Đừng để bệnh "quên" biến bạn thành người vô trách nhiệm

Cập nhật: 17/01/2022

[VOV2] - Nếu bạn thường xuyên quên lời hứa với người khác - đây không phải là hội chứng “hay quên” mà biểu hiện của thói vô trách nhiệm.

Bạn là ai trong mắt người khác nếu thường xuyên nói từ “quên”?

Nguyễn Hải Vân, sinh viên Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, nếu gặp những người thường nói “quên” để biện minh cho mình, Vân có cảm giác tức giận, rất bất lực vì không làm gì được, “giống như núi lửa sắp phun trào nhưng lại không phun trào được”. Vài lần như thế, ta có thể đánh giá họ là người vô trách nhiệm.

Theo chị Nguyễn Hoàng Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt, thông thường là do các bạn quên thật nhưng cái đáng lên án ở đây không phải là chữ “quên” hay bệnh “quên” mà điều đáng trách là các bạn không để tâm vào điều đó và mức độ cao hơn là dẫn đến thiếu tôn trọng người khác, thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình, thiếu sự trân trọng với lời nói và hành động của chính bản thân mình, đối với những người xung quanh.

Nếu bạn là người hay “quên”, điều này dẫn đến 2 vấn đề: Đối với bản thân, hình thành thói quen xấu, dẫn đến tính cách xấu. Nó có thể quyết định hướng phát triển của cuộc đời. Và đối với các mối quan hệ xung quanh, bạn sẽ mất đi niềm tin của người khác. Khi sự tin tưởng đã bị mất đi thì những hoạt động khác xung quanh, những lợi thế sẽ bị bỏ ngỏ.

Vì sao bạn hay “quên”?

Theo chị Nguyễn Hoàng Thanh Hương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tính hay quên. Thứ nhất là do thói quen sinh hoạt không khoa học dẫn đến việc bị rối loạn khả năng ghi nhớ. Thứ hai, các bạn trẻ không để tâm đến và cho đó là một điều bình thường, không quan trọng. Hơn nữa dễ dàng lợi dụng sự cảm thông của người khác nên tạo thành thói quen như vậy. Nhiều khi thấy người khác cũng hay có tính “quên” như vậy nên vô tình hòa mình vào đám đông.

Chúng ta vẫn biết, “quên” là điều không tốt nhưng con người thường chấp nhận những gì dễ hơn là bắt đầu một nguyên tắc khó. Tuy nhiên, nếu như các bạn nhìn nhận đó là căn bệnh trầm kha khiến cho các bạn mất đi sự tín nhiệm, đi ngược lại với văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử thì các bạn sẽ dễ dàng khắc phục hơn. Thay vì bị đánh giá là suốt ngày quên, hãy trở thành một người được mọi người ngưỡng mộ là luôn luôn nhớ.

Liều thuốc nào để trị căn bệnh “hay quên”?

Theo Nguyễn Hải Vân “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” nhưng nếu mình đủ ý chí thì không có gì là không thể. Hải Vân chia sẻ công thức của mình để khắc phục những thói quen xấu, đó là các con số “4 – 2 – 72 – 21”.

Số “4” là quy luật 4 giây. Trước khi quyết định điều gì hãy thở sâu và nghĩ trong vòng 4 giây trước khi đưa ra quyết định. Hãy hạn chế nói từ “quên” và có trách nhiệm với việc mình đang làm.

Số “2” là quy luật 2 phút. Những việc gì không tốn đến quá 2 phút để làm thì hãy làm luôn. Ví dụ, bạn cho mượn vở, việc cất luôn vở vào cặp không đến 2 phút nên cần phải làm ngay, không trì hoãn.

Số “72” là quy luật 72 giờ. Khi bạn có ý tưởng gì hãy thực hiện nó trong vòng 72 giờ tại vì lúc đó não của mình còn có động lực nhất, ý tưởng vẫn còn đấy, nên thực hiện ngay để được kết quả tốt nhất.

Số “21” là quy luật 21 ngày. Mọi người thường cho mình 21 ngày để tạo dựng một thói quen. Việc khắc phục tính đãng trí không phải ngày một ngày hai. 21 ngày nghe rất là dài nhưng chúng ta có thể đặt mục tiêu nhỏ hơn với ba con số “4”, “2” và “72”.

Còn theo chị Thanh Hương, để khắc phục bệnh quên, thứ nhất, tự yêu cầu bản thân mình tuyệt đối không được quên và trở thành một người lịch sự, tôn trọng người khác. Khi bạn tôn trọng người khác, bắt buộc phải nhớ họ cần gì và chúng ta đã hứa điều gì với họ.

Thứ hai, chúng ta ghi lại tất cả: ghi lại lịch hẹn, ghi lại lời hứa của bản thân, ghi lại lời dặn dò. Thậm chí đặt lịch để nhắc nhở mình.

Thứ ba, có trách nhiệm với lời nói của mình. Tôn trọng và để tâm đến người khác. Hãy coi tất cả các mối quan hệ của mình đều là những mối quan hệ mà chúng ta phải dành hết tâm huyết cho nó. Vì có những người rất nhớ những hoạt động đối với người bạn này nhưng lại hay quên hoạt động đối với người bạn khác vì chúng ta đang có sự tự sắp xếp là ưu tiên người này hơn người kia.

Thứ tư, các bạn hãy tạo thói quen cho mình. Đó là 5 phút mỗi buổi sáng liệt kê tất cả những công việc bao gồm cả việc phải trả ai đó cái gì, làm việc gì đã hứa. Và dành 5 phút mỗi buổi tối để chúng ta xem lại là mình còn nợ ai cái gì, mình còn chưa hoàn thành cái gì hoặc việc gì mà buổi sáng đã ghi ra nhưng chúng ta chưa thực hiện được. Như vậy chúng ta sẽ không bỏ quên ai đó hay bỏ quên lời hứa nào đó.

“Nếu làm được những điều đó các bạn sẽ chuyển được tự kỷ ám thị “mình là người hay quên” chuyển thành người luôn tôn trọng người khác và không bao giờ quên một ai cả.” Chị Thanh Hương nhấn mạnh.

Chỉ buông 1 lời “quên” rất đơn giản, nhưng có nhiều cái “quên” của bạn mang đến hậu quả không thể nào sửa chữa được và dần dần bạn sẽ trở thành 1 người thiếu trách nhiệm trong mắt người khác. Nếu như mắc hội chứng “hay quên” hãy sớm khắc phục ngay các bạn nhé!

Nghe Chương trình Hành trang trẻ "Bệnh quên ở người trẻ" tại đây:

Từ khóa: quên, thiếu trách nhiệm, bạn trẻ, vov2, hậu quả, trách nhiệm, hội chứng

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập