Đục nước béo cò, Israel trục lợi từ căng thẳng Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ
Cập nhật: 11/01/2021
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Hy Lạp và Israel sẽ ký một thỏa thuận trị giá 1,68 tỷ USD, theo đó Tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng Elbit Systems của Israel sẽ thành lập và vận hành một học viện bay để đào tạo phi công và cung cấp các máy bay huấn luyện phản lực cho Lực lượng Không quân Hellenic (HAF) của Hy Lạp.
Theo thỏa thuận của hai bên, Học viện huấn luyện bay HAF sẽ được đặt tại Kalamata trên bán đảo Peloponnese ở miền nam Hy Lạp. Trường đào tạo bay này sẽ do Elbit Systems xây dựng và bảo trì. Chương trình giảng dạy của học viện mới dự kiến sẽ dựa trên chương trình của Không quân Israel (IAF). Giám đốc điều hành của công ty, Bezhalel Machlis nhận định, “Sự lựa chọn này chứng minh vị trí hàng đầu mà chúng tôi nắm giữ trong lĩnh vực đào tạo, cung cấp bí quyết đã được thử nghiệm và các công nghệ đã được chứng minh giúp cải thiện khả năng chiến đấu, đồng thời giảm chi phí”.
Thỏa thuận quốc phòng trị giá 1,68 tỷ USD cũng bao gồm việc bảo dưỡng và nâng cấp máy bay huấn luyện động cơ phản lực cánh quạt T-6 Texan II của Hy Lạp, cung cấp các thiết bị mô phỏng, hỗ trợ huấn luyện và hỗ trợ hậu cần, trong thời gian 20 năm, nhằm mục đích đại tu khả năng huấn luyện bay của Không quân Hy Lạp. Chính phủ Israel cho biết, trong tương lai có thể tổ chức hợp tác giữa các học viện bay của Israel và Hy Lạp. Israel từng huấn luyện cùng các phi công Hy Lạp trong cuộc tập trận Cờ Xanh (Blue Flag drills) năm ngoái.
Cả M-346 và T-6 (Efroni) hiện đại hóa sẽ được trang bị hệ thống điện tử hàng không Elbit. Theo kế hoạch, Hy Lạp cũng sẽ mua 10 máy bay huấn luyện phản lực tiên tiến M-346 mới do công ty Leonardo của Ý sản xuất, được gọi là ‘Lavi’, và năm 2012, được Israel lựa chọn để đào tạo phi công. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Hy Lạp có mua ngay M-346 hay không, hay sẽ được Elbit cung cấp với tư cách nhà thầu vận hành. Máy bay huấn luyện phản lực M-346 là một máy bay huấn luyện phản lực tiên tiến phổ biến, đã được phục vụ ở Ý, Ba Lan và Singapore, ngoài Israel - quốc gia đã mua 30 chiếc.
Các máy bay huấn luyện phản lực mới sẽ đến vào thời điểm Hy Lạp đang rất cần thay thế đội máy bay T-2 Buckeye cũ của nước này. Đây là dấu hiệu mới nhất về việc tăng cường quan hệ giữa Jerusalem và Athens và sau một thỏa thuận vào năm ngoái, trong đó người Hy Lạp sẽ thuê máy bay không người lái của Israel. Hai nước có chung lợi ích ở Địa Trung Hải, nơi có trữ lượng khí đốt khổng lồ đang bị tranh giành bởi các quốc gia bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ.
Thời gian qua, việc thiếu một liên minh quân sự chính thức giữa hai nước (và Síp) đã thể hiện rõ trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Đông Địa Trung Hải và bộc lộ những hạn chế trong kế hoạch hợp tác đầy hứa hẹn của các bên. Các nhà hoạch định chính sách của Hy Lạp từ cả “Liên minh cánh tả cấp tiến” (SYRIZA) và “đảng Dân chủ mới” đang cầm quyền đã định hình chính sách đối ngoại của họ đối với Israel với hy vọng Tel Aviv sẽ hỗ trợ Athens hoặc coi quan hệ đối tác Hy Lạp-Israel như là lá chắn chống lại tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Tuy nhiên, Tel Aviv chưa bao giờ bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia tích cực vào các cuộc tranh cãi giữa Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ, mà chỉ thể hiện tình đoàn kết ngoại giao với Hy Lạp ở mức có thể. Không có nghi ngờ gì về việc Ankara đang đe dọa Athens và sẽ tiếp tục làm như vậy. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do các chuyến thăm dò khoáng sản của tàu Oruc Reis Thổ Nhĩ Kỳ tại các khu vực biển chưa được phân định. Yếu tố rất đáng lo ngại ở Đông Địa Trung Hải là các cuộc xung đột có thể vượt ra ngoài khuôn khổ các tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Sau cuộc bầu cử Tổng thống với chiến thắng của Thủ tướng Ersin Tatar ở Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara bắt đầu theo đuổi một chương trình nghị sự mới cho việc thành lập hai nhà nước trên hòn đảo này (Nam Síp thân Hy Lạp). Trong bối cảnh đó, Hy Lạp, Israel và Síp cũng đang nỗ lực tăng cường mối quan hệ của họ. Ngày 27/10/2020, một cuộc họp ba bên của các Ngoại trưởng Hy Lạp, Israel và Cộng hòa Síp (Nam Síp) đã diễn ra tại thủ đô của Hy Lạp. Ngoại trưởng Israel Ashkenazi đã ca ngợi sự hợp tác của các nước trong khu vực là “thành phần chiến lược trung tâm để đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng kinh tế”.
Tháng 11/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Grantz đã ký một thỏa thuận với các đồng cấp Hy Lạp và Síp để thúc đẩy hợp tác quân sự giữa ba quốc gia. Gantz cho biết cả ba đã đồng ý thúc đẩy hợp tác công nghiệp quy mô lớn, giúp tăng cường khả năng quốc phòng và tạo ra hàng nghìn việc làm cho cả ba nền kinh tế. Cả ba đã phát triển mối quan hệ thân thiết trong bối cảnh căng thẳng khu vực ở Đông Địa Trung Hải về quyền thăm dò khí đốt ngoài khơi. Các quốc gia cũng là đối tác trong một dự án đưa khí đốt từ các mỏ ở Israel và có thể là vùng biển của các quốc gia khác thông qua một đường ống dẫn dưới biển đến đất liền châu Âu.
Theo Bộ Quốc phòng Hy Lạp, cho đến nay, thỏa thuận kéo dài 20 năm trên là thỏa thuận mua sắm quốc phòng lớn nhất giữa hai nước. Bộ này tuyên bố, chính phủ Hy Lạp đã quyết định "cho phép các bên tiến tới đàm phán" trước khi ký hợp đồng. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gantz cũng đã đưa ra một tuyên bố, trong đó nói, “Thỏa thuận này phản ánh mối quan hệ tuyệt vời và đang phát triển mà chúng tôi có với Hy Lạp. Đó là mối quan hệ đối tác lâu dài sẽ phục vụ lợi ích của cả Israel và Hy Lạp, tạo ra hàng trăm việc làm ở cả hai quốc gia, và thúc đẩy sự ổn định ở Địa Trung Hải”./.
Từ khóa: Đục nước béo cò, Israel trục lợi từ căng thẳng Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ, Lực lượng Không quân Hellenic (HAF), Không quân Israel (IAF), Elbit Systems, Học viện huấn luyện bay
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN