“Dự thảo văn kiện không nên nói phát triển con người toàn diện chung chung”
Cập nhật: 29/10/2020
VOV.VN - GS Phạm Tất Dong cho rằng, không nên nói phát triển con người toàn diện chung chung bởi như vậy sẽ không thể đưa ra định hướng trọng tâm cụ thể.
Đây là nội dung chủ yếu trong góp ý của GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam tại Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Nhiều nội dung “vắng bóng” yếu tố con người
Theo GS Phạm Tất Dong, các dự thảo văn kiện còn “vắng bóng” vai trò của con người trong phát triển khoa học-công nghệ, kinh tế-xã hội.
“Các dự thảo văn kiện đề cập nhiều đến chất lượng nhân lực nhưng tôi nghĩ rằng “tòa nhà” nhân lực phải được xây dựng bằng “những viên gạch” là con người của thế kỷ 21. Cho nên cần phải nói đến chất lượng con người và yêu cầu đặt ra với con người. Thậm chí, trong khi đề cập đến những yếu tố đột phá, chúng ta cũng quên nhắc đến phát triển con người như thế nào?”.
GS Dong nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, giờ đã là cuối thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 và mọi người đều quá hiểu khái niệm phát triển toàn diện con người cũng như con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế. Nhưng con người trong từng giai đoạn phát triển xã hội sẽ có yêu cầu phát triển toàn diện khác nhau.
Con người toàn diện ở xã hội Việt Nam giai đoạn 2.0 sẽ khác với 3.0 và khi Việt Nam đã có Nghị quyết tiếp cận xã hội 4.0 thì sự toàn diện của con người sẽ tập trung vào việc phát triển những năng lực cốt lõi và những phẩm chất đặc biệt của thế kỷ 21. Đây cũng là điều mà mọi quốc gia trên thế giới đang tìm kiếm.
Tuy nhiên, GS Dong lưu ý, không nên nói phát triển con người toàn diện chung chung bởi như vậy sẽ không thể đưa ra định hướng trọng tâm cụ thể trong việc phát triển những năng lực, phẩm chất của con người cho thế kỷ 21. GS Dong gợi ý, trong môi trường hiện đại, con người phải có đủ năng lực và phẩm chất để sống trong môi trường số.
“Tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đương nhiên công dân Việt Nam phải là công dân số. Bất cứ người dân nào cũng phải có năng lực sử dụng các thiết bị công nghệ như một công cụ làm việc hàng ngày để lao động, giao tiếp, tương tác với xã hội. Quyết định 749 (Phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030) của Chính phủ yêu cầu rất cụ thể mà chúng ta vẫn chưa đi sâu triển khai. Quyết định nêu rõ: Phải phổ cập dịch vụ Internet băng thông rộng, phổ cập dịch vụ máy tính 5G, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử là 80%. Người dân là trung tâm chuyển đổi số. Thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong kỷ nguyên số”, GS Dong nêu rõ.
Phá bỏ “bốn bức tường” khép kín của GD-ĐT
Để làm được điều này, theo GS Dong, cần đổi mới toàn diện và cơ bản giáo dục. Giáo dục cần thay đổi để đi vào cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ở giai đoạn phát triển chậm, các quốc gia thường tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ thông, coi nhẹ giáo dục thường xuyên cho người lớn và đặc biệt là coi nhẹ giáo dục đại học.
Tuy nhiên, để tiếp cận với nền kinh tế tri thức, trình độ giáo dục phổ thông không đủ sức làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Để có nhân lực chất lượng cao, học tập suốt đời, gắn giáo dục thường xuyên với cán bộ, công nhân viên chức, kỹ sư, bác sĩ… phải đưa giáo dục thường xuyên thành chính sách quốc gia và đưa giáo dục đại học vào chính sách ưu tiên.
“Giáo dục đào tạo giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 phải là “phá bỏ bốn bức tường khép kín” của hệ thống giáo dục, phải làm cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các cơ quan hành chính sự nghiệp đều có tổ chức học tập tại chỗ, thực hiện phương châm “học tại nơi làm việc, vì công việc”, GS Dong nêu rõ.
Chính phủ cần kiến tạo thể chế và những chính sách giúp hình thành một nền giáo dục mở. Trong đó, trước hết, hệ thống giáo dục đại học là hệ thống mở mang chức năng chia sẻ tri thức cho những người có nhu cầu và cả những cộng đồng yếu thế, GS Dong kết luận./.
Từ khóa: phát triển con người toàn diện, dự thảo văn kiện, GS Phạm Tất Dong
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN