Đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Peru lên tầm cao mới

Cập nhật: 12/11/2024

VOV.VN - Sau khi kết thúc các hoạt động tại Cộng hòa Chile, hôm nay, Chủ tịch nước Lương Cường cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima từ 12 - 16/11  theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra.

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Lương Cường đến Peru nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương, thể hiện chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy quan hệ với Peru tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả và hướng tới đưa quan hệ lên một tầm cao mới.

Việt Nam và Peru thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1994. Trong 30 năm qua, mặc dù cách xa nhau về địa lý nhưng hai nước đã có những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao cũng như kinh tế, thương mại và đầu tư. Lãnh đạo cấp cao của hai bên thường xuyên có các cuộc gặp, tiếp xúc song phương nhân dịp tham dự các Hội nghị quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Peru cùng thiết lập các cơ chế đối thoại song phương, như cơ chế tham vấn chính trị giữa hai nước cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Ủy ban liên chính phủ về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật ở cấp Thứ trưởng, ký kết nhiều Hiệp định và Biên bản ghi nhớ về hợp tác. Ngoài ra, trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam - Peru đều có những điểm tương đồng, trao đổi ủng hộ các ứng cử viên và cùng là thành viên trong Liên Hợp Quốc, Diễn đàn APEC, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC).

Về trao đổi đoàn, nổi bật về phía Peru có các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống  Alberto Fujimori (7/1998), Phó Tổng thống Luis Giampietri dịp dự HNCC APEC 14 (11/2006); Tổng thống Pablo Kuczynski dự HNCC APEC 25 tại Đà Nẵng (11/2017); phía Việt Nam có chuyến thăm Peru của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (3/2013); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (11/2008) và Chủ tịch nước Trần Đại Quang (11/2016).

Hai nước Việt Nam và Peru cũng đã ký kết nhiều Hiệp định và Thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, nông nghiệp, thủy sản, khoa học-công nghệ. Hiệp định miễn thị thực đối với người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, MOU hợp tác trong khuôn khổ APEC, Thoả thuận hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp...

Về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hiện nay, Peru là nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh; là bạn hàng lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Peru trong ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 giữa hai nước đạt gần 500 triệu USD, trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt gần 300 triệu USD.

Về đầu tư, tại Peru có sự hiện diện của các dự án đầu tư lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực viễn thông và khai khoáng của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) với số vốn hơn 1 tỷ USD. Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Peru gồm giày dép, clanker và xi-măng, máy tính, đồ điện tử và linh kiện, xơ sợi dệt may, cao su, hàng thủy sản và sản phẩm nội thất, trong khi nhập khẩu bột cá, dầu cá và nguyên phụ liệu chế biến.

Để đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước lên tầm cao mới, thời gian tới hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh khai thác thêm các tiềm năng hợp tác còn nhiều dư địa trong quan hệ hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực viễn thông, khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, khai khoáng, du lịch, văn hóa…

Đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong các cơ chế mà cả hai bên là thành viên như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thúc đẩy hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh Thái Bình Dương (AP).

Hai bên cần thường xuyên rà soát các nội dung hợp tác cụ thể, cũng như xác định các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư song phương. Ngoài ra, việc thực hiện các chương trình trao đổi sinh viên, học giả và văn hóa có thể giúp nâng cao sự hiểu biết và gắn kết giữa hai dân tộc.

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Lương Cường tới Cộng hoà Peru trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Peru là một dấu mốc quan trọng, phản ánh sự phát triển tích cực của mối quan hệ song phương từ lĩnh vực chính trị - ngoại giao đến kinh tế - thương mại, là một cơ hội lịch sử, một động lực để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ là dấu mốc lịch sử, góp phần củng cố nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng tới đưa quan hệ lên một tầm cao mới.

Từ khóa: Việt Nam, Việt Nam, Peru, Chủ tịch nước,Việt Nam - Peru, quan hệ Việt Nam - Peru, chủ tịch nước lương cường, lương cường

Thể loại: Nội chính

Tác giả: việt cường/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập