Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: DN bán lẻ chỉ ra sự thiên vị và bất công

Cập nhật: 22/10/2024

VOV.VN - Các DN bán lẻ xăng dầu đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ trình bày chi tiết về những bất công, những chiêu trò rất phản cảm không thể chấp nhận được trong kinh doanh xăng dầu, nhằm xây dựng Nghị định xăng dầu mới cơ bản hơn, phù hợp hơn trong tình hình mới.

Dự thảo Nghị định mới, thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trước đây vẫn đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến để tiếp tục hoàn thiện. Sau nhiều lần lấy ý kiến (3 lần), đến nay Dự thảo vẫn nhận được nhiều phản hồi từ các chuyên gia, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cũng như các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với những ý kiến trái chiều.

Mới đây, cộng đồng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tư nhân đã có thư đề nghị gửi Thủ tướng Chính phủ trình bày chi tiết về những bất công, những chiêu trò rất phản cảm không thể chấp nhận được trong kinh doanh xăng dầu, nhằm xây dựng Nghị định xăng dầu mới cơ bản hơn, phù hợp hơn trong tình hình mới.  

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) theo giấy ủy quyền là người đại diện cho Cộng đồng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, trong nhiều năm qua, thị trường xăng dầu trong nước luôn bất ổn, thể hiện cụ thể qua việc có nhiều giai đoạn khủng hoảng thị trường, mất an ninh năng lượng, tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, chiếm dụng thuế và thất thu thuế,... các Nghị định về kinh doanh xăng dầu bị nhiều chỉ trích và chưa bao giờ được xem là hoàn thiện.

Đáng chú ý, các công cụ quản lý trong lĩnh vực này không chỉ thiếu tính minh bạch, mà còn bị đánh giá là chưa đủ khách quan và công bằng. Điều này dẫn đến Nghị định không đủ tầm để đáp ứng yêu cầu từ thị trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nghị định đã không tạo ra hành lang pháp lý cơ bản để mọi người tuân thủ, chủ yếu tạo ra cơ chế xin - cho dẫn đến nhiều cán bộ giàu lên và rồi bị mất chức, bị đi tù…từ đó làm cho thị trường xăng dầu luôn bất ổn.

“Đặc biệt các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trước đây thiếu tính khoa học - khách quan và logic trong quản lý giữa các khâu, nhất là cơ chế thiết kế phân phối lợi nhuận nửa vời giữa các khâu dẫn đến hai thái cực khác nhau: Một bên là các doanh nghiệp đầu mối lớn luôn có lãi và một bên là khối doanh nghiệp bán lẻ luôn hoạt động kinh doanh bấp bênh, thua lỗ nặng nề lặp đi lặp lại”, nội dung thư kiến nghị nêu rõ.

Thực trạng này đã dẫn đến sự bất an trong kinh doanh, gây ra sự bất bình và làm suy giảm niềm tin của các doanh nghiệp đối cơ quan điều hành. Các doanh nghiệp bán lẻ nhiều năm qua cứ đổ lỗi, đổ thừa quanh co đối với Bộ Công Thương, nhưng thực chất là do Nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện hành và Dự thảo Nghị định mới không khách quan và thiếu sự sâu sát, nên đã và đang dẫn đến tình trạng ưu ái cho các doanh nghiệp đầu mối, khi Bộ Công Thương luôn phụ thuộc vào sự tư vấn của các doanh nghiệp đầu mối trong quá trình soạn thảo, nên thiết kế cho doanh nghiệp đầu mối quá nhiều quyền lợi.

Sự khủng hoảng của ngành xăng dầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, Nhà nước thất thu thuế và không ổn định kinh tế vĩ mô. Nghị định hiện hành và Dự thảo mới không đáp ứng đầy đủ yêu cầu từ thị trường, đi trái với quy luật thị trường, trái với luật cạnh tranh năm 2018, trái với Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017.

Hầu hết nội dung điều tập trung quyền lực cho các doanh nghiệp đầu mối. Các doanh nghiệp đầu mối đang nắm toàn bộ các khâu của chuỗi cung ứng, từ nhập khẩu, phân phối đến bán lẻ. Kết hợp vị thế độc quyền cùng với những chiến thuật, chiêu trò, những thao tác xử lý tài chính, mua bán lòng vòng, xử lý chuyển lãi lỗ trong nội bộ đã làm cho những tập đoàn này đang thao túng và làm lũng đoạn thị trường, chèn ép và loại bỏ dần những thành phần thương nhân khác như thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ không thuộc hệ thống của họ. Dần dần, thị trường sẽ chỉ còn độc quyền cực đoan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Cộng đồng các doanh nghiệp bán lẻ đơn cử chi tiết về các doanh nghiệp đầu mối có vị thế độc quyền trên thị trường đang gia tăng lợi nhuận lên nghìn tỷ (như Petrolimex 9 tháng năm 2024 lợi nhuận đạt khoảng 3.100 tỷ đồng; lợi nhuận của Pvoil khoảng 480 tỷ đồng…). Trong khi đó doanh nghiệp bán lẻ đang thua lỗ không gượng dậy nổi, điều này không chỉ làm mất cân bằng cạnh tranh, còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu mối thâu tóm những doanh nghiệp nhỏ hơn, vốn đã bị chèn ép trong suốt quá trình hoạt động từ trước năm 2020 đến nay.

Từ những thực trạng bất ổn nêu trên, cộng đồng các doanh nghiệp bán lẻ đề nghị Chính phủ cần có điều phối, hoặc cử chuyên gia hay cố vấn để hỗ trợ mạnh mẽ cho các Bộ có nguồn nhân lực yếu, hoặc có tư tưởng mang tính cá nhân, không vì sự phát triển chung của đất nước nhằm ban hành các chính sách khách quan và tiến bộ phù hợp với tình hình mới hiện nay.

“Không thể để các Nghị định do Thủ tướng ký bị xem là chỉ để phục vụ cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, tiếp tay cho họ thâu tóm dần doanh nghiệp bán lẻ và tiếp tục khiến các doanh nghiệp bán lẻ “chết yểu” như thời gian vừa qua”, ông Giang Chấn Tây bày tỏ.

Từ khóa: kinh doanh xăng dầu, kinh doanh xăng dầu,dự thảo, nghị định, độc quyền, chiêu trò

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập