hiện trường nên tôi làm bằng gốm. Tôi mong muốn giáo dục truyền thống yêu biển đảo, yêu Tổ quốc cho thế hệ trẻ. Mong được nhiều mạnh thường quân giúp đỡ để tôi tiếp tục làm thêm nhiều bản đồ biển đảo, nhiều bản đồ khẳng định chủ quyền quốc gia”, ông Bé nói.
Hơn 1 năm nay, “Đường bản đồ” không chỉ tuyên truyền chủ quyền biển đảo cho người dân, mà nơi đây mà còn là điểm đến thú vị cho khách du lịch khi đến với vùng đất Cù Lao Rùa Thạnh Hội.
Anh Trần Công Danh, một khách du lịch cho biết, đến xem và được chủ nhân các bức tranh giới thiệu nên biết rõ hơn về chủ quyền biển đảo Việt Nam: “Tôi cực kỳ tâm đắc câu nói của chú, chúng ta phải truyền cảm hứng, thế hệ con cháu của chúng ta để thế hệ này hiểu giá trị tình yêu quê hương, đất nước. Để thế hệ trẻ hiểu thì ngay từ bây giờ việc chung tay cùng với chú làm điều ý nghĩa là hết sức quan trọng”.
Ngoài 40 bức tranh được trưng bày tại xã Thạnh Hội, ông Mai Sông Bé còn thực hiện thêm 2 bộ tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên gốm tặng cho đảo Trường Sa Lớn và Bảo tàng tỉnh Đồng Nai.
Ông Mai Sông Bé giải thích từng bản đồ cho khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu. |
Hơn 10.000 đầu sách tuyên truyền biển đảo, văn hóa vùng miền
Tuyên truyền biển đảo, ông Bé còn bỏ tiền đầu tư thư viện tư nhân ngay tại xã Thạnh Hội với tên gọi Thư viện Cù Lao Rùa. Thư viện có khoảng 10.000 đầu sách các loại, trong đó có nhiều sách về biển đảo, sách nghiên cứu văn hóa các vùng miền, sách truyện thiếu nhi… Gần 2 năm mở cửa đón khách miễn phí, thư viện phục vụ hàng ngàn lượt bạn đọc trong và ngoài tỉnh Bình Dương đến tìm hiểu, nghiên cứu.
Đến với thư viện, bạn đọc không chỉ được đọc sách tại chỗ, mượn mang về mà còn được vợ chồng ông Mai Sông Bé giới thiệu những cuốn sách hay, hướng dẫn đọc sách đúng cách. Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt (vợ ông Mai Sông Bé) cho biết, đọc sách không chỉ đọc bằng mắt mà bằng não, phải biết chắt lọc cái hay để biết về lịch sử, có kiến thức góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
“Mình về hưu rồi, mình làm việc gì tùy theo khả năng, sức khỏe của mình để có ích cho xã hội. Rất vui vì các cháu thích đọc, thích tìm hiểu. Có những cuốn sách mình biết, các cháu không có thời gian đọc hết thì mình tóm tắt cho các cháu biết nội dung của cuốn sách đó”, bà Nguyệt cho biết.
Nói về cách làm của ông Mai Sông Bé, bà Phạm Thụy Ngọc Hà, Phó giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Bình Dương khẳng định, đây là mô hình hay để tuyên truyền biển đảo, nâng cao văn hóa đọc cho lớp trẻ. Hy vọng sẽ có nhiều cá nhân sẵn sàng bỏ tâm huyết, tiền của, sức lực để giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử Việt Nam, "truyền lửa" văn hóa đọc trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó có sự thay đổi trong cách đọc, tiếp nhận tri thức của độc giả.
Thư viện tư nhân do ông Mai Sông Bé xây dựng có nhiều sách nghiên cứu về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. |
“Tôi thấy đây là mô hình hay, mới, thu hút được sự quan tâm lòng yêu quê hương, đất nước, tình yêu biển đảo, nhất là sự giáo dục đối với thế hệ trẻ. Tôi mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng ra toàn tỉnh”, bà Hà nói.
Vợ chồng ông Mai Sông Bé còn được biết đến là người tích cực chăm lo cho thế hệ măng non tương lai của đất nước khi đứng ra vận động, tặng quà, hỗ trợ cho học sinh nghèo hiếu học ở Bình Dương, Đồng Nai; tặng sách cho thiếu nhi đạt thành tích học tập tốt ở xã Thạnh Hội./.
Từ khóa: Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, Hoàng Sa, Trường Sa, bản đồ Trường Sa Hoàng Sa, đường gốm Hoàng Sa Trường Sa
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN