Được hỗ trợ nghìn tỷ, doanh nghiệp Nhật Bản có thoát sóng phá sản?

Cập nhật: 09/04/2020

VOV.VN - Mặc dù được hỗ trợ nhưng số lượng doanh nghiệp phá sản ở Nhật Bản được dự báo vẫn tăng trong những tháng tới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo khảo sát của 1 công ty tư nhân chuyên đánh giá tín nhiệm, trong tháng 3 Nhật Bản có 774 công ty và tuần đầu của tháng 4 có 42 công ty tại Nhật đã nộp đơn xin phá sản hoặc ngừng kinh doanh do đại dịch Covid-19.

Phá sản hàng loạt

Khảo sát của Teikoku Databank cho biết, trong tuần đầu tháng 4 và tính đến chiều 9/4, đã có 19 công ty nộp đơn xin phá sản với số nợ lên tới hơn 10 triệu Yen, tương đương khoảng 92.000 USD. Bên cạnh đó, có 23 công ty ngừng kinh doanh và bắt đầu tham vấn luật sư về phá sản để thanh khoản công ty một cách hợp pháp.

Tính theo ngành, có 18 công ty liên quan đến ngành du lịch như các khách sạn và cơ sở giải trí, chịu ảnh hưởng từ việc du khách nước ngoài hủy hợp đồng. Có 13 công ty trong ngành nhà hàng, vốn có doanh số giảm do mọi người hạn chế ra ngoài ăn.

goi cuu tro cua chinh phu co cuu tro duoc dn pha san o nhat ban? hinh 1
Tỷ lệ doanh nghiệp phá sản tại Nhật Bản đang gia tăng. (Ảnh minh họa: Bloomberg)

Cũng theo số liệu trên, số vụ phá sản trong tháng 3 là 744, nhiều hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến lo lắng số lượng doanh nghiệp sẽ bị phá sản do ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn tăng cao trong những tháng tới.

Trong khi đó, các hãng sản xuất ô tô Honda và Nissan của Nhật Bản thông báo các biện pháp cho nghỉ phép và nghỉ việc tạm thời, đối với hàng loạt nhân viên trong bối cảnh nhu cầu ô tô giảm mạnh.

Theo đó, Honda sẽ cho khoảng 18.000 nhân viên tại các nhà máy của hãng ở Mỹ tạm nghỉ phép. Từ cuối tháng 3, Honda đã giảm hoạt động tại 8 nhà máy ở nước này. Hãng cho biết sẽ dừng hoạt động đến 1/5. Hãng sẽ trả lương cho nhân viên đến giữa tháng 4. Sau đó, nhân viên nên nộp đơn xin chính phủ trợ cấp.

Trong khi đó, hãng Nissan thông báo sẽ cho khoảng 3.000 nhân viên tạm nghỉ việc, trong đó có các nhân viên ở nhà máy tại Barcelona, Tây Ban Nha.

Thiếu nguồn nhân lực

Dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp có hợp tác với nước ngoài, hoặc liên doanh với nước ngoài. Không chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngừng trệ, nguồn nhân lực đã thiếu lại có nguy cơ thiếu trầm trọng sau dịch.

Khoảng 1.700 người nước ngoài dự kiến sang Nhật theo dạng thực tập sinh kỹ năng ngành nông nghiệp đã không thể tới Nhật Bản theo đúng thời hạn. Đây chỉ là con số trong lĩnh vực nông nghiệp, cộng thêm các ngành khác con số có thể lên tới hàng trăm ngàn người.

Bộ trưởng Nông nghiệp - ông Eto Taku trong một phát biểu trước Quốc hội cho biết, khoảng 1.700 người nước ngoài đã không thể thực tập kỹ năng trong ngành nông nghiệp và chăn nuôi gia súc ở Nhật Bản.

Trong số đó có khoảng 1.200 người Trung Quốc, 200 người Việt Nam, 140 người Myanmar, 70 người Indonesia và 70 người Philippines. Nhật Bản đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với nhiều nước, trong đó có những nước này.

Bộ trưởng Eto cho biết ông đang nỗ lực kêu gọi các hợp tác xã nông nghiệp địa phương, chính quyền các tỉnh cũng như các trường nông nghiệp hợp tác để đối phó với tình trạng thiếu lao động trong ngành. Đồng thời sẽ giúp những người trong ngành du lịch và các ngành khác tìm việc trong ngành nông nghiệp.

Để giảm thiểu khó khăn cho các doanh nghiệp, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp trị giá 108.000 tỷ Yen, tương đương khoảng 1.000 tỷ USD để đối phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19. Gói hỗ trợ có quy mô tương đương 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản.

Gói hỗ trợ bao gồm bảo đảm trước cuối tháng 3 năm sau sẽ có đủ thuốc Avigan chữa cảm cúm, để điều trị cho 2 triệu người nhiễm virus. Loại thuốc này được cho là có hiệu quả cao trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

Gói hỗ trợ cũng bao gồm trợ cấp khoảng 2.800 USD cho mỗi hộ gia đình có thu nhập giảm xuống mức nhất định do đại dịch. Đối với các doanh nghiệp, Chính phủ dự kiến hỗ trợ tiền mặt lên tới khoảng 18.000 USD cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và lên tới khoảng 9.000 USD cho người lao động tự do, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn do doanh thu giảm mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế của Nhật Bản sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020. Nếu đại dịch được ngăn chặn sớm, ít nhất đến giữa năm sau nền kinh tế Nhật Bản mới có thể cân bằng lại và bắt đầu ổn định khi các doanh nghiệp hồi phục sản xuất, kinh doanh.

Tuy vậy, chính phủ Nhật Bản sẽ có những biện pháp đối ứng theo từng giai đoạn để đảm bảo nền kinh tế không đổ vỡ, an sinh xã hội được đảm bảo./.

Từ khóa: nhật bản, doanh nghiệp, phá sản, gói cứu trợ, Covid-19

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập