Đưa nghệ thuật hàn lâm đến công chúng: Thánh đường nghệ thuật không chỉ là Nhà hát
Cập nhật: 22/07/2021
Hương Ly, Lydie Vũ thăng hạng nhan sắc qua bàn tay "phù thủy trang điểm" Mi Nguyễn
Anh Tú Atus từng suy nghĩ “ở ẩn” sau khi tham gia Anh trai “say hi”
VOV.VN - Đến một thời điểm, Nhà hát cũng không còn chiếm vị trí độc tôn trong thưởng thức âm nhạc cổ điển. Có lẽ đây cũng chính là hình thức để nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng của ngày hôm nay.
Thế kỷ 21 là thế kỷ của những âm thanh mới, âm nhạc cổ điển không hạn hẹp mình trong những chuẩn mực của nó mà có thể kết hợp, giao thoa với nhiều loại hình khác nhau. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ trong lĩnh vực này cũng không ngừng đổi mới về mặt tổ chức biểu diễn. Khi ấy, Nhà hát cũng không còn chiếm vị trí độc tôn trong thưởng thức âm nhạc cổ điển. Có lẽ đây cũng chính là hình thức để nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng của ngày hôm nay.
Từ những chương trình âm nhạc đường phố….
Đúng 11 năm về trước, cái tên Luala Concet - Chương trình hòa nhạc giao hưởng cho công chúng thủ đô được tổ chức vào mỗi chiều Thứ 6, Thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần đã thu hút đông đảo công chúng tham gia. Không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, mọi người cùng đến nghe, lắng lại trong một không gian đường phố với tiếng đàn, tiếng hát của các nghệ sĩ có chuyên môn về âm nhạc cổ điển, đến với chương trình bằng tấm lòng nhiệt tình, muốn mang nghệ thuật tới công chúng.
Ông Trịnh Tùng Linh, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam nhận định: Sự tiếp xúc với âm nhạc cổ điển thông qua chương trình Luala Concet đến công chúng, dù với những người nán lại nghe bên lề đường phố đông đúc hay đi xe máy thoáng qua thì đó cũng là cơ hội để mở ra một sự tiếp xúc, cái nhìn mới cho bản thân họ và thậm chí cho cả xã hội sau này.
“Đấy cũng là một cách tiếp cận thú vị, làm cho khoảng cách giữa dàn nhạc và khán giả gần gũi hơn. Điều này cũng có thể coi là một trào lưu mới trong cách trình diễn. Người diễn viên có thể hoà lẫn vào đám đông”- Ông Trịnh Tùng Linh nói.
Không chỉ mang âm nhạc cổ điển biểu diễn tại không gian đường phố, hình thức biểu diễn tại Nhà thờ hay trong trường học, quán cà phê… cũng đang được các nghệ sĩ chú trọng. Có thể kể tên các dự án âm nhạc tiêu biểu như: Hòa nhạc Giáo dục của Dàn nhạc giao hưởng mặt trời, dự án âm nhạc cổ điển “Schubert in a Mug" bao gồm chuỗi các buổi trình diễn hòa tấu kết hợp trò chuyện quy mô vừa và nhỏ, trong một không gián ấm cúng và không có khoảng cách giữa nghệ sĩ và công chúng, các chương trình biểu diễn âm nhạc cổ điển tại Nhà thờ vào dịp Giáng sinh…
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, người đã có nhiều nghiên cứu, kết hợp âm nhạc cổ điển phương Tây và nhạc dân tộc Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm sau những lần tổ chức biểu diễn các chương trình như “Tre mùa thu”, “Hòa nhạc Giáng sinh” có uy tín trong thời gian gần đây. Bên cạnh những buổi biểu diễn chính thống thì vẫn có những buổi biểu diễn mang tính phổ cập, hoặc là kết hợp, hoặc là biểu diễn mới.
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh lấy ví dụ: “Cũng vẫn là dàn nhạc giao hưởng, sau khi biểu diễn những bản nhạc kinh điển, có thể nhờ người phối hay các nhạc công có thể biểu diễn ngẫu hứng những bài hát của ca sĩ bây giờ, hoặc những bản nhạc mọi người rất thích như “My heart will go on” của Titanic chẳng hạn. Mọi người sẽ thấy rằng: ồ! Tại sao Dàn nhạc giao hưởng tưởng như khó nghe mà sao họ chơi nhạc nhẹ hay nhỉ?”.
Đến những chương trình biểu diễn trực tuyến
Tháng 4 vừa qua, nhạc kịch “Chuyện người lính” do Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam và Xưởng kịch và nghệ thuật ATH đã đến với công chúng thủ đô. Bà Nguyễn Thị Nam, một người xem nhận định: Không chỉ là một phiên bản đầy tính cách tân với sự kết hợp của nhiều phương thức biểu đạt khác nhau như âm nhạc thính phòng, DJ, kịch nghệ và nghệ thuật thị giác, “Chuyện người lính” còn là hình thức liên kết biểu diễn, mặc cho những trở ngại về địa lý và dịch bệnh giữa các nghệ sĩ Pháp và Việt Nam.
“Đây là một hình thức khác hẳn mà tôi nghĩ là không có nhiều. Tôi là người rất mê nhạc cổ điển nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe một vở như thế này”- Bà Nguyễn Thị Nam cảm nhận.
Dịch bệnh Covid 19 đã tạo ra nhiều sự thay đổi trong sinh hoạt của con người, trong đó có việc thưởng thức âm nhạc. Khi sự đi lại và tiếp xúc giữa người với người bị hạn chế, việc nghe nhạc trực tuyến có thể coi như một cách “ứng phó”. Chất lượng âm thanh sẽ không thể bằng như khi đến Nhà hát để nghe trực tiếp, nhưng nếu không có mạng internet, các nghệ sĩ cũng không thể giới thiệu tác phẩm của mình đến công chúng.
Theo ông Trịnh Tùng Linh- Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dịch Covid 19 đã làm thay đổi phương thức biểu diễn, trong đó có âm nhạc cổ điển. “Để kết hợp một chương trình biểu diễn giao hưởng với một nhạc sĩ, nhạc công ở nước ngoài rất khó. Vì thế chúng tôi đã làm một số chương trình online tại studio của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, sau đó phát tại Việt Nam và một số nước. Bây giờ, biểu diễn online cũng là một hình thức mới, hiệu quả”- Nghệ sĩ Trịnh Tùng Linh nói.
Nhà hát không còn là nơi duy nhất để mang nghệ thuật hàn lâm đến công chúng. Dịch bệnh Covid và nhu cầu được thưởng thức nghệ thuật đã mở ra những cơ hội khác nhau để công chúng và nghệ sĩ xích lại gần hơn nữa.
“Âm nhạc không có biên giới”- phải chăng điều đó ngày càng được chứng minh khi sức lan tỏa, kết nối của nó là vô cùng. Riêng với nghệ thuật hàn lâm, để có được sự lan tỏa một cách bền vững, bên cạnh các chương trình biểu diễn thì việc hướng tới các chương trình giáo dục thẩm mỹ âm nhạc, sân khấu là điều quan trọng, căn cốt. Đây cũng là nội dung kì cuối loạt phóng sự “Đưa nghệ thuật hàn lâm đến công chúng”, với nhan đề “Giáo dục mang lại tâm thế mới trong thưởng thức nghệ thuật”./.
Từ khóa: nhà hát, nghệ sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, nhà hát cổ điển
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN