Đưa hàng Việt ra nước ngoài: Không chỉ bán những gì mình có

Cập nhật: 01/06/2022

VOV.VN - Các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu yêu cầu về nhập khẩu với từng dòng sản phẩm ở từng quốc gia, lấy đó làm nền tảng cơ bản để nghiên cứu sản xuất sản phẩm, không nên sản xuất ra sản phẩm mới đi tìm thị trường.

Chiều nay (1/6), tại TP.HCM, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP tổ chức tọa đàm về huy động nguồn lực kiều bào tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều mô hình, giải pháp đã được đề xuất nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm và phát triển các kênh phân phối, xuất khẩu hàng Việt Nam ra các nước.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp kiều bào cho rằng có nhiều yếu tố mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm khi xuất khẩu vào một số thị trường các nước trên thế giới. Đầu tiên là kênh tìm kiếm khách hàng thường xuyên, không nên phụ thuộc vào 1 hoặc 1 nhóm khách hàng; phải có chuyên gia am hiểu văn hóa và tập quán thị trường nước sở tại; tận dụng các kênh bán hàng của nước sở tại để được tư vấn về hình ảnh, nội dung, kiểu dáng, mẫu mã phù hợp với xu hướng. Song song đó, cần mở rộng đối tượng khách hàng thông qua các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm…

Để đảm bảo phần thanh toán, cần làm việc với các tổ chức tín dụng nước sở tại để nắm rõ năng lực tài chính của khách hàng tiềm năng trước khi quyết định ký hợp đồng; bước đầu bán theo lô nhỏ và tách thanh toán thành nhiều lần; bán hàng qua những công ty trung gian nếu có được điều khoản thanh toán tốt hơn bán trực tiếp; áp dụng thanh toán có bảo lãnh từ các tổ chức tín dụng…

Bên cạnh đó, tăng cường hệ thống marketing và kênh phân phối, tận dụng kênh phân phối sẵn có của kiều bào, với hệ thống bảo hành, bảo trì và xử lý các trường hợp đổi trả, khiếu nại về chất lượng... Đồng thời tận dụng tính đột phá của công nghệ 4.0 để phát triển kênh phân phối kỹ thuật số và online cho những sản phẩm có giá trị cao, mang tính độc đáo và đặc thù.

Một trong những khó khăn hiện nay là hàng Việt chưa chinh phục được thị trường bản xứ ở một số quốc gia. Do đó, theo các chuyên gia, doanh nhân kiều bào, các nhà sản xuất, nhập khẩu ở Việt Nam cần quan tâm hơn nữa việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến sản xuất, quảng bá hình ảnh. Mặt khác nên tìm hiểu yêu cầu về nhập khẩu với từng dòng sản phẩm ở từng quốc gia, lấy đó làm nền tảng cơ bản để nghiên cứu sản xuất sản phẩm, không nên sản xuất ra sản phẩm mới đi tìm thị trường, như thế là hoàn toàn sai lệch.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn VABIS Group, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Đầu tư nước ngoài đề nghị cần tăng cường vận dụng nguồn lực kiều bào tại các quốc gia trong việc giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài.

"Việt kiều của mình ở đó làm nhà đại diện để được những công ty trong nước tin tưởng, sau đó cần nhất là kho bãi để làm nơi tiếp nhận, phân phối các sản phẩm, mặt hàng chiến lược có thể đưa vào được vùng đó. Không chỉ đến từng nhà của người Việt Nam mà nếu các mặt hàng đạt chất lượng, mẫu mã để người dân nước sở tại công nhận là đồ tốt và tiêu dùng thì tôi nghĩ rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ mở thêm một bước nữa", ông Mỹ nói./.

Từ khóa: Xuất khẩu hàng hóa, xúc tiến thương mại, phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập