Đức đứng trước nhiệm kỳ Chủ tịch EU đầy thách thức

Cập nhật: 01/07/2020

VOV.VN - Đức hôm nay (1/7) chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU).

Với hàng loạt thách thức khối đang phải đối mặt như đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), nhiệm vụ của nước chủ tịch không hề dễ dàng. Tuy nhiên là một nền kinh tế đầu tầu khu vực, Đức đang được các nước thành viên kỳ vọng sẽ thể hiện bản lĩnh, chèo lái con thuyền châu Âu vượt qua sóng gió và giúp châu Âu mạnh mẽ trở lại.

duc dung truoc nhiem ky chu tich eu day thach thuc hinh 1
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: DW.

Sau 13 năm quay trở lại giữ vị trí chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, Đức đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho chương trình nghị sự 6 tháng của mình với trọng tâm thúc đẩy đoàn kết của khối, ngân sách EU hay chuẩn bị Anh ra khỏi ngôi nhà chung châu Âu (Brexit).

Tuy nhiên đại dịch Covid-19 bất ngờ kéo đến với những hệ lụy nghiêm trọng, khiến Đức phải thay đổi trọng tâm ưu tiên với nhiệm vụ kép ngăn làn sóng Covid-19 thứ 2 và phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19, đặc biệt là thúc đẩy ngân sách hơn 1.000 tỷ euro và đề xuất thành lập một quỹ phục hồi hậu Covid-19.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hy vọng những vấn đề này sẽ đạt được bước tiến tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào giữa tháng 7 này: “Pháp và Đức đã có sự nhất trí về việc giải quyết các thách thức này cùng nhau, ủng hộ lẫn nhau. Tuy nhiên hợp tác Pháp-Đức là chưa đủ, mà cần có sự thống nhất chung của khối. Tôi hi vọng cuộc họp châu Âu vào giữa tháng 7 sẽ đạt được giải pháp về các quỹ phục hồi và ngân sách cho châu Âu”.

Ngoài vấn đề Covid-19, những thách thức tiếp theo trong nhiệm kỳ của Đức là duy trì sự ổn định trong mối quan hệ Mỹ- Liên minh châu Âu; xác định rõ mối quan hệ tương lai với Anh hậu Brexit hay làm cầu nối để cải thiện quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu.

Thủ tướng Đức Merkel khẳng định quyết tâm dẫn dắt châu Âu vượt qua giai đoạn khó khăn này với khẩu hiệu “Cùng đưa châu Âu mạnh mẽ trở lại” với 3 mục tiêu lớn: vượt qua đại dịch, tái thiết kinh tế và củng cố Liên minh châu Âu kiên cường trước các cuộc khủng hoảng tương lai:

“Chúng tôi nhận thức rõ có kỳ vọng cao vào nhiệm kỳ chủ tịch của Đức. Đức sẽ cố gắng và không phụ sự mong mỏi, với việc đoàn kết một châu Âu thống nhất hướng đến tương lai. Chỉ hợp tác cùng nhau chúng ta mới có thể đảm bảo các giá trị châu Âu, bảo vệ lẫn nhau về dân chủ, nhân quyền và luật pháp”, bà Merkel nói.

Có thể nói gánh vác trọng trách nặng nề trên vai vào thời điểm này là một nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với Đức. Tuy nhiên, dư luận đánh giá việc Đức đảm nhiệm vị trí trong bối cảnh hiện nay là một sự may mắn cho EU. Là nền kinh tế lớn nhất trong EU, Đức có đủ nguồn lực và kinh nghiệm để giải quyết những thách thức mà châu lục đang phải đối mặt.

Chuyên gia nghiên cứu Constanze Stelzenmüller của Viện Brookings nhận định: “Kinh nghiệm của Thủ tướng Merkel, kiến thức và sự nắm bắt tâm lý của bà đối với các nhà lãnh đạo châu Âu khác là rất quan trọng. Từ việc hiểu những gì họ muốn, sự đồng cảm với các quốc gia nhỏ hơn ví dụ Đông Âu sẽ là điều kiện tiên quyết để đạt được đồng thuận trong nỗ lực chung của EU kiểm soát đại dịch, xử lý vấn đề kinh tế cũng như đối phó với một cuộc khủng hoảng thể chế cả ở cấp quốc gia và cấp châu Âu”.

Đây không phải lần đầu Đức giữ chức chủ tịch luân phiên EU nhưng chắc chắn 6 tháng sắp tới sẽ vô cùng khó khăn và áp lực. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để Đức tiếp tục khẳng định vai trò “thuyền trưởng” trên con tàu EU, đồng thời ghi dấu ấn trước khi nhiệm kỳ Thủ tướng của bà Merkel kết thúc vào năm 2021./.

Từ khóa: Chủ tịch luân phiên EU, Hội đồng Liên minh châu Âu, Đức, Thủ tướng Merkel, dịch Covid-19

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập