Dự thảo văn kiện Đại hội XIII không chỉ lấy ý kiến trong 20 ngày
Cập nhật: 30/10/2020
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
UAV cáp quang Nga bay thẳng vào lòng thiết giáp Ukraine từ phía sau
VOV.VN - Dự thảo văn kiện Đại hội XIII đã được chuẩn bị từ 2 năm trước và lấy ý kiến ĐH Đảng các cấp từ tháng 3 năm nay.
Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã được công bố để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân từ ngày 20/10 và sẽ kết thúc vào ngày 10/11. Phát biểu tại cuộc họp với các cơ quan báo chí sáng 30/10, ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm báo chí, người phát ngôn của Đại hội Đảng lần thứ XIII cho biết: Dự thảo văn kiện Đại hội XIII có một khoảng thời gian rất dài để bổ sung, hoàn thiện.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, văn kiện Đảng được chuẩn bị hết sức công phu từ hơn 2 năm trước. Đại hội Đảng các cấp, từ cơ sở, trên cơ sở và cấp tỉnh đều đóng góp ý kiến vào văn kiện. Tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương sau khi tiếp thu các ý kiến của đảng bộ các cấp đã hoàn chỉnh và công bố. Có nghĩa rằng, Dự thảo văn kiện không phải chỉ bây giờ mới tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân mà trên thực tế, văn kiện đã nhận được ý kiến đóng góp từ tháng 3 năm 2020. Văn kiện đưa ra tại Hội nghị lần thứ 13 đã được tiếp thu và bổ sung rất nhiều nội dung mới. Từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dự kiến vào cuối tháng 1/2016, dự thảo văn kiện tiếp tục được tiếp thu và hoàn thiện để có bản hoàn chỉnh, tập trung trí tuệ toàn dân.
“Khi tổng hợp ý kiến đóng góp của các đảng bộ trên toàn quốc, có rất nhiều ý kiến sâu sắc. Trong 20 ngày lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, dù có thể là khoảng thời gian không dài nhưng nếu thật sự tâm huyết và trách nhiệm thì hoàn toàn cũng có những ý kiến sâu sắc. Chỉ riêng Ban Dân vận Trung ương và Mặt trận tổ quốc Việt Nam có 27 hội nghị lấy ý kiến trong 20 ngày. Cán bộ, lãnh đạo, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà báo và các tầng lớp nhân dân gửi thư cho các cấp ủy Đảng, cơ quan báo chí hay gửi cho Ban Tuyên giáo Trung ương và các cấp, các ngành của các tỉnh, thành ủy… sẽ được tập hợp về Ban Tuyên giáo Trung ương”.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho biết đồng thời nhấn mạnh, những vấn đề lớn, những vấn đề mới, những vấn đề mang tính định hướng, sáng kiến sẽ tiếp thu một cách tối đa. Các ý kiến đóng góp về phát triển kinh tế- xã hội và các lĩnh vực khác liên quan các giải pháp cụ thể sẽ được Ban Tuyên giáo Trung ương đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương nghiên cứu để có những nghị quyết chuyên đề.
Chủ đề Đại hội là cái cô đọng nhất của Báo cáo chính trị
Chủ đề Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN”.
Chủ đề đại hội có 5 thành tố, trong đó nhấn mạnh khát vọng vươn lên của đất nước, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, trí tuệ và đổi mới, xây dựng đất nước phát triển.
“Nếu không đổi mới thì không thể phát triển được. Muốn đổi mới thì phải có trí tuệ nhưng trước hết phải có khát vọng xây dựng đất nước” - ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Làm rõ hơn về chủ đề Đại hội, cũng tại cuộc họp, PGS-TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho biết, chủ đề Đại hội là cái cô đọng nhất của Báo cáo chính trị, làm sao khi đọc chủ đề đó, người ta biết được tất cả điểm nhấn của Báo cáo chính trị.
“Các cơ quan chức năng đã rà soát đi, rà soát lại, cân nhắc từng từ, từng vấn đề… để có được 5 thành tố cơ bản trong chủ đề đại hội. Việc xác định được những nội dung này không hề đơn giản. Có những kỳ đại hội, hơn 100 phương án về chủ đề đại hội đã được đưa ra. Nhưng lần này, chúng ta rất tập trung trong xác định 5 thành tố đó trong chủ đề đại hội”.
Ông Linh lấy ví dụ “Cân nhắc từng từ, nghĩa là thế nào? Ví dụ trong giai đoạn hiện nay, ai cũng thấy rằng, phải khơi dậy khát vọng dân tộc. Nhưng tranh luận đi, tranh luận lại thì thấy rằng, khát vọng ở đây cần cụ thể hóa hơn và cuối cùng, nhiều ý kiến đồng tình cao với cụm từ “khát vọng phát triển đất nước”. Người Việt Nam ai cũng mong đất nước ngày càng phát triển, tương xứng với truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình…”
Để các tầng lớp nhân dân tiếp tục đóng góp các ý kiến tâm huyết vào văn kiện Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn các cơ quan báo chí tập trung thông tin, tuyên truyền về những ưu điểm, thành tựu và hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đã nêu trong dự thảo Báo cáo, nhất là kết quả thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng; Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ Đại hội XIII, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; ba nhiệm vụ trọng tâm và ba giải pháp đột phá./.
Từ khóa: dự thảo văn kiện đại hội XIII, chủ đề đại hội XIII, công bố dự thảo văn kiện, lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo văn kiện
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN