VOV.VN - Là 1 trong 6 loại cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, những nghiên cứu và chiến lược phát triển dừa sáp Vĩnh Long không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn góp phần định hình tương lai ngành dừa Việt Nam.
Vĩnh Long từ lâu được biết đến là vùng đất trù phú với cây dừa, đặc biệt là giống dừa sáp nổi tiếng về chất lượng và giá trị kinh tế cao. Để nâng cao năng suất và chất lượng giống dừa sáp, Vĩnh Long đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là phương pháp nuôi cấy phôi và cấy mô. Những nỗ lực này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, còn góp phần xây dựng sinh kế bền vững cho người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Dừa sáp Vĩnh Long
Theo thống kê, Vĩnh Long hiện có khoảng 1.277 ha dừa sáp với 250.000 cây, tập trung chủ yếu ở 5 giống phổ biến: Sáp tròn, sáp dài, sáp có cạnh, sáp vỏ xanh và sáp vỏ vàng. Dừa sáp truyền thống cho tỷ lệ sáp từ 20-30%/buồng, sản lượng khoảng 20-25 trái/cây/năm. Trong khi đó, dừa sáp nuôi cấy phôi và cấy mô đạt tỷ lệ sáp vượt trội, từ 75-80%/buồng với sản lượng bình quân 55-60 trái/cây/năm. Đây là loại dừa có giá trị cao, dao động từ 70.000 - 120.000 đồng/trái tùy chất lượng và kích cỡ.
Về hiệu quả kinh tế, những vườn dừa sáp truyền thống mang lại thu nhập bình quân khoảng 320 triệu đồng/ha/năm, trong khi dừa sáp nuôi cấy phôi, cấy mô đạt mức 770 triệu đồng/ha/năm. Thành tựu này có sự đóng góp lớn từ các nghiên cứu của Trường Đại học Trà Vinh - đơn vị tiên phong trong việc nhân giống dừa sáp bằng phương pháp cấy mô, giúp cây sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại Vĩnh Long, đồng thời cho trái có cơm dày, chất lượng vượt trội.
Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Trai, quyền Giám đốc Trung tâm Sinh học ứng dụng, Khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh chia sẻ, phương pháp cấy mô giúp cây dừa cho quả sáp chất lượng cao. Vào mùa nắng, dừa có độ sáp dày hơn so với mùa mưa. Trong đó, cần chú ý đến chế độ chăm sóc dừa vào thời điểm thu hoạch, bởi quá trình này ảnh hưởng lớn đến chất lượng sáp dừa. Nếu thu hoạch sớm, cơm dừa sẽ chưa đạt độ dày và chất lượng tối ưu.
Cây giống dừa sáp được tạo từ kỹ thuật nuôi cấy phôi
Để khắc phục hạn chế của phương pháp nhân giống truyền thống, vốn chỉ đạt tỷ lệ sáp tối đa 25%/buồng, các nhà khoa học Trường Đại học Trà Vinh đã hoàn thiện quy trình nuôi cấy phôi, nâng tỷ lệ trái sáp lên trên 85%. Quy trình này đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, với tỷ lệ thành công 63% (100 phôi tạo ra 63 cây).
Mỗi năm, nhà trường cung cấp khoảng 5.000 cây giống dừa sáp cấy phôi ra thị trường, nhận được phản hồi tích cực từ người dân. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, các chuyên gia đề xuất triển khai giai đoạn 2, hướng đến tăng hệ số nhân giống lên 50 cây từ một mẫu ban đầu, từ đó giảm giá thành cây giống xuống dưới 100.000 đồng/cây, giúp người dân dễ dàng tiếp cận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, tỉnh đã giao Trường Đại học Trà Vinh phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ và Sở Nông nghiệp - Môi trường nghiên cứu phát triển giống dừa sáp chất lượng cao bằng phương pháp cấy phôi và cấy mô. Mục tiêu sẽ tạo ra cây giống dừa có giá thành thấp, giúp bà con nông dân dễ dàng tiếp cận và canh tác hiệu quả.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giống, Vĩnh Long đang quy hoạch vùng trồng, khuyến khích cải tạo các vườn dừa sáp già cỗi, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại và liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến sâu đến tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu. Vĩnh Long cũng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, kết nối với các nhà khoa học Nhật Bản và Hàn Quốc, nghiên cứu ứng dụng dừa sáp trong lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm.
Dừa sáp Cầu Kè - thương hiệu nổi tiếng của dừa sáp Vĩnh Long
Với diện tích 120.000 ha dừa sau sáp nhập, chiếm hơn 50% diện tích dừa cả nước, Vĩnh Long có lợi thế lớn để phát triển vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Dừa sáp đang là 1 trong 6 loại cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, mang lại giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Những nghiên cứu và chiến lược phát triển dừa sáp tại Vĩnh Long không chỉ nâng cao giá trị kinh tế, còn góp phần định hình tương lai ngành dừa Việt Nam.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hạn mặn ngày càng khắc nghiệt, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển giống dừa sáp chất lượng cao đã và đang mở ra hướng đi bền vững cho người dân Vĩnh Long. Với sự đồng hành của các nhà khoa học và sự hỗ trợ từ chính quyền, cây dừa sáp không chỉ là nguồn sinh kế mà còn là niềm tự hào của vùng đất miền Tây sông nước.
VOV.VN - Vĩnh Long tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ dừa để nâng cao giá trị kinh tế và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành hàng dừa nói riêng, cũng như kinh tế nông nghiệp của tỉnh nói chung.
Từ khóa: dừa sáp vĩnh long, dừa sáp vĩnh long,nuôi cấy phôi dừa giống, cây trồng chủ lực, giá trị xuất khẩu dừa, chiến lược phát triển, tương lai ngành dừa,giống dừa sáp,dừa sáp Vĩnh Long, xuất khẩu dừa sáp