Đừng để giáo viên phải "tự vệ nghề nghiệp"
Cập nhật: 05/04/2021
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - Ở một số trường phổ thông, hơn 50% giáo viên có biểu hiện stress vì quen cách tiếp cận kỷ luật truyền thống nhưng lại chưa đủ kỹ năng để áp dụng "kỷ luật tích cực".
Tình trạng bạo lực học đường gia tăng, thậm chí học trò hỗn hào với thầy cô khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng môi trường giáo dục đã mất đi sự tôn nghiêm cần có? Những quy định mới trong điều lệ trường THCS, THPT liệu có tước đi những công cụ để quản lý, giáo dục học sinh? Làm thế nào áp dụng “kỷ luật tích cực” trong bối cảnh trường học hiện nay?
TS. Hoàng Trung Học, chuyên gia Tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục trao đổi với PV VOV2 xung quanh những vấn đề trên.
Bạo lực học đường có những dấu hiệu đáng lo ngại
PV: Thưa TS. Hoàng Trung Học, gần đây, nhiều vụ việc học sinh cấp 2, cấp 3 đánh nhau, học sinh đánh nhau hội đồng, thậm chí còn có vụ việc học sinh tát cô giáo khi bị nhắc nhở. Những hành vi này được quay clip tung lên mạng xã hội. Ông nhìn nhận như thế nào về hiện tượng này?
TS. Hoàng Trung Học: Tình trạng này chúng tôi đã nghe phương tiện truyền thông và cả chuyên gia, thậm chí chuyên gia cũng đặt ra câu chuyện, phải chăng thời gian gần đây bạo lực học đường đang gia tăng? Để đánh giá dấu hiệu bạo lực học đường gia tăng cần có thống kê, nghiên cứu đầy đủ, đối sánh với trước đây để dẫn đến kết luận.
Trong khi có chưa có con số chính thức để kết luận có đúng gia tăng không thì thời gian gần đây bạo lực học đường có những dấu hiệu đáng quan tâm. Bạo lực học đường thời nào cũng có, ở đâu cũng có, nhưng gần đây bắt đầu lan sang cả việc học trò bạo lực thầy cô trước đây ít xuất hiện.
Trước đây, bạo lực học đường diễn ra ở học sinh cùng một cấp học, thì giờ có những vụ bạo lực học đường diễn ra phổ biến các cấp học khác nhau, phản ánh các mối quan hệ học đường của các em mở rộng, phức tạp hơn và diễn biến theo hình thức khó lường hơn.
Dấu hiệu nữa là tính vô cảm của những người chứng kiến trong các vụ bạo lực học đường. Trước chúng ta thấy những em đứng quay clip đưa lên mạng là những vấn đề đáng lo ngại nhưng giờ cả người lớn đứng quay, trẻ em đã có biểu hiện vô cảm thì giờ người lớn đứng xem cũng vô cảm, tác động lớn đến tâm thức và nhận thức của học sinh, những người đang học tập theo mẫu, khi các em thấy người lớn cũng đứng xem và vô cảm với hành vi đó thì các em có thể tái diễn lại những hành vi này một cách dễ dàng vì trong nhận thức của nhiều em nhỏ thì người lớn là chuẩn mực.
PV: Ông nhắc đến hiện tượng bạo lực học đường gần đây có những dấu hiệu biến tướng. Liệu có phải do kỷ luật trong môi trường học đường đang bị xem nhẹ?
TS Hoàng Trung Học: Học trò bạo lực, học trò học kém thì người ta thường đặt ra vấn đề đối với những người có trách nhiệm chính, ở đây là nhà trường. Nhưng phải nhìn nhận đa chiều, giáo dục là hệ thống với nhiều thành tố tác động. Xã hội là phổ rộng nhất, nhà trường là khuôn khổ thứ 2 và lõi trong cùng là gia đình. Nếu chỉ quy bạo lực học đường có dấu hiệu khác biệt là do kỷ luật học đường có vấn đề là phiến diện. Vì những dấu hiệu như thế đến từ nhiều biến số, chứ không chỉ đơn giản đến từ nhà trường, trong nhà trường còn có nhiều yếu tố tác động khác chứ không chỉ có kỷ luật học đường.
Không có kỷ luật, môi trường giáo dục sẽ trở thành "cái chợ"
PV: Trước đây, khi học sinh vi phạm, tùy vào mức độ có thể áp dụng những hình thức xử phạt như phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ, buộc thôi học có thời hạn. Tuy nhiên, thông tư 32 có hiệu lực từ 1.11.2020 đã chấm dứt việc tồn tại những hình thức kỷ luật này. Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến kỷ luật học đường bị xâm phạm?
Chúng ta đang bàn thông tư 32 ra phải chăng đang làm cho kỷ luật mất tính nghiêm minh đi. Tôi phải nói, một nhà trường không thể duy trì được nếu không có kỷ luật vì nó sẽ trở thành "cái chợ" chứ không phải môi trường giáo dục.
Thông tư 32 ra đời hướng tới mục tiêu giúp nhà trường với hình thức kỷ luật với nề nếp tốt hơn nhưng nhiều người đang hiểu thông tư 32 một cách phiến diện, thấy rằng thầy cô không được đánh học trò, không kỷ luật trước cờ, phê bình trước lớp dường như giảm bớt tính nghiêm minh. Nhưng thông tư quy định rõ kỷ luật vẫn có nhưng cách thức tiếp cận để giải quyết vấn đề kỷ luật như thế nào mới là câu chuyện.
Thông tư 32 ra hướng dẫn các hình thức kỷ luật trong nhà trường tập trung vào góc độ nhân văn, hỗ trợ con người thay đổi, học trò thay đổi từ gốc rễ chứ không phải thay đổi bên ngoài. Dưới góc độ của chuyên gia tôi cho rằng thông tư 32 phù hợp với xu hướng nhưng việc triển khai áp dụng trong từng trường hợp cụ thể đòi hỏi nghiệp vụ của giáo viên.
Làm giáo dục giai đoạn này rất khó khăn!
PV: Nhiều giáo viên phổ thông cho rằng, khi những hình thức xử lý kỷ luật học sinh “nhẹ nhàng hóa” thì đồng nghĩa với việc họ đã bị tước đi công cụ quản lý học sinh?
TS. Hoàng Trung Học: Tôi rất đồng cảm với khó khăn với thầy cô phổ thông. Quả thực làm giáo dục trong giai đoạn này rất khó khăn vì tâm trạng, hành vi của đứa trẻ tác động của nhiều yếu tố. Đó là tác động của tổng thể trong đó có nhà trường. Một nhà trường không duy trì được nếu không có kỷ luật chỉ có điều kỷ luật thế nào?
Tôi cho rằng không phải chúng ta bỏ kỷ luật mà chỉ thay đổi phương thức, cách thức kỷ luật. Câu chuyện tranh luận nhiều, bản chất là cách tiếp cận trong việc thay đổi con người. Trong cách cũ chúng ta có thể phê bình trước lớp, phê bình toàn trường, thậm chí đuổi học, bản chất là hình phạt, đứa trẻ rất sợ, chúng ta cảm thấy nó có tác dụng ngay. Tuy nhiên, thử nhìn xem khi một đứa trẻ bị buộc thôi học, đuổi học thì chúng ta trả các em đi đâu, khi trách nhiệm giáo dục là của nhà trường.
Thứ hai, thay đổi bản chất gốc rễ hành vi con người là làm cho đứa trẻ nhận thức được, hiểu được bản chất để thay đổi chứ không phải ép để tạo ra sự thay đổi sợ hãi trước mắt. Những quy định hình thức xử lý học trò vi phạm phải duy trì nhưng phải đi kèm với quá trình hỗ trợ của nhà giáo dục.
PV: Áp lực từ nhà trường, áp lực từ phụ huynh và ngay cả áp lực từ chính bản thân mình nữa, liệu sẽ có tình trạng giáo viên vì sợ “dính” kỷ luật mà “buông”, mặc cho học sinh muốn làm gì thì làm không, thưa ông?
Tôi vẫn gọi hiện tượng đó là "tự vệ nghề nghiệp", nếu chúng ta không có biện pháp bảo vệ, hỗ trợ giáo viên phù hợp để các thầy cô thanh thản, sáng tạo thực hiện công việc của mình thì vô cùng tệ. Tự vệ ở đây là một trạng thái thu mình lại, không muốn sáng tạo, không nhiệt tình nữa mà làm cho xong. Chúng ta biết rằng nhà giáo dục mà làm cho xong thì vô cùng tệ hại. Đó là trạng thái tự vệ nghề nghiệp.
Vì sao bây giờ nhiều thầy cô bây giờ nói là “buông” vì họ cảm thấy bế tắc trong các biện pháp, phương tiện giáo dục và đôi khi họ cảm thấy không được che chở bảo vệ phù hợp, công việc của họ rất khó khăn nhưng lại không được hướng dẫn. Vì vậy thay vì làm việc nhiệt tình, có thể mắc sai lầm thì ta thu mình lại, không làm, không sáng tạo hoặc làm ở mức độ vừa phải thôi. Tôi cho rằng đó chúng ta phải hỗ trợ thầy cô. Tuy nhiên, thày cô phải thay đổi vì học sinh đã thay đổi, xã hội đã thay đổi, chương trình thay đổi, mục tiêu tiếp cận thay đổi, không thể mang cách giáo dục cũ “yêu cho roi cho vọt” để mong đứa trẻ nên người.
Giáo viên cần được hỗ trợ để thay đổi
PV: Có thể những kinh nghiệm tích lũy trong quá khứ của thầy cô không còn thích hợp và thậm chí không được phép áp dụng trong việc kỷ luật học sinh hôm nay. Ông có nghĩ rằng giáo viên hiện nay cũng đang gặp những thách thức khi vận dụng phương pháp “kỷ luật tích cực”?
-Rất thách thức. Đầu tiên là vì giáo viên quá nhiều việc, giảng dạy không đã quá vất vả nhưng họ còn quá nhiều việc được giao, thành ra công việc bị quá tải. Tiếp nữa là chúng ta áp dụng rất nhiều cái mới, mới từ chương trình, mới từ cách tiếp cận giáo dục, cộng thêm công việc nhiều, lương giáo viên thì chưa cao, tổng thu nhập chưa cao, họ căng thẳng mệt mỏi.
Chúng tôi nghiên cứu tâm lý thấy rằng, rất nhiều giáo viên ở một số trường, quá 50% giáo viên có biểu hiện stress. Thứ hai, họ quen cách tiếp cận lối cũ, cách tiếp cận giáo dục truyền thống mang tính răn đe, áp đặt là chính, đôi khi áp dụng thấy có kết quả ngay. Bây giờ một học trò quát mắng là sợ, im ngay nhưng nhẹ nhàng tuần tự thì mất nhiều thời gian hơn. Và, thứ ba thay đổi cách tiếp cận mới, trong từng trường hợp cụ thể các thầy cô phải được hướng dẫn, tập huấn kỹ về kỷ luật tích cực thì mới thành công.
PV: Vậy, trong điều kiện hiện nay, giáo viên cần thay đổi như thế nào để phù hợp với quan điểm “kỷ luật tích cực”? Cần thiết hướng dẫn giáo viên như thế nào để họ thay đổi?
-Đầu tiên là thay đổi tư duy. Chúng ta nhớ rằng, giáo dục một con người chứ không phải uốn một cái cây, uốn một cái cây cũng cần thời gian chứ không phải ngay lập tức vào thế đẹp được, giáo dục con người cần quá trình lâu dài, không thể nóng vội. Các bậc phụ huynh cần nhận thức rõ trách nhiệm phối hợp với nhà trường, trách nhiệm chia sẻ với các thầy cô trong việc giáo dục con chứ không thể tất cả mọi thứ đổ hết lên vai các thầy cô. Không ai có thể thay được vai trò của người làm cha, làm mẹ trong việc dạy con. Bạo lực hay không, con hư hay không gốc rễ phải từ trách nhiệm của cha mẹ. Và cuối cùng, các thầy cô phải tham gia vào những khóa tập huấn chuyên sâu để biết kỷ luật tích cực trong từng trường hợp như thế nào hỗ trợ các con, như thế mới giải quyết được.
PV: Xin cảm ơn TS.
Nghe chương trình tại đây:
Từ khóa: bạo lực học đường, kỷ luật tích cực, thông tư 32, giáo dục, cách tiếp cận
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2