Dựng cây nêu đón Tết tại Hoàng thành Thăng Long
Cập nhật: 06/02/2021
(VOV5) -Cây nêu được dựng trong ngày 23 tháng Chạp, báo hiệu khởi đầu những ngày Tết.
Hoạt động dựng cây nêu đón Tết tại Hoàng thành Thăng Long nằm trong chuỗi các hoạt động trưng bày, thể nghiệm diễn xướng, trải nghiệm tương tác, góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống và phục vụ nhân dân đón xuân, vui Tết Tân Sửu 2021.
Ngày 4/2/2020, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức tái hiện các nghi lễ tế tổ tiên, các vị Hoàng đế, lễ ông Công ông Táo, lễ tiến xuân ngưu và dựng cây nêu theo phong tục truyền thống.
Lễ Tiến xuân ngưu được thể nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long dựa trên kết quả nghiên cứu về nghi lễ cung đình, bao gồm các nghi thức diễn ra tại sân Điện Kính Thiên như: Rước xuân ngưu; Tiến xuân ngưu; Ban xuân ngưu; Phép đả xuân ngưu. Ảnh: Nghi lễ 'đả xuân ngưu' (đánh trâu mùa xuân)
Năm nay, do tình hình phức tạp của dịch bệnh và căn cứ chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước và Hà Nội, lễ hội Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long không mở rộng các chương trình cho công chúng tham dự như mọi năm. Phần nghi lễ vẫn được thực hiện đầy đủ để đảm bảo tính thiêng liêng và theo đúng phong tục cổ truyền của dân tộc
Theo đúng phong tục, vào ngày 23 tháng Chạp người Việt Nam mang cá chép đi thả, tiễn ông Công ông Táo về trời.
Đoàn hành lễ trở về khu vực Đoan Môn để thực hiện nghi lễ dựng cây nêu. Theo truyền thống, đây là sự kiện khởi đầu cho những ngày Tết Nguyên đán.
Trước khi dựng nêu phải lập đàn tế trời đất, sau phần nghi lễ mới tiến hành động thổ dựng nêu.
Cây nêu được dùng là loại tre đực, cao, to, được chặt sạch các cành chỉ để lại trên ngọn có nhánh lá. Tùy theo địa phương, trên ngọn cây có thể treo một số lá bùa, giải cờ vải, giỏ tre đựng vôi và trầu cau...
Theo nhà sử học Lê Văn Lan, cây nêu được xem là cây vũ trụ (l'arbre cosmique), là biểu tượng tồn tại trong nhiều nền văn hóa Á Đông, tượng trưng cho sự giao hòa giữa trời, đất và con người dưới sự che chở của thần linh.
"Cây nêu được dựng trong ngày 23 tháng Chạp, báo hiệu khởi đầu những ngày Tết. Đến ngày mùng 7 Tết là lễ Khai hạ, tức hạ nêu, thế là hết Tết," ông Lê Văn Lan cho biết.
Một phần quan trọng của cây nêu là treo những tế khí bằng đất nung, để những vật đó va đập nhau kêu leng keng trong gió; cũng có ý nghĩa trừ ma quỷ, mong ước một mùa xuân tươi vui, cả năm an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Theo nhà sử học Lê Văn Lan, việc treo khánh đất tượng trưng cho sự mừng vui, còn treo cá, treo đồng tiền... tùy theo mỗi người để cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới.
Từ ngày hôm nay (4/2), công chúng có thể đến tham quan các khu trưng bày để hiểu hơn về Tết Việt xưa qua những hình ảnh, câu chuyện và hiện vật. Hoạt động trưng bày, triển lãm tại Hoàng Thành Thăng Long diễn ra cho đến ngày 1/3.
Tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội có biểu diễn múa rối nước vào 10h và 15h các ngày từ 13 - 16/2 (mùng 2, 3, 4, 5 Tết Tân Sửu). Các hoạt động dành cho thiếu nhi được tổ chức từ 14 - 16/2. Lễ dâng hương khai xuân diễn ra vào 20/2 (mùng 9 tháng Giêng). Khu di sản nghỉ từ ngày 10 - 12/2. Các điểm di tích vẫn phục vụ khách dâng hương miễn phí./.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, dung cay neu, don Tet, tai, Hoang Thanh Thang Long
Thể loại: Tổng hợp Video
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5